
12:08 - 22/09/2016
Ở đâu cũng bán thịt ‘khoả thân!’
Bà Tư bán thịt heo ở con hẻm trước trường đại học Ngân hàng, Thủ Đức ngót 20 năm. Sáng sớm lấy về bà vẫn bán từ sáng đến chiều trong điều kiện môi trường khá khắc nghiệt của TPHCM.

Thói quen ăn thịt tươi nóng của người Việt đang đi ngược lại xu hướng thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: TL.
Bà vẫn có khách mối tiêu thụ hết chừng một con heo tạ…
Chuyên gia đứng mục Ẩm thực ngon & lành của TGTT, cho biết, “thịt bán ngoài chợ trong điều kiện không ủ mát chỉ để được 2 – 3 tiếng đồng hồ, tuỳ môi trường ô nhiễm cỡ nào. Nếu mua thịt về nấu liền, thịt để bốn tiếng cũng tạm được”.
Thông tư 33 của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cách đây bốn năm, từng quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm tươi sống từ động vật.
Điểm đáng chú ý trong thông tư này là quy định thịt và phụ phẩm tươi sống để ở nhiệt độ thường chỉ được bán trong vòng tám giờ kể từ khi giết mổ.
Trong trường hợp được bảo quản ở nhiệt độ 0 – 5 độ C, thịt được bán trong vòng 72 giờ, phụ phẩm như dạ dày, lòng non chỉ được bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ, không được dùng hoá chất để bảo quản thịt và phụ phẩm tươi sống…
Thông tư này, dù rất phù hợp với quy định thú y nhưng rất tiếc, sau đó nó đã bị huỷ bỏ do dư luận phản đối kịch liệt.
Nếu suy xét kỹ lưỡng, thì việc quy định giờ giấc bán thịt cũng như cách thức bán miếng thịt là hoàn toàn đúng đắn.
Bởi việc bán thịt tươi sống, để trần trụi từ sáng đến chiều như hiện nay đang có quá nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.
Thay vì phải có tủ bảo ôn, tủ mát, đóng vào bao bì, có tem nhãn nhà sản xuất theo đúng với quy định của ngành thú y, thì hiện nay, trên thị trường, đâu đâu người dân cũng có thể mua được thịt để trần trụi trên bàn để bán suốt từ sáng sớm cho đến chiều muộn.
Miếng thịt heo của bà Tư lúc sáng sớm nhìn còn tươi. Càng về trưa, thịt bắt đầu khô quạnh lại, chuyển sang màu nâu và bắt đầu có mùi ôi thiu. Nhưng miếng thịt có ôi thiu thì cũng chẳng sao.
Vì khách của bà Tư hầu hết là người quen, ai rảnh thì đến mua sớm. Ai bận thì để đến trưa. Buổi sáng bán không hết thì trưa bà đem về nhà, qua chiều dọn ra bán tiếp.
Thịt heo mà bà Tư bán trần trụi suốt ngày vẫn chưa tính được thời gian từ lúc giết mổ đến lúc về đến bàn thịt heo của bà.
Trước đây, bà nói thường lấy thịt ở lò mổ thủ công gần nhà, nhưng gần đây, theo quy định của cơ quan thú y thành phố chỉ được lấy thịt ở chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn).
6 giờ sáng bà dọn bàn thịt, chồng bà chở thịt từ chợ đầu mối về tới là đặt lên, pha lóc ra từng thứ xương, thịt ba rọi, thịt đùi, thịt vai… Ai thích mua loại gì thì bà dùng dao cắt, đưa lên cân rồi nhét vào túi bóng, tính tiền cho họ.
Hình ảnh của một người bán thịt heo “khoả thân” kiểu bà Tư có thể bắt gặp phổ biến tại thành phố 9 triệu dân này.
Nói đến việc bảo quản thịt trong tủ mát, bà Thuỷ, tiểu thương chợ Tân Định, ngay trung tâm văn minh nhất thành phố ở quận 1, khoát tay: ôi trời, bảo quản với chẳng bảo quyết cái gì.
Cả khu chợ này có ai bỏ thịt vào tủ bán đâu. Tiểu thương nào cũng để thịt trần trụi trên bàn. Vậy mà vẫn bán hết đó thôi.
Dễ nhận thấy, miếng thịt mà chúng ta đang ăn mỗi ngày đang được bán trong điều kiện tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài, với nắng, mưa, bụi bặm.
Với các tiểu thương bán thịt ở các con hẻm hay lòng lề đường, họ thường bày thịt la liệt lên một cái bàn nhỏ. Con dao, cái thớt, cái giẻ lau tay cũng được dùng đi dùng lại đến khi bán hết thịt mới đem đi vệ sinh lại.
Còn tiểu thương ở chợ truyền thống, gần đây có trang bị bàn inox, chỗ bán sạch sẽ, miếng thịt được treo lên, nhưng cũng vẫn để trần trụi suốt từ sáng cho đến chiều muộn.
Ông Nguyễn Thanh Phi Long, giám đốc công ty Long Bình, cho biết đơn vị này đang cung cấp ra thị trường TPHCM khoảng 2.000 con gà đạt chuẩn mỗi ngày. Dự kiến trong năm 2016 công ty sẽ cung cấp khoảng 10.000 con gà mỗi ngày. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại hiện nay là con gà sau khi được giết mổ ở lò công nghiệp lúc 2 – 3 giờ sáng, được đóng gói cẩn thận, vận chuyển bằng xe lạnh để giao vào hệ thống kho ở siêu thị, nhưng mãi tới 7 – 8 giờ sáng mới có nhân viên siêu thị đưa vào tủ mát để bán cho người tiêu dùng. Như vậy là con gà bị ném vật vã ở kho, trong môi trường không đảm bảo suốt mấy tiếng đồng hồ, nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cũng rất cao chứ không phải là an toàn gì.
Bảo Ngọc
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này