09:48 - 29/11/2017
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, làm thiệt hay chém gió?
Bức tranh chung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện vẫn gập ghềnh.
Trao đổi với chuyên gia Nguyễn Ngọc Nhã Nam, đang đảm trách hệ thống ứng dụng công nghệ cho tập đoàn mía đường Lam Sơn, mới hiểu ra còn quá nhiều điều cần làm, nhiều nút thắt cần được tháo gỡ…
Hiện tại, gần như rất hiếm doanh nghiệp, công ty trong nước có đủ năng lực đáp ứng cho các giải pháp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Để ứng dụng, các doanh nghiệp nông nghiệp gần như phụ thuộc vào các giải pháp của nước ngoài. Tuy nhiên, chi phí triển khai và áp dụng rất cao.
Trong trồng trọt, để áp dụng hệ thống đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của nông nghiệp như GlobalGAP, trung bình phải chi ít nhất là 10 tỷ đồng/ha cho hệ thống nhà kính, hệ thống phụ trợ và hệ thống tưới.
Tương tự với thuỷ sản, muốn có một hệ thống đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất, doanh nghiệp phải chi khoảng 10 – 20 tỷ đồng/ha.
Mặt khác, ngay cả trong trường hợp đã thiết kế và bắt đầu ứng dụng các hệ thống công nghệ trong sản xuất, chi phí vận hành lâu dài là một vấn đề lớn mà doanh nghiệp phải tính toán khi chấp nhận đầu tư những giải pháp công nghệ mới. Vì khi áp dụng các công nghệ này, doanh nghiệp nông nghiệp lại phụ thuộc hoàn toàn vào tất cả nguyên liệu đầu vào như: các bộ phận, vật liệu thay thế, đầu vào cho hệ thống đều phải… nhập hoàn toàn từ nước ngoài. Từ đó dẫn đến chi phí cao sẽ làm giá thành nông sản đầu ra cao, tất yếu sự cạnh tranh trên thị trường sẽ rất khó khăn.
Thực tế hiện nay của thị trường, giá cả nông sản chất lượng cao không quá cách biệt so với những sản phẩm có chất lượng trung bình. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp “giảm nhiệt” trước quyết định đầu tư công nghệ cao.
Điều khó khăn tiếp theo là nhân sự vận hành các hệ thống này. Muốn tham gia cuộc chơi đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp, đòi hỏi lực lượng nhân sự phải có trình độ nhất định và được sự chuyển giao từ các nhà cung cấp giải pháp và thiết bị.
Về vấn đề chuyển giao công nghệ, vì các hệ thống và giải pháp của nước ngoài đang bán tại Việt Nam, đa phần thông qua các đại lý. Là doanh nghiệp kinh doanh, dù là kinh doanh “công nghệ cao”, giá trị lớn nhất là thu được lợi nhuận, chưa kể phải là lợi nhuận cao. Vì vậy, khi vấn đề kỹ thuật phát sinh, những doanh nghiệp đại lý (đại diện) chỉ có thể xử lý các vấn đề rất nhỏ. Còn những vấn đề lớn phát sinh phải nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia từ các công ty cung cấp công nghệ bay qua Việt Nam để xử lý. Hệ thống cảm biến trong hệ thống trồng trọt của một doanh nghiệp bị trục trặc, lẽ ra, chi phí chỉ mất 500 USD, nhưng khi mời chuyên gia bay đến từ nước ngoài, tổng chi phí lên tới… 5.000 USD.
Vấn đề nhân sự của doanh nghiệp nông nghiệp, đang là rào cản của các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Muốn vận hành các hệ thống công nghệ cao, đòi hỏi doanh nghiệp ít nhất phải có hai đội nhân sự. Đó là đội kỹ sư cơ khí tự động hoá và công nghệ thông tin để nắm chắc các chương trình vận hành, thiết kế của hệ thống để xử lý và kiêm luôn việc bảo trì các bộ phận cốt yếu khi có sự cố kỹ thuật. Đội thứ hai là đội kỹ sư sinh học với những đảm trách và phối hợp với đội kỹ sư sư cơ khí để theo dõi, giám sát các quy trình trồng và nuôi sao cho phù hợp với điều kiện khí tượng, môi trường, giống…
Một vấn đề mà doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao phải giải cho được trước khi quyết định đầu tư, đó là có thị trường hay không. Vì nếu có thị trường tốt và ổn định, việc đầu tư công nghệ với chi phí cao mới có hiệu quả.
Bài toán kế tiếp của một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là nhân rộng vùng nguyên liệu, tức là nhân rộng việc sử dụng công nghệ cao tại các hộ nông dân hay hợp tác xã liên kết với vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bài toán chi phí là rào cản lớn nhất cho mối hợp tác này.
Ở Việt Nam, ở những cấp độ khác nhau, việc ứng dụng công nghiệp 4.0 không phải là chuyện “chém gió” xa vời. Nông dân Nam bộ hiện được bổ sung lực lượng trẻ từ đại học cũng siêng “săn” thiết bị và công nghệ mới. Họ tìm cách phối trộn các nguồn với nhau khá ngọt: thầy trò đại học Cần Thơ biết mua nhà lưới nguyên liệu từ Đài Loan, mua hệ thống ống tưới của Thái Lan về ráp cho vườn rau… Tính chung, giá mềm mà hệ thống chạy “đạt chuẩn”.
Điều trăn trở hiện nay là làm sao giúp nông dân tìm và chỉ ra cho họ các loại công nghệ và các phương án sử dụng. Cần có những tiệm “buffet công nghệ” cho nông nghiệp, mời họ tới và hướng dẫn họ chọn lựa.
Đó là vai trò của ai? Các nhà công nghệ? Không hẳn. Rất cần những nhà lãnh đạo có tâm, các sở, ngành làm việc tử tế, các hội doanh nghiệp và các cơ quan xúc tiến chịu học và làm việc có lương tâm.
Chuyện gắn kết cung cầu lúc này cần lắm. Làm mai mà không biết hai đàng, mà toàn xài keo giả với keo dỏm, nông dân cũng chết mà nhà sáng tạo cũng khó sống được.
Kim Hạnh ghi
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này