
08:41 - 15/02/2017
Nữ tướng nhà họ Lý và chiếc cân hoà thuận
Xài Cân Nhơn Hoà hoài không hỏng, vậy làm sao để phát triển thị trường? Vậy mà hàng của Nhơn Hoà vẫn cứ “hot”, đầu năm không đủ hàng bán.

“Với tôi tất cả còn trong giai đoạn thử thách, còn phải học nữa, học mãi, lúc nào cũng phải học thôi.” – nữ tướng nhà họ Lý Tracy Trang chia sẻ.
Khoảng cuối năm 2016, nhà họ Lý của Cân Nhơn Hòa có một cuộc chuyển giao quyền lực êm ái: ông Lý Siêng, người sáng lập nên Cân Nhơn Hòa, thoái ẩn, truyền lại chức Tổng giám đốc cho cô con gái của mình là Lý Tracy Trang.
Vậy người nắm giữ cơ nghiệp này như thế nào?
Lý Tracy Trang, con gái ông Lý Siêng, được cha cho đi học tại Boston, Mỹ từ năm 1995, cùng em trai. Lạnh và nhớ nhà, viết thư về phải mấy tuần sau mới nhận được hồi âm. Thấm thoắt, 13 năm du học tại Mỹ, cô lấy chồng, sinh con và làm việc ở đó. Trang đi học là để về giúp gia đình lớn, nhưng lập gia đình và sinh sống ổn định tại Mỹ có vẻ như tốt hơn cho gia đình nhỏ, nhất là cho con cái. Nhưng rồi, Trang lại quyết định về Việt Nam phụ giúp cha mình phát triển Nhơn Hòa lên một tầm cao mới, và điều đáng ngạc nhiên là người chồng đồng ý và ủng hộ. Vậy là Nhơn Hòa có thêm một Giám đốc Marketing mới: Chồng cô, Terrance Vũ. Không những thế, vị hôn phu của tân Tổng giám đốc hiện tại lại tỏ ra hết sức năng động, không quản ngại khó khăn: Chính ông là người chịu khó đi tiếp thị các sản phẩm Nhơn Hòa khắp các phiên chợ Hàng Việt về Nông thôn do BSA tổ chức. Vậy là thành quen.
Trước khi chính thức trở thành Tổng giám đốc, 8 năm trước, vào năm 2008, Tracy Trang trở về Việt Nam và bắt đầu với công việc của một… nhân viên văn phòng, rồi trở thành phó Giám đốc Kế hoạch – Vật tư, sau đó trở thành Phó Tổng giám đốc Nhơn Hòa. Trang kể lắm lúc do máu lửa và tham quá cứ muốn “đầu tư máy móc thiết bị cho nhà máy này, nhà máy kia”. Ông Lý Siêng la: “ Con cứ đem cái bên Mỹ về sao làm được”. Nhưng rồi thì công nhân ngày một đông, năng suất cũng tăng, máy móc phải thay đổi, vậy là “các sếp” cũng chấp nhận đầu tư thêm… Ở các nhà máy xuất hiện thêm nhiều cải tiến. “Chính nhờ thay đổi tầm nhìn và tạo động lực để thúc đẩy sự sáng tạo, điển hình như một chi tiết phải qua 4 cái máy, nhưng họ chế tạo ra cái máy mới tự động hoàn toàn chạy ra 6 ngàn sản phẩm tăng gấp 4 lần so với trước đây”.
Khó khăn nhất của Trang là phải thích ứng với môi trường văn hóa Việt Nam của một công ty gia đình. Vậy là phải đi học lại, không chỉ kiến thức chuyên nghành mà còn quản trị, lãnh đạo đắc nhân tâm. Mê học, nên sau khi đã là tiến sĩ Kinh tế với đề tài nghiên cứu: Quản trị nhân tài cho cân Nhơn Hòa, Tracy Trang đang tiếp tục học chương trình sau tiến sĩ của đại học Oxford, Anh. “Với tôi tất cả còn trong giai đoạn thử thách, còn phải học nữa, học mãi, lúc nào cũng phải học thôi”.
Đưa kiến thức học vào cuộc sống, vậy là, Cân Nhơn Hòa ngày càng phát triển và vẫn trở thành sản phẩm hot. Chú tâm vào chất lượng, Cân Nhơn Hòa vừa chính xác, vừa bền, xài hoài không hư. Vậy mà vẫn “hot” mới đáng nói.
