12:21 - 23/02/2017
Nước mắm, bài học giá trị sống từ quê hương
Nước mắm Phan Thiết thật lắm truân chuyên. Nhưng gặp được người thương, “mắm phẩm” không chỉ được phục hồi, mà còn bội phần hơn xưa. Đó là câu chuyện của ông Lê Trần Phú Đức, giám đốc công ty Nước mắm Phan Thiết.
Từ tài chính đến mê sản xuất nước mắm, tiến trình đó diễn ra nơi ông như thế nào?
– Tôi tốt nghiệp trường Tài chánh kế toán TPHCM năm 1990. Đến 1994, chính thức vào làm công ty Nước mắm Phan Thiết, năm 1995 giữ chức kế toán trưởng từ năm 24 – 36 tuổi. 12 năm đó tôi chỉ mê con số và kinh doanh. Có máu kinh doanh, nên tôi còn xuống tìm hiểu cách vận hành của từng bộ phận. Khi tìm hiểu các nguyên lý kỹ thuật muối mắm để cho ra thành phẩm, tôi cũng thích theo anh em đi thử mắm để nếm được cái vị mắm nhỉ với những giọt đầu tiên thơm, dịu và nồng nàn mà chỉ người làm nghề mắm mới có được.
Năm 2001, công ty cổ phần hoá, anh giám đốc vật vã với công ty đến 2004 thì xin về lại sở làm công chức. Lúc đó tôi thay anh ấy. Nước mắm Phan Thiết hiệu Con Cá Vàng có từ thời bao cấp không còn mấy ai nhớ.
Xót đồng tiền bỏ ra, tôi xác định ngay từ đầu: phải xây dựng thương hiệu. Và, tôi đề nghị đầu tư hết sức vào mảng kỹ thuật muối mắm, tìm tiếng nói chung của mắm Phan thiết ngày xưa với thói quen tiêu dùng của khách hàng hiện tại. Năm 2004, vừa nghiên cứu lại nước mắm truyền thống và mẻ rút đầu tiên, chúng tôi tham gia hội chợ ở Sài Gòn và Đồng Nai, mỗi hội chợ bán được 60 triệu.
Bán nước mắm tại Phan Thiết thì lại không cạnh tranh nổi với các hãng tư nhân, vì người ta có hợp đồng với các hãng du lịch đưa khách đến để hưởng phần trăm, công ty cổ phần nhà nước thì không được làm như vậy. Đến năm 2005, tôi mới nghĩ ra cách đưa mắm vào ký gửi các chợ, chưa thu tiền ngay. Phần lớn khách du lịch cũng ra chợ để mua, đến cuối năm 2005 đã có phản hồi từ người bán ở chợ và người tiêu dùng bắt đầu biết đến nước mắm Con Cá Vàng.
Cuối 2005, tôi không cho nợ mà mua đứt bán đoạn. Vì cho nợ, mặt hàng của mình sẽ không quan trọng trong giỏ hàng của người ta, vì người ta có thể không cần bán mà vẫn trả lại được. Vì thế mười điểm bán hàng, tôi chỉ cần thuyết phục một điểm lấy trả tiền liền cũng là thành công. Và đúng là chín điểm khác họ không chịu, nói: “bán mắm chứ có phải bán vàng đâu mà đòi lấy tiền liền”. Đến sáu tháng sau thì các điểm mua đứt bán đoạn đã bán được hàng và các điểm khác bắt đầu lấy mắm, vì người tiêu dùng ăn quen hiệu Con Cá Vàng nên hỏi mua. Cần hàng bán nên họ phải lấy.
Mà thành công này cũng nhờ bài học “Touch by touch”: cọ xát, truyền miệng, cho, biếu những người có uy tín, một lời họ nói mười người tin…
– Có khiếu kinh doanh, lại mê con số, giờ thì mê mắm nữa lại càng dễ thành công, vừa xây dựng lại công ty, vừa tạo ra một thương hiệu có uy tín, hành trình này có ai ủng hộ ông hay ông độc hành với đam mê của mình?
