10:48 - 04/04/2016
Phụ kiện ngoại hạng cho máy tính: Bàn phím cơ lên ngôi
Trào lưu chơi bàn phím cơ đang trở thành một trong những xu hướng công nghệ khá nổi bật trong những năm gần đây.
Những người mê công nghệ, đặc biệt là các game thủ chuyên nghiệp hoặc những người phải thường xuyên sử dụng bàn phím để thi đấu… ước mơ của nhiều người trong số họ là sắm được bộ Gaming Gear – bộ phụ kiện chuyên dụng bao gồm bốn món cơ bản là: bàn phím, chuột, tai nghe và miếng lót chuột.
Và chi phí cho bộ phụ kiện này có khi lên đến hàng chục triệu đồng.
Trào lưu chơi bàn phím cơ đang trở thành một trong những xu hướng công nghệ khá nổi bật trong những năm gần đây.
Thậm chí nhiều trang tin điện tử và diễn đàn công nghệ đã xếp một chuyên mục riêng cho thể loại bàn phím cơ dành riêng cho người hâm mộ.
Trong bộ phụ kiện cao cấp cho máy tính, bàn phím chuyên dụng là một trong những mặt hàng công nghệ có giá trị cao, từ 2 triệu – 5 triệu đồng/cái.
Đây là loại bàn phím cơ (Mechanical Keyboard) với thiết kế hoàn toàn khác so với một bàn phím máy tính phổ thông.
Trên thị trường đã xuất hiện nhiều công ty và cửa hàng công nghệ chuyên cung cấp phụ kiện loại này như Tân Doanh, Azshop, Phong cách xanh…
Tại các cửa hàng dạng này có các loại bàn phím cơ nổi tiếng như: Realforce giá 5,7 triệu đồng, Filco giá 5,5 triệu đồng/cái, Corsair RGB giá 4,2 triệu đồng, Cherry MX giá 4,5 triệu đồng…
Ông Nguyễn Hoàng Bảo, giám đốc công ty Tân Doanh, cho biết: “Bàn phím bình thường là loại bàn phím có một mạch thiết kế chung cho toàn bộ phím nhấn và sử dụng một lớp màng cao su, khi ấn một phím xuống thì lớp màng sẽ lún xuống và đưa bộ phận tiếp xúc chạm bảng mạch. Còn bàn phím cơ là loại bàn phím được trang bị một kết cấu cơ học dạng “công tắc” (switch) nhấn riêng cho từng phím nên cứng cáp và rất bền”.
Bàn phím cơ thường có thời gian bảo hành sản phẩm từ 48 – 60 tháng. Do thiết kế dạng “công tắc” nên tuổi thọ lực nhấn phím tương đương 30 triệu lần mới phát sinh vấn đề và khi phím nhấn hư thì dễ dàng sửa chữa, vì kỹ thuật viên chỉ tháo rời phím nhấn và thay thế một “công tắc” khác vào vị trí. Còn bàn phím phổ thông nếu hư hỏng phím nhấn thường chỉ vứt bỏ hoặc mua mới.
Tại sao được ưa chuộng?
Ông Chính Thắng, một game thủ chia sẻ: “Một trong những đặc điểm được ưa chuộng của bàn phím cơ là khả năng đáp ứng phím nhấn, vì chỉ cần 1/2 lực nhấn xuống là tín hiệu đã đáp ứng, nên tốc độ gõ phím có khả năng nhanh hơn 50% và loại bỏ những tác động sẽ ảnh hưởng sức khoẻ lên các đầu ngón tay khi sử dụng thường xuyên”.
Ngoài ra, đặc điểm quan trọng nhất của bàn phím cơ chính là tính năng n-key-rollover (NKRO) – giải pháp cho bệnh “thắt cổ chai” khi nhấn phím.
Nguyên nhân là với bàn phím phổ thông khi nhấn từ 3 – 6 phím cùng lúc cho những thao tác hành động trong trò chơi chẳng hạn, sẽ có hiện tượng thắt cổ chai, tín hiệu đáp ứng phím nhấn sẽ mất tác dụng, từ thường dùng gọi là “chậm một nhịp”.
Còn đối với bàn phím cơ, do thiết kế đặc biệt vì mỗi phím nhấn là một “công tắc” độc lập nên sẽ không bị hiện tượng thắt cổ chai”.
Ông Bảo cho biết: “Chẳng hạn để tăng sự hấp dẫn cho bàn phím, hãng Tai-Hao từ Đài Loan, Trung Quốc đã thiết kế thêm khoảng 30 bộ Key Cap (mặt hiển thị ký tự trên bàn phím) theo màu sắc của phím nhấn như: đen – cam, xanh – xám, trắng – hồng… dành cho nữ, hoặc những người dùng thích lựa chọn theo cá tính hợp màu sắc hợp theo phong thuỷ. Giá trung bình của mỗi bộ Key Cap ở mức 550.000 đồng – 1,1 triệu đồng/bộ”.
Phân biệt bàn phím
Trên thị trường hiện tại có ba loại bàn phím máy tính gồm: phổ thông, giả cơ và bàn phím cơ. Loại phổ thông thì hầu như đa số mọi người đều đã và đang sử dụng, giá từ 200.000 – 500.000 đồng.
Loại giả cơ là thiết kế kết hợp có phần cấu tạo bên trong như loại phổ thông nhưng phía trên nhái kiểu “công tắc” như bàn phím cơ, giá từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng.
Cuối cùng là loại bàn phím cơ hoàn toàn, giá từ 2 – 5 triệu đồng.
Với bàn phím phổ thông thì có đủ các thương hiệu trên thị trường. Loại giả cơ từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam trong một năm trở lại đây, các thương hiệu như iRock, Newmen hay Fuhlen…
Còn bàn phím cơ hoàn toàn thì chỉ có ở những thương hiệu được thế giới công nhận như: RealForce, Cherry, Corsair, Filco, Razer… với mức giá từ 4 – 5 triệu đồng.
Trong thiết kế của bàn phím cơ thì “công tắc” có khoảng sáu dạng khác nhau gồm: công tắc màu đen, nâu, xanh, trắng, đỏ và Topre…
Sự khác biệt lớn nhất của các loại công tắc chính là thiết kế lò xo bên trong với lực nén nhẹ hoặc mạnh khác nhau, kế đến là độ ồn hoặc âm thanh khi nhấn phím, và cuối cùng tuỳ thuộc vào cảm giác nhấn của mỗi người mà lựa chọn lại bàn phím cơ phù hợp.
Chẳng hạn “công tắc” màu nâu được thiết kế bên trong một nấc cản nhỏ khi nhấn phím, khi người dùng nhấn xuống sẽ có cảm giác hơi sượng, nhưng lợi ích của nấc cản chính là “thông tin” cho người dùng biết không cần phải nhấn hết lực tín hiệu phím nhấn đã được truyền đi.
Còn “công tắc” màu xanh được thiết kế một gờ nhỏ bên trong, khi người dùng nhấn xuống tạo nên tiếng click quen thuộc như nhấn chuột. Cuối cùng, cầu kỳ và phức tạp nhất là công tắc Topre, bởi thiết kế gồm một lò xo kết hợp bên dưới một lớp cao su, lực nén của lò xo gây ra sự thay đổi điện dung giữa các tấm lót của tụ điện, cho cảm giác ấn phím êm hơn và hoàn toàn yên tĩnh.
Anh Vũ
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này