Nhà họ Lý lúc Tracy lớn lên chưa giàu, nếu không nói là còn khó khăn. Ngôi nhà nhỏ mà đông người ở. Người cha, ông Lý Siêng, cần mẫn làm việc. Người mẹ thì đan len. Rồi xưởng cơ khí ra đời. Cô nhớ lại, ngày đó cùng phụ giúp cha mình ngồi trên mái tôn giúp ông “sơn mặt số cân hay vặn vít cho từng chiếc cân. Vì sao lại là Nhơn Hòa? “Tôi nhìn thấy người ta cãi nhau vì cân thiếu, cân non và tôi đã quyết định cái cân do mình làm ra là Nhơn Hoà với mong muốn cái cân mang lại sự công bằng, làm lòng người hoà thuận”, ông Lý Siêng, ở tuổi 67, tâm sự về chuyện thương hiệu cân của mình từ ngày đầu lập nghiệp.
Giờ, Lý gia đã thành danh, cả gia đình vẫn luôn chịu khó và không ngừng làm việc. Chuyển giao cơ nghiệp cho con gái, ông Lý Siêng vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, người con trai là ông Lý Minh Khoa làm phó Chủ tịch và Trang nhận trách nhiệm Tổng giám đốc. “Ngày nào ba cũng vào công ty” và hai chị em thường thỉnh giáo hai cao nhân là Ba và Bác Bùi Đình Thắng về chiến lược phát triển của công ty.
Nay thì màu xanh của Cân Nhơn Hòa đã phủ khắp nơi, chợ, cửa hàng, bệnh viện, phòng khám… từ bắc chí nam, và một nhà máy ở Trung Quốc cũng đã được xây dựng. Cân Nhơn Hòa cũng đã được xuất khẩu đi rất nhiều thị trường.
Đằng sau chiếc cân và kéo
Nhơn Hòa đi qua lịch sử kinh thương của Việt Nam với nhiều thăng trầm. Có lúc, một Công ty Đài Loan ngỏ ý mua, với giá nửa triệu USD cho xưởng cơ khí Nhơn Hòa, và trả riêng cho ông chủ Lý Siêng 500.000 nữa. Nhưng ông Lý Siêng không bán, và chẳng những thế, Nhơn Hòa còn phát triển, và mua lại Công ty Đài Loan đó.
Vào năm 1983, Tổ sản xuất Nhơn Hòa được thành lập, với 36 công nhân và năm đó làm ra được 2.406 sản phẩm. Hai năm sau trở thành Hợp tác xã cơ khí và đến 1998 là Công ty. Biểu đồ phát triển cho thấy một đường đi lên. Đến năm 2016, Nhơn Hòa đã có gần 2.000 công nhân và sản xuất ra gần 3 triệu sản phẩm. Trong nước, màu xanh cần Nhơn Hòa phủ khắp nơi, thị phần chiếm gần trọn, với độ chừng 95%. Ngoài nước, Nhơn Hòa cũng đã đi đến khắp nơi, hơn 40 quốc gia. Người ta thậm chí còn nhìn thấy một chiếc cân Nhơn Hòa ngay trước hầm trú ẩn của Osama Bin Laden. Đều đặn mỗi ngày hơn 8.000 sản phẩm ra hàng, chủ yếu tiêu thụ trong nước với tỉ lệ 85%, vòng quay rất ngắn, chỉ độ dăm ngày, doanh thu tăng trưởng từ 7 – 10% trong những năm gần đây. Những ngày đầu năm mới, Nhơn Hòa đang thiếu hàng, phải đẩy mạnh sản xuất. Sự phát triển của Nhơn Hòa khiến nhiều quỹ tài chính thòm thèm, nhưng ông Lý Siêng nhất quyết không bán, cùng lắm thì vay ngân hàng để đầu tư. Các khoản đầu tư cũng đang được tăng cường để đạt đến 3 triệu sản phẩm/năm và kỳ vọng trong 5 năm tới con số này sẽ là 5 triệu sản phẩm. “Nhiều người nói với tôi nhà nào cũng có Cân Nhơn Hòa, xài hoài không hư sao vẫn chạy hàng như thế? Tôi cũng ngạc nhiên, nhưng nghĩ mình có muốn phát triển mạnh sang thị trường ASEAN cũng phải chú trọng người tiêu dùng Việt trước. Chiến lược song song giữa nội địa và xuất khẩu mới tạo sức bật mới cho thương hiệu. Trong vài năm nữa Nhơn Hòa sẽ mở rộng nhà máy”.
