
10:15 - 24/04/2019
Nước mắm nào là nước mắm Phú Quốc?
Toàn đảo Phú Quốc hiện có 104 nhà thùng làm nước mắm, sản lượng bình quân đạt khoảng 25 – 30 triệu lít/năm. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm mang nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc tiêu thụ trên thị trường lên đến khoảng 200 triệu lít/năm.
Như vậy, có khoảng 85 – 90% nước mắm mang nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc đang bán trên thị trường là hàng giả, hàng nhái… Vậy các nhà thùng ở Phú Quốc đang làm gì để bảo vệ thương hiệu?
Giám sát hạt muối đến con cá
Để có những giọt nước mắm thơm ngon, hàng ngày ngư dân Phú Quốc phải miệt mài ra biển đánh bắt cá tươi. Chuyến đi biển của họ kéo dài từ 3 – 5 ngày, đi xa khoảng 60 hải lý. Theo các nhà thùng làm mắm, có hai dạng cá được đưa vào sản xuất ra nước mắm, một là cá tạp, gồm nhiều loại khác nhau; hai là loại có ít nhất 85% cá cơm và không quá 15% cá khác.
Ngoài điều kiện quy định về lượng cá cơm, các nhà thùng ở Phú Quốc buộc phải tuân thủ thêm những yêu cầu, như cá làm nước mắm phải là cá cơm đánh bắt ở vùng Kiên Giang, Cà Mau, vịnh Thái Lan. Phải ướp muối ngay trên tàu sau khi đánh bắt, theo tỷ lệ 1kg muối cho 3kg cá. Muối phải được bảo ôn ít nhất là 60 ngày mới được dùng. Phải ủ chượp trong thùng gỗ, thời gian chượp từ 12 – 15 tháng… Loại gỗ làm thùng được làm từ gỗ đặc trưng của Phú Quốc như bời lời, dên dên, mỗi thùng có 52 miếng gỗ, và dùng nhựa cây gỗ dầu mít trét kín các đường nối…
Theo bà Hồ Kim Liên, chủ tịch hội Nước mắm Phú Quốc, tất cả yêu cầu này chỉ nhằm “bảo tồn” hương, vị và màu của nước mắm Phú Quốc mà cha ông đã làm gần hai trăm năm nay. Nếu nhà thùng nào ở Phú Quốc không tuân thủ những yêu cầu này, thì không được dán nhãn Chỉ dẫn địa lý (CDĐL).
“Nước mắm Phú Quốc được đăng bạ ở châu Âu và được châu Âu công nhận về sản phẩm CDĐL. Cá tươi, ướp muối tại tàu đánh bắt sau đó mới đưa về ướp chượp. Nhà thùng muốn bán và vận hành CDĐL phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của Nhà nước và Phú Quốc đã thành lập ra ban kiểm soát để bảo hộ CDĐL”, bà Liên nói.
Để kiểm soát tốt chất lượng, ban kiểm soát bảo hộ CDĐL còn kết hợp với Nhà nước, hội Nước mắm giám sát nguyên liệu đầu vào. Sau khi có được thông tin truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ban kiểm soát mới cấp cho nhà thùng mã số để dán lên thùng. Sau quy trình ủ chượp, nhà thùng thông báo cho ban kiểm soát cấp tem để dán trên chai nước mắm. Bà Liên cho rằng, CDĐL không đơn giản chỉ là thông tin cho biết sản phẩm đó sản xuất ở đâu.Nó còn phải gắn liền với một số tiêu chuẩn về chất lượng mà sản phẩm này có được, do đặc điểm của thiên nhiên và cách thức sản xuất độc đáo của địa phương đó.
“Như logo CDĐL của nước mắm Phú Quốc có hình đảo Phú Quốc. Chủ sở hữu tên địa lý đó là Nhà nước, và không phải ai muốn dùng cũng được. Để tránh lạm dụng, sản xuất đại trà làm mất uy tín thương hiệu vùng miền, Nhà nước buộc nhà sản xuất phải tuân thủ một số quy định mới được mang nhãn CDĐL trên sản phẩm”, bà Liên lý giải.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, giám đốc DNTN khai thác và chế biến hải sản Thanh Quốc, nói hiện nay doanh nghiệp này đang sử dụng CDĐL cho sản phẩm nước mắm, nên tất cả hồ sơ sản xuất đều phải được lưu giữ, kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra. Ngay cả hạt muối, con cá đánh bắt ngoài biển cũng có nguồn gốc rõ ràng.
Nhận biết nước mắm Phú Quốc
Theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, một nhà thùng có thể làm ra nhiều loại nước mắm khác nhau, loại cao đạm và thấp đạm.Thấp ở đây khoảng 20 – 30 độ đạm, khác với nước mắm công nghiệp chỉ khoảng 10 độ đạm. Ở Phú Quốc, nước mắm đạm cao, khoảng 35 – 43 độ, nhưng loại thấp đạm, do độ mặn cao, nên một số nhà thùng có thể dùng thêm chất tạo ngọt để che bớt độ mặn. Loại này không được dán nhãn CDĐL đối với nước mắm Phú Quốc.Cho đến nay, nước mắm Phú Quốc là thương hiệu duy nhất của Việt Nam được châu Âu bảo hộ về CDĐL, hành trình để châu Âu chấp nhận kéo dài trong sáu năm.Không riêng gì hội Nước mắm Phú Quốc quản lý CDĐL cho nước mắm Phú Quốc, mà còn có vai trò quản lý nhà nước, cụ thể là tỉnh Kiên Giang.
Ba điểm nhận dạng nước mắm CDĐL Phú Quốc
Thứ 1: Tem được in trên chai. Tem này chỉ được cấp cho doanh nghiệp nào đăng ký CDĐL. Tem do sở Khoa học và công nghệ Kiên Giang cấp, tem cũng thể hiện mã số thùng chượp dùng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Thứ 2: Chữ Phú Quốc chỉ được bằng 1/3 nhãn, kèm logo CDĐL đăng bạ ở châu Âu, cũng như của sục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Thương hiệu doanh nghiệp phải nhỏ hơn chữ Phú Quốc.
Thứ 3: Nước mắm đạt CDĐL phải ủ chượp và đóng chai tại Phú Quốc, nơi sản xuất ra sản phẩm.
Theo TGHN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này