
12:52 - 28/04/2016
‘Phiên chợ Xanh Tử Tế’ – nông nghiệp hữu cơ không có gì là ghê gớm
“Do đó, tôi nghĩ khi bà con nông dân đã bỏ công sức làm cho cân bằng môi trường thì người tiêu dùng cần ủng hộ, tuy mua rau có hơi đắt hơn một chút nhưng trước mắt là bảo vệ sức khỏe của mình và khuyến khích nông dân”
Mở màn cho chuỗi sự kiện trong khuôn khổ hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại TPHCM là “phiên chợ Xanh tử tế” từ ngày 23 – 24/4.
Đây là phiên chợ nhằm giới thiệu với người tiêu dùng thành phố các mặt hàng nông sản sạch trong nước.
Phiên chợ nằm trong dự án hỗ trợ các hộ nông gia, hợp tác xã làng nghề, các CLB Thanh niên khởi nghiệp được tiếp cận thị trường đông dân nhất nước thông qua bán hàng trực tiếp, tư vấn chuyên gia và tiếp cận với mạng lưới phân phối chuyên nghiệp của TPHCM.
Phiên chợ với sự tham gia của gần 20 đơn vị đến từ hơn 10 địa phương từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông và Tây Nam Bộ. Như HTX H’Mong ở Bản Cát Cát (Sapa); SKC Ninh Thuận; SKC Đồng Tháp; CLB đặc sản Bến Tre; Hồng sấy gió Đà Lạt; rau hữu cơ Bến Tre…
Trong hai ngày, phiên chợ đã thu hút rất đông người tiêu dùng đến tham quan, tìm hiểu thông tin và mua sắm.
Đặc biệt, dịp này đã diễn ra cuộc gặp gỡ bà Mayu Ino, nhà sáng lập tổ chức Seed to Table (từ hạt giống đến bàn ăn), một tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ nông dân Việt Nam trong việc bảo tồn hạt giống, cải thiện sinh kế người nghèo và sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Suốt từ năm 2009 đến nay, bà cùng với những người trong dự án Seed To Table triển khai rất nhiều mô hình sản xuất rau hữu cơ cho nông dân Việt Nam, trải dài từ các tỉnh phía Bắc đến tận vùng ĐBSCL.
Nhận xét về phiên chợ xanh tử tế do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BAS) tổ chức, bà Mayu nói phiên chợ hôm nay sẽ rất tốt để tạo cơ hội cho hai bên, người sản xuất và người tiêu dùng gặp nhau để có bức xúc chỗ nào, nghi ngờ chỗ nào, thắc mắc chỗ nào để cùng nhau học hỏi.
Người tiêu dùng đến đây có thể hiểu cách sản xuất hữu cơ như thế nào. Họ mua về ăn mà thấy ngon thì sau này tiếp tục mua hàng.
Bên cạnh đó, với người nông dân, thường bận rộn chăm vườn, chăm sóc gia súc không có dịp lên TPHCM, nên qua đây họ có cơ hội gặp để giới thiệu sản phẩm của mình tới người tiêu dùng.
Do đó, khi một người hiểu, rồi sẽ truyền miệng, sau này có mấy ngàn người đều hiểu về thực phẩm hữu cơ thì quan hệ rất tốt, bền vững hơn.
Qua thời gian hường dẫn nông dân làm nông nghiệp hữu cơ, bà nhận xét rằng: Người chịu khó học hỏi thì hiểu rất sâu chứ không chạy theo lợi nhuận.
Lợi nhuận tuy phải có vì họ sống bằng nghề đấy, thế nhưng mà người ta cũng hiểu sâu về sức khỏe của mình, sức khỏe của người ăn và cân bằng hệ sinh thái tại môi trường mà họ sản xuất.
Người ta còn hiểu tại sao phải bảo vệ môi trường, đó chính là bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng và quyền lợi kinh tế của người nông dân”.
Theo bà, nông nghiệp hữu cơ không phải cái gì ghê gớm, không phải khó làm lắm đâu. Nhưng mà nông dân Việt Nam lại có thói quen sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học nên họ nhận thấy làm nông nghiệp nhàn quá.
Khi xịt thuốc thì họ nhìn thấy con sâu chết liền, nhưng họ không hiểu con sâu chết là con sâu gì, có ảnh hưởng đến hệ sinh thái không. Bón phân hóa học cũng vậy, chỉ cần thảy phân xuống là có hiệu quả ngay.
Chính vì vậy mà nông dân thấy làm nông nghiệp rất là nhàn nên bây giờ họ ngại nhất là cực khổ. Vì làm hữu cơ mất công sức nhiều hơn.
Tuy nhiên, sau quá trình làm có sản phẩm, giá cả rau hữu cơ lại tương đối chấp nhận, làm cho bà con nông dân phân khởi.
“Do đó, tôi nghĩ khi bà con nông dân đã bỏ công sức làm cho cân bằng môi trường thì người tiêu dùng cần ủng hộ, tuy mua rau có hơi đắt hơn một chút nhưng trước mắt là bảo vệ sức khỏe của mình và khuyến khích nông dân”, bà Mayu Ino nói.
Minh Khoa
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này