Có hai điểm đáng chú ý, một là xây dựng nhà máy Cân Nhơn hòa ở Trung Quốc, và hai là mua lại Kéo Nguyễn Đình. Xây nhà máy ở Trung Quốc là một bước đi mạo hiểm bởi hàng giả Nhơn Hòa tràn ngập. Nhiều cửa hàng giả mọc lên bên cạnh cửa hàng thật của Nhơn Hòa, nhưng cuối cùng thì hàng thật đã thắng vì chất lượng”.
Trong khi đó, mua lại kéo Nguyễn Đình, theo Tracy Trang, là “câu chuyện ân tình”. “ Bác Tuấn (Nguyễn Mạnh Tuấn, chủ thương hiệu kéo Nguyễn Đình, cũng nhiều năm nay làm ở quận Bình Thạnh. Bác ấy và cha tôi như anh em. Khi gia đình bác gặp khó khăn, lại không có người nối nghiệp, ba nghĩ phải hỗ trợ cho thương hiệu không bị mai một đi. Mua lại toàn bộ thương hiệu, công nghệ máy móc, trong đó có nhiều chiếc máy rất cổ, cha tôi tiếp tục cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, vẫn ghi trên sản phẩm là “Nhơn Hòa – Nguyễn Đình”. Không chỉ vậy, Nhơn Hòa còn mua thêm một thương hiệu kéo khác là kéo Trần Võ. “Mình cần đáp ứng cho người tiêu dùng sản phẩm kéo Việt Nam nếu không kéo Trung Quốc sẽ đổ xô vào. Chất lượng kéo Nhơn Hòa – Nguyễn Đình tốt hơn kéoTrung Quốc rất nhiều.”
Tiếp quản một cơ nghiệp như thế, Tracy Trang vừa phải tiếp nối giá trị cũ, vừa áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại, vừa giữ được thông điệp Nhơn Hòa – Nhân Hòa, lãnh đạo bằng phương pháp đắc nhân tâm chứ không phải chỉ huy. “Nhơn Hòa có 4 thế hệ nằm trong một công ty. Người con phải vừa nắm bắt cái mới, cái cũ, nếu chỉ áp dụng hoàn toàn cái mới thì bộ máy sẽ không đáp ứng được. Truyền thống của Nhơn Hòa là nhân sự luôn gắn kết, hỗ trợ nhau vì mục tiêu chung chất lượng là hàng đầu. Mình cần phải tạo động lực, truyền lửa để họ có niềm đam mê trong sáng tạo. Muốn thay đổi phải từ từ, từng bước, không áp đặt. Người lãnh đạo phải tạo dựng niềm tin, nhìn thấy tố chất của từng người. Ai cũng có cái tôi, nếu mình hạ thấp cái tôi của người khác để đưa mình lên thì không nên. Mình vẫn luôn tôn trọng các vị tiền bối trong công ty. Làm lãnh đạo khó nhất là biết lắng nghe. Lãnh đạo mà chỉ biết phán quyết là thất bại”.
Trong vai trò “Người truyền lửa”, Trang cho rằng phải có sức khỏe, luôn cập nhất kiến thức trong và ngoài nước để có thể hội nhập được với thị trường nước ngoài khi cần. Hiểu sâu và chi tiết hơn nữa tất cả các sản phẩm của công ty, lắng nghe để học hỏi, hỗ trợ mọi người cùng hứng thú, đam mê, sáng tạo ra cái mới. Đem những kiến thức mới chia sẽ với đội ngũ quản lý của mình.
Hạnh phúc nhất với Tracy Trang là được sống quây quần cùng Ba Mẹ trong một ngôi nhà. “Như ngày nào, Ba vẫn nấu ăn sáng cho các con cháu mỗi ngày, Ba nấu món nào cũng ngon, ngon nhất là món lẩu nấm, gà hầm sâm, những gia vị ướp nướng của Ba là… tuyệt vời. Mỗi khi thắp nhang cho Bà Nội, tôi luôn thầm hứa với Bà là luôn bên Ba Mẹ, làm hết sức để giữ vững công ty, phát triển công ty tốt hơn. Ba là người hùng trong gia đình tôi, Ba đã thay đổi hết cuộc sống gia đình từ nghèo khó đến hôm nay. Mấy anh chị em hứa với nhau sẽ cố gắng làm tốt vì Ba, vì Công ty. Hơn 30 năm theo đuổi nghề làm cân, đặt tên Nhơn Hòa, Ba mong ước để mỗi người cùng hòa thuận với nhau. Với tôi, chữ tâm, chữ nhẫn, chữ tín là quan trọng nhất.”
Kim Yến
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này