
11:00 - 28/12/2017
Philippines điện hoá các đảo bằng năng lượng tái tạo
Philippines là nước có đến 7.017 hòn đảo. Việc đưa điện đến những đảo có người ở là vấn đề. Và cách giải quyết là sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Sáng kiến này sẽ cất cánh vào năm 2018.

Đến năm 2015, khoảng 22% nguồn cung điện của Philippines do các nguồn năng lượng tái tạo cung ứng, trong khi trên thế giới chỉ có 20% nguồn cung từ năng lượng tái tạo.
Cục NLTT quốc gia (NREB) hôm 20/12 đã lấy ý kiến công chúng về các quy định Thị trường năng lượng tái tạo (REM) tại thành phố Cebu, cùng với một loạt diễn đàn trong năm nay, nhằm thực thi đầy đủ đạo luật NLTT của năm 2008.
“Rõ ràng mục tiêu của luật là phổ biến việc sử dụng NLTT ở Philippines. Có nhiều cơ chế được luật đưa ra, trong đó có các tiêu chuẩn hồ sơ năng lực tái tạo (RPS)”, luật sư Jose Layug Jr., chủ tịch NREB, trả lời trong một cuộc phỏng vấn bên lề diễn đàn tại khách sạn Marriott, thành phố Cebu, được tờ Cebudailynews dẫn lại.
RPS cụ thể là một chính sách dựa trên thị trường yêu cầu các tổ hợp điện lực và các cơ sở truyền tải phải có một tỷ lệ thoả thuận về việc cung cấp năng lượng từ các nguồn NLTT phù hợp, qua đó góp phần vào sự tăng trưởng của ngành NLTT. Các tổ hợp tác và các cơ sở phân phối được yêu cầu bảo đảm rằng, 1% nhu cầu gia tăng của họ phải được cung cấp bằng NLTT.
Thị trường năng lượng tái tạo
Trong khi đó quy định REM bao hàm nền tảng trên đó việc kinh doanh các chứng chỉ NLTT tương đương một lượng điện được phát từ các nguồn NLTT. Các quy định của RPS và REM được xây dựng và chuyển cho bộ Năng lượng xem lại trước cuối năm 2017. Nếu kế hoạch đúng tiến độ, ông Layud hy vọng các cơ chế sẽ được thực thi vào tháng giêng năm tới. Một khi được thực thi, các cơ chế này sẽ giúp cho cơ quan đạt được mục tiêu duy trì tỷ lệ NLTT trong nguồn năng lượng tổng hợp của quốc gia đạt 35% vào năm 2030.
Kế hoạch năng lượng tái tạo
Kế hoạch NLTT quốc gia tìm cách tăng năng lực NLTT của đất nước ước chừng 15.304 megawatt vào năm 2030, gần gấp ba lần mức của năm 2010. Layug cho rằng với những sáng kiến đó, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư được khuyến khích xây dựng các cơ sở NLTT khắp đất nước, nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ sở truyền tải và tổ hợp tác điện lực. Điều này cũng nằm trong dự kiến hạ giá điện của những hòn đảo nằm ngoài lưới điện, đảo Bantayan ở Cebu chẳng hạn, nơi mà các máy phát điện chạy bằng diesel đắt đỏ được sử dụng để cung cấp điện cho các hộ gia đình.
Không có đạo luật này, các cơ sở truyền tải và tổ hợp tác điện lực chỉ sử dụng nguồn điện từ than đá hoặc dầu diesel. “Trên các đảo, nếu ta phối hợp điều đó với NLTT như quang năng, phong năng, khí sinh học, giá sẽ hạ xuống”, Layug nói.
Hạ thấp chi phí bù giá
Theo ông, điều đó tất yếu sẽ dẫn đến việc hạ thấp chi phí chung đối với nhiệm vụ điện khí hoá (UCME), số tiền mà người tiêu dùng trên lưới phải chi trả để phụ cấp cho chi phí điện đối với người tiêu dùng không được nối kết vào lưới. Layug cho rằng, các nhà máy NLTT sử dụng năng lượng địa nhiệt và thuỷ lực, giờ đây có thể cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống, tạo ra nhu cầu tăng tỷ lệ NLTT trong nguồn năng lượng tổng hợp quốc gia lên nhiều hơn.
Đến năm 2015, khoảng 22% nguồn cung điện của Philippines do các nguồn NLTT cung ứng, trong khi trên thế giới chỉ có 20% nguồn cung từ NLTT.
Trường hợp VECO
Tuy nhiên ở Metro Cebu (thành phố trung tâm của tỉnh Cebu), trong các nguồn của công ty điện lực Visayan (VECO), nguồn cung từ NLTT chiếm đến 50%. Trong một báo cáo trước đó, giám đốc vận hành VECO Anton Perdices cho biết 89% NLTT ấy là từ các nguồn địa nhiệt ở Negros và Leyte. “NLTT giúp giảm nhẹ các hậu quả của biến đổi khí hậu, giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch nhập khẩu, sẽ rẻ hơn công nghệ dựa trên nhiên liệu hoá thạch về dài hạn, và Philippines có một cơ sở nguồn rất lớn”, ông nói.
Trong khi công ty thừa nhận các lợi ích từ NLTT, công ty cũng cho rằng suất đầu tư ban đầu các nhà máy NLTT hiện nay còn cao. NLTT cũng có những vấn đề về ổn định, vì nó có các yếu tố năng lực biến động. Perdices cho rằng để cung cấp điện ổn định và cạnh tranh về giá, VECO phải duy trì một sự cân đối giữa các nguồn.
Trần Bích
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này