– Lúc làm giám đốc, công ty đang kinh doanh lỗ. Tôi về rủ mấy chị ruột đầu tư nhưng mấy chị ấy chỉ cho mượn ít tiền chứ không mua lại cổ phần. Sau này tôi hỏi sao ngày đó không mua, chị nói: “Ngày xưa tao đâu có tin mày, ở nhà mày là con trai một, má cưng mày quá mà, ai nghĩ mày làm ăn gì được”. Cha mẹ thì chấp nhận và vợ thì đồng ý đưa tiền cho tôi để kinh doanh, dù cũng phập phồng lắm. Nhưng người ủng hộ cao nhất là UBND tỉnh, các anh nói: cậu cố gắng xây dựng một thương hiệu Nước mắm Phan Thiết cho đàng hoàng, vì là thương hiệu của tỉnh mình đó. Đến bây giờ tôi làm giám đốc 12 năm, tính ra cũng đúng một con giáp, nay tôi đã 49 tuổi.
Có lẽ người ủng hộ tôi làm chỉ có vợ, mà ủng hộ trong sự lo lắng, vì tôi không phải dân làm nước mắm, nhưng ông cố của tôi là ngày xưa là địa chủ Bát Xì (Bát – Thất – Cửu chức sắc ngày xưa của Pháp), nổi danh là một trong những người đầu tiên làm Nước mắm Phan Thiết từ trăm năm trước. Có lẽ vì vậy mà “bắt” mùi mắm cũng nhanh. Kinh doanh là đam mê, nhưng nghề mắm lại cho tôi bài học khác, đó là bài học về giá trị sống của quê hương. Nếu không có biển, không có tổ tiên làm mắm thì không có Con Cá Vàng, không có tôi và cũng chẳng có gì cả.
– Sắp tới, mục tiêu của Con Cá Vàng sẽ tiếp tục hướng đến những giá trị vô hình để củng cố và gia tăng giá trị hữu hình như thế nào?
– Hiện tại, tôi cũng đại diện cho hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, là thành viên của tổ chức xây dựng tiêu chuẩn nước mắm Việt Nam mới. Để bảo vệ nước mắm truyền thống, thì phải xây dựng những tiêu chuẩn tốt hơn ngày xưa mà vẫn giữ vững được chất truyền thống. Nước mắm truyền thống là không được dùng hoá chất bảo quản, chất tạo mùi nhân tạo, chất làm dày (cho mắm quẹo lại)… nếu ai tuân thủ định nghĩa đó đều là nước mắm truyền thống.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của nước mắm Việt Nam chính là việc không xả thải làm hư hại môi trường vì con cá ướp mắm gần như là một quy trình khép kín, xác mắm dùng làm phân bón hay thức ăn gia súc rất tốt. Mặt khác, tôi vẫn tự hỏi tại sao cũng là nước chấm mà nước tương của Nhật xuất khẩu mỗi năm hơn 20 tỉ đôla, trong khi nước mắm truyền thống Việt Nam lại không thể xuất khẩu như vậy. Cần có một viện nghiên cứu nước mắm.
– Làm mắm phải có cá và muối, vậy theo anh phải chăng người làm mắm, kinh doanh mắm, ăn mắm cũng phải nghĩ đến việc giữ biển?
– Ở ngành nghề khai thác, nếu ngành nào phá hoại môi trường như đánh bằng lưới cào sát đất, tận diệt con nhỏ khiến cá không lớn được thì phải cấm tuyệt đối.
Còn đối với môi trường biển, khi làm một dự án gì liên quan đến biển, làm điều gì trên mảnh đất của họ, quan trọng nhất là các nhà quản lý vĩ mô phải trưng cầu ý kiến của dân vùng biển.
Ngân Hà thực hiện Hoàng Tường hoạ chân dung
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này