13:14 - 24/05/2019
[Photo] Bên trong thủ phủ Huawei, cái nhìn cận cảnh hiếm hoi về gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc
Huawei là một trong những người khổng lồ của ngành công nghệ, là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, dẫn đầu trong công nghệ 5G thế hệ mới và năm ngoái, nó đã vượt qua Apple để trở thành nhà bán smartphone lớn thứ hai trên thế giới.
Nhưng với nhiều người, đặc biệt là ở phương Tây, vẫn có một không khí bí ẩn vây quanh Huawei.
Và ở Hoa Kỳ, đó là sự nghi ngờ.
Trong nhiều năm, Washington đã lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị Huawei để do thám các quốc gia khác. Chính phủ Hoa Kỳ nói rằng Huawei có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia vì họ không thể nói không với chính phủ Trung Quốc.
Huawei bác bỏ các cáo buộc đó, nói rằng họ sẽ từ chối mọi yêu cầu truy cập vào công nghệ mà họ bán cho các nhà khai thác viễn thông của chính phủ Trung Quốc. Nhưng tuần trước, chính quyền ông Trump đã đưa công ty này vào danh sách đen các công ty nước ngoài bị cấm giao dịch các linh kiện từ các nhà xuất khẩu Mỹ nếu không có giấy phép.
Trong nỗ lực xua tan không khí bí ẩn vây quanh, Huawei gần đây đã mở các cơ sở của mình cho truyền thông quốc tế.
Kevin Frayer, một nhiếp ảnh gia của Getty Images có trụ sở tại Bắc Kinh, đã tới miền nam Trung Quốc vào tháng 4 để đến thăm ba cơ sở của Huawei.
“Mục tiêu của tôi là đưa mọi người đi xa hơn những tin tức nóng hổi và tựa báo giật gân về Huawei, để cho họ cảm nhận về công ty này theo kiểu chẳng hạn, nó trông như thế nào hay ai làm việc ở đó”, ông nói.
Huawei có 180.000 nhân viên trên toàn thế giới. Hơn một phần ba trong số họ làm việc tại các cơ sở mà Frayer đã đến thăm ở Đông Quan và Thâm Quyến, nơi được coi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc.
Những nhân viên ông gặp làm việc trong nhiều vai trò khác nhau: sản xuất, nghiên cứu và phát triển, và tài chính…
“Các công việc tại Huawei thực sự hấp dẫn,” Frayer nói. “Nó là một trong những công ty ở Trung Quốc trả lương cao nhất cho người lao động có tay nghề cao, và nhiều người đã được đào tạo ở nước ngoài hoặc tại các trường hàng đầu của Trung Quốc. Một số bộ óc sáng giá nhất được thuê từ các công ty khác, và Huawei cũng thu hút các chuyên gia nước ngoài.”
Frayer ngạc nhiên trước quy mô của các khu học xá mà anh đến thăm, đặc biệt là trụ sở Huawei, ở Thâm Quyến và cơ sở nghiên cứu và phát triển theo phong cách châu Âu tại Đông Quan.
“Khi bạn lần đầu tiên đến, có cái gì đó không cưỡng nổi về mọi thứ trải ra,” ông nói. “Những nhà hàng và quán cà phê, các tiện nghi thể thao và hệ thống giao thông riêng. Họ có biệt thự và phòng ăn lộng lẫy cho các nhân viên cao cấp và nhà ở giá thấp cho người lao động”.
Tại khuôn viên mới theo phong cách châu Âu, các tòa nhà được thiết kế cho thấy gốc gác kiến trúc sư của người sáng lập công ty. Và mỗi ngày sau bữa ăn trưa, đèn được tắt bớt ở hầu hết các văn phòng để công nhân có thể ngủ trưa, điều thường thấy trong các công ty ở Trung Quốc.
Frayer cho biết các khu học xá có cảm giác như khuôn viên trường đại học: yên tĩnh và thư thái, không giống như phần lớn những nơi khác trên đất nước này.
“Điều nhắc nhở duy nhất rằng bạn đang ở Trung Quốc là những đám đông vào giờ ăn trưa và kết thúc ngày làm việc,” ông nói.
Frayer đã nói chuyện với một số nhân viên, và nhiều người trong số họ bày tỏ lo ngại về những gì họ coi là quan niệm sai lầm về công ty.
“Họ nhận thức được những thách thức chính trị và quan điểm của người Mỹ, và họ đã cố gắng giải thích rằng Huawei là một công ty công nghệ đang cố gắng đổi mới như bất kỳ công ty công nghệ nào khác – như một kỹ sư nói, để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn”.
Một số khu vực nghiên cứu và phát triển bị giới hạn vì lợi ích bảo vệ tài sản trí tuệ và Frayer đôi khi được yêu cầu không chụp ảnh một số khách hàng. Nhưng nhìn chung, Huawei nói, Huawei rất cởi mở trong những gì họ cho phép.
Ông gọi công ty là nguồn cảm hứng và niềm tự hào của người Trung Quốc.
“Thật khó để thực sự biết những gì diễn ra ở đó, nhưng mọi người trông có vẻ hạnh phúc và thích thú với những gì họ đang làm,” Frayer nói. “Bạn có thể cảm thấy rằng có gì đó to tát và hệ trọng đang lớn lên ở đây.”
Duy Khiêm (theo TGHN/CNN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này