
09:00 - 01/07/2017
Ông giáo làng Nguyễn Thế Vinh: như một dòng sông miệt mài chảy
Cuốn tự truyện “Ông giáo làng trên tầng gác mái” do nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà chắp bút được Saigon Books ấn hành, sẽ đưa độc giả đến gần hơn với cuộc đời thăng trầm của Nguyễn Thế Vinh, cảm nhận ở anh nhiều hơn những gì chúng ta biết về một con người tài năng, đầy ý chí.

“Tôi sống giống như một dòng sông miệt mài chảy qua mọi địa hình, tận lực cho mình không bị cạn kiệt trước khi hoà vào đại dương mênh mông. ” – Nguyễn Thế Vinh – nhân vật trong cuốn sách “Ông giáo làng trên tầng gác mái”.
Cánh tay gãy và hai cái chết đau lòng
Nguyễn Thế Vinh sinh năm 1970 tại Phan Thiết trong một gia đình gồm bốn anh chị em, có ba là sĩ quan chế độ cũ, tử trận năm 1974. Sau biến cố 1975, Vinh cùng mẹ và anh chị em của mình rời theo chân ông bà ngoại lên khu kinh tế mới ở Bắc Bình (Bình Thuận) bắt đầu cuộc sống hoàn toàn xa lạ với vô vàn khúc khuỷu.
Phần đầu của cuốn tự truyện, Vinh kể về một trong những cuộc “ly tán” đáng nhớ nhất đời mình. Đó là khi cánh tay Vinh bị cắt bỏ vào năm chín tuổi sau một cú ngã lúc chăn bò. Nhưng chỉ vài trang sau đó, nỗi xót xa của câu chuyện mới thực sự xuất hiện. Má Vinh, vì không chịu đựng được với những lời cay nghiệt của người đời đã phải tìm đến chai thuốc rầy. Nguyễn Thế Vinh nhắc đến cái chết của má đơn giản anh hiểu được tình cảm tâm tư của má trước lúc kết liễu đời mình.
Sau đó người anh lớn của Vinh, đương nhiên trở thành trụ cột cho các em. Nhưng rồi cái chết một lần nữa tìm đến gia đình anh, như Vinh tâm sự: “Trong một cuộc rượu, ai đó nói đến vợ anh Tèo khiến anh nổi máu ghen. Trong cơn say, vừa mất lý trí, vừa điên đảo ghen tuông, anh Tèo uống nguyên chai thuốc rầy. Thuốc ngấm nhanh, anh lên cơn co giật dữ dội. Khi anh được đưa đến nhà thương thì mọi việc quá muộn. Thôi thì đó là cái số của anh”. Rồi không lâu sau ông ngoại anh cũng qua đời.
Mê guitar, nhảy tàu buôn lậu đến đời sinh viên đẹp lắm
Năm 15 tuổi, vì muốn kiếm tiền Vinh đạp xe xuống tận Phan Rí mua mực rồi một mình nhảy tàu vào Sài Gòn bỏ mối, biết bao lần trót lọt khỏi đội quản lý thị trường. Vào cái thời người ta gọi là “ngăn sông cấm chợ” mọi thứ đều bị quản lý, sự giao thương là ước mơ của nhiều người, đó dường như là điều bình thường với Vinh.
Dù máu đi buôn, nhưng Vinh cũng không thoát khỏi sự “cám dỗ” của con chữ. Vinh học giỏi, nhớ hay, lại có máu tìm tòi. Song chỉ vì nghĩ đến lai lịch nên Vinh không thi đại học. Nhưng khi xuống Sài Gòn kiếm tiền, Vinh mới ngấm ra cái sự học rất cần thiết về sau, vì vậy anh về quê tự luyện thi, để rồi một năm sau đó Vinh thi đậu vào ĐH Kinh tế TPHCM với số điểm khá cao, gần chạm được suất du học.
Thời gian đó, để trang trải học phí, để nuôi em ăn học… Vinh không từ một công việc gì dù là gian khó đến đâu. Vinh hành nghề bơm xe đạp, canh xe, làm thuê ở cửa hàng rồi đến gia sư. Vinh còn được biết đến với tài đánh guitar, nhưng cái sự học guitar từ nhỏ được anh kể như thế này: “Tôi học guitar gian nan lắm. Ban đầu tôi lấy dây thun cột một que nhang vào phần tay cụt, mới gảy đàn vài phát, cái que đã gãy. Tôi thử chụm 3 – 4 que nhang lại rồi cột y như thế thì lại quá cứng, gảy không trúng dây đàn như ý mình…”.
Hát cho phòng trà Ánh Tuyết, nếm mùi ăn chơi đến giấc mơ “Hướng Dương”
Nguyễn Thế Vinh bị âm nhạc cuốn hút khiến anh đôi lúc gần như “ma mị”. Năm 2004, Vinh tình cờ gặp nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch khi anh lạc bước đến quán càphê của ông. Rồi anh gặp cả cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, đến ca sĩ Ánh Tuyết, không ngờ sau đó ca sĩ Ánh Tuyết nhận anh vào làm ở phòng trà ATB. Chính những cái duyên âm nhạc đã giúp cho Vinh rất nhiều về sau,
trong những con đường anh chọn.
Thời điểm 1998 – 2006, Vinh cùng bạn mở một cửa hàng sửa chữa điện thoại di động ở Gò Vấp. Trong đám khách Vinh có quen một số tay giang hồ cộm cán Sài Gòn. Qua những người này Vinh đã thử “chu du” vào thế giới ngầm. Ở đó Vinh cũng nhận ra nhiều mặt của cuộc sống, nếu không vững ai cũng có thể lạc vào đó khó tìm thấy đường ra.
Đến năm 2006, Vinh bỏ ngang công việc kinh doanh ở Sài Gòn để về Bình Dương dạy học cho trẻ em nghèo, chỉ vì một lời ước nguyện của người khác. Với công việc dạy học, Vinh nhận ra mục đích của mình. Từ đó anh luôn trăn trở làm sao để còn có thể thu nhận được nhiều em hoàn cảnh khó khăn về học, mong các em có một tương lai xán lạn hơn, giúp anh nuôi hy vọng về một mái trường mang tên Hướng Dương…
Sau những bôn ba tìm nhà tài trợ, nhận sự giúp đỡ của quý nhân, bạn bè, năm 2010 trường chính thức khánh thành sau năm tháng động thổ. Có trường, có lớp, ông giáo làng Nguyễn Thế Vinh lại khăn gói lên đường đi tìm trò. Đến nay, ngôi trường đã hun đúc cho biết bao mảnh đời biết nắm lấy khát vọng. Có những cánh hoa hướng dương do anh “gieo trồng” đặc biệt đã bay xa, tìm kiếm tri thức ở nước ngoài, những suất du học của các em cũng chính do anh đi tìm kiếm tài trợ.
Nguyễn Thế Vinh có một tinh thần mạo hiểm, dám chọn những con đường gian nan nhất để thử lửa chính bản thân. Như anh chia sẻ: “Những năm tháng tôi sống giống như một dòng sông miệt mài chảy qua mọi địa hình, tận lực cho mình không bị cạn kiệt trước khi hoà vào đại dương mênh mông. Tôi đã đơn giản sống như thế”.
Với mỗi một cuốn sách Ông giáo làng trên tầng gác mái được bán ra sẽ có 25.000 đồng được dành tặng cho trường Hướng Dương xây thư viện và khu đọc sách.
bài, ảnh Hữu Nam
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này