
09:17 - 09/09/2017
Quyền năng của cha mẹ
Được trao cho “sứ mệnh” sinh con, người mẹ nào cũng có một tình yêu thương bí ẩn, mãnh liệt với đứa con của mình (tất nhiên, cũng rất hiếm hoi có người mẹ cho rằng mình đã “lỡ đẻ” rồi mà không muốn có con vì thích “rảnh”, v.v.).
Trẻ con không phải là “thú cưng”
Trải qua 20 năm làm mẹ, tôi cũng đã có đủ “hỉ nộ ái ố”. Từ cảm giác hạnh phúc khi hoài thai và đón con chào đời đến những ngày tháng nuôi con vất vả có mà vui vẻ cũng có. Những lúc được con ôm lấy hôn lên trán nói lời yêu mẹ thật là hạnh phúc. Nhưng cũng có lúc con trở thành “nỗi bực dọc”, “giận dữ”, và cả cảm giác “đáng ghét” khi chúng “trở chứng” hay “bất tuân”.
Và có khi tôi đã đánh con trong cơn nóng giận để rồi sau đó thì ân hận.
Nhưng tôi cũng nhận ra có những người coi trẻ con là “thú cưng” khi họ chỉ thích hôn hít, chụp hình làm cảnh, thậm chí đứa trẻ là thứ để “mua vui”. Tình yêu thương mà họ có nó “thay đổi” tuỳ hứng. Có cha mẹ còn không quan tâm gì đến cảm xúc của đứa bé. Toàn bộ đứa trẻ sống phụ thuộc vào cảm xúc của cha mẹ nó. Lúc họ vui thì họ vuốt ve đứa trẻ, lúc buồn hay giận dữ ai đó thì họ trút vào đứa trẻ. Những đứa trẻ bất hạnh, bị tổn thương từ bé từ cảm xúc của người lớn, về sau nó cũng hành động y như vậy với đứa trẻ khác, kể cả con của nó.
“Có con mà như không có, khi nào vui vầy ở đâu thì ổng đi miết. Khi nào chán chường thì ổng về nhà. Đã không làm gì mà còn đòi hỏi về nhà phải thấy cơm ngon, vợ con sạch sẽ. Đứa bé mà khóc là ổng bỏ đi liền. Có khi nhậu say về còn đánh nó”.
Có những cha mẹ xem con là nơi trút giận. Đứa trẻ như một “vật nuôi” trong nhà, hứng chịu mọi đau khổ của cha mẹ nó. Với những đứa trẻ đó, tình yêu thương là thứ phi lý. Như một cô bé bụi đời đã từng nói với tôi: “Con người ác lắm, cô chưa thấy mấy người lớn đánh một đứa nhỏ bụi đời như con khi xin không đủ tiền mà họ muốn đâu. Không có người tốt, đời này, không ai tốt hết cô ơi. Làm gì có ai thương mình đâu cô!”
Ai có quyền?
Từ khi UNESCO ban hành về Quyền trẻ em trên toàn thế giới và đã có hầu hết các nước ký vào công ước trên, mọi người hy vọng ngày càng có nhiều trẻ em được sống an vui trong các gia đình hạnh phúc.
Thực tế lại có vẻ khác. Xã hội tiêu dùng ngày càng phát triển, nhu cầu sống ngày càng cao, con người ngày càng chạy theo các điều kiện sống tiện nghi, tiện nghi hơn nữa. Chưa kể, kỳ vọng vào con cái ngày càng tăng. Một gia đình, tất cả đều mang gánh nặng cuộc sống: Cha mẹ lao vào kiếm tiền để có đời sống hưởng thụ cao. Con cái phải học hành ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu điểm số, các cuộc thi cử và thành người “toàn năng”. Những từ ngữ như “siêu nhân”, “siêu siêu nhân”… trở nên phổ biến. Những game show “tài năng nhí” ngày càng nhiều. Những lớp học “thần đồng” ngày càng được mở ra. Một lần nữa, đứa trẻ không được sống với cái quyền làm con người bình thường nữa. Toàn bộ quyền được sinh sống tự nhiên đã bị những cha mẹ hiện đại ngày nay tước mất. Ngoài ra, một lối sống kiểu “mẹ đơn thân”, “bố đơn thân” đã hình thành, phần lớn là sự mất mát cho đứa trẻ, ngoại trừ trường hợp những đứa trẻ có cha hoặc mẹ cố ý bỏ rơi con hoặc có “bệnh lý” về mặt tâm thần nặng.
Là một trong số sáu đứa con trong một gia đình cha mất sớm, mẹ cô phải một mình nuôi con, bà luôn đưa ra “kỷ luật sắt” với con gái, nhưng lại rất chiều chuộng đứa con trai duy nhất. Nhưng vì bà quá mạnh mẽ nên tất cả các con gái của bà đều sợ mẹ. Cô bạn mà tôi đang kể chuyện là con gái thứ 3 trong gia đình. Cô cũng là người duy nhất phản ứng mạnh nhất với mẹ mình, do từ nhỏ cô bị đánh nhiều nhất vì… lì nhất.
Khi lớn lên, vừa thoát khỏi mẹ, cô đã “bung ra” hết cỡ: nhuộm tóc, cặp bồ, và có con ngoài giá thú. Nhưng cô không trở về với mẹ mình nữa vì trong ký ức, bà giống một “con cọp cái” hơn là một người mẹ biết yêu thương, cô nói với tôi như vậy. Và cô cũng đơn thân nuôi con. Cô con gái ngoài giá thú ấy, may mắn hơn là mẹ cô không đánh đập, nhưng lại luôn áp đặt mọi chuyện với cô bé.
Có lần tôi chứng kiến cảnh cô bé vừa ăn vừa khóc, nước mắt rơi đầy trên chén cơm nhưng mẹ cô vẫn hét lên: “nuốt, nuốt, nuốt ngay, không thì mẹ nhốt vào toilet cho con ma bắt mày đi!”. Cô bé sợ hãi co rúm cả người. Không chịu nổi cảnh tượng này, tôi đã phải lên tiếng thì bị bạn mình trừng mắt: “Để tui dạy con, đừng có xía vô, bạn đừng có dạy đời!”
Cũng là một người mẹ, tôi hiểu quyền của cha mẹ với con cái, quyền nuôi dưỡng và dạy dỗ con. Nhưng tôi cũng biết có rất nhiều cha mẹ đã lạm dụng cái quyền làm cha mẹ để đánh đập, la mắng, trấn áp và ép buộc con phải tuân phục mình. Những đứa trẻ như vậy, ắt phải tổn thương về sau và sau nữa, con cái của họ cũng sẽ bị hành hạ như vậy.
“Đời là bể khổ”, đúng vậy, nhất là với những đứa trẻ bị tổn thương ngày từ trong trứng. Con cái không được chọn cha mẹ để sinh ra, cho nên cái “hên – xui” này, trong một xã hội mà các giá trị con người không được tôn trọng, thì tương lai cho xã hội đó là điều đã được đoán định trước.
Thái Thảo
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này