
09:05 - 24/05/2019
Nông dân nuôi tôm thành cổ đông, chia lợi nhuận cùng doanh nghiệp
Từ yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp đã tập hợp nông dân, đưa họ thành cổ đông công ty, cùng góp đất, kiến thức, chia sẻ trách nhiệm, lợi nhuận nuôi tôm hữu cơ xuất khẩu.
60% lợi nhuận đầu tư lại cho môi trường, xã hội
Ông Huỳnh Tấn Đạt, đại diện doanh nghiệp xã hội (DNXH) Minh Phú Organic Shrimp, nói về tương lai ngôi làng hữu cơ với những nông dân góp vốn mua cổ phẩn (10.000 đồng/cổ phần). Rõ ràng đó chỉ là sự tượng trưng, nhưng nhiều người tin rằng vùng nguyên liệu tôm hữu cơ có chứng nhận quốc tế sẽ không dừng lại ở mức 7.000ha như hiện nay.
Niềm tin đó có cơ sở, theo TS Nguyễn Văn Kiền, người sáng lập nhóm Mekong Organics, trực tiếp tới vùng nuôi này nói rằng, cách thiết kế của Minh Phú rất gần với khái niệm “Permaculture”, được GS Bill Mollison đưa ra năm 1978.
Ngay từ đầu, Mollison nhấn mạnh yếu tố quản lý tài nguyên đất, nước, hệ thống nông nghiệp và môi trường sống tự duy trì và tự tái tạo, những hệ thống và kiến trúc được mô hình hoá từ hệ sinh thái tự nhiên. Permaculture là một triết lý làm việc, không phải để chống lại tự nhiên.
Năm 2017, bắt đầu từ năm cổ đông sáng lập và 84 cổ đông của DNXH chuỗi tôm rừng Minh Phú, là dân nuôi tôm rừng, trở thành câu chuyện chưa từng có tại khu rừng phòng hộ Nhưng Miên, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Những người được quyền mua 48.640 cổ phần, đã trải qua “cuộc chạy tiếp sức” để đạt chứng nhận hữu cơ.
Vào thời điểm ấy, những nông hộ có quy mô từ 3 – 10ha, nuôi tôm quảng canh, năng suất khoảng 150 – 280kg/ha/năm, không đạt tiêu chuẩn, không có chứng nhận nào hết, không thể truy xuất nguồn gốc, đã thấm thía lận đận, khốn khó trước tệ nạn ngâm nước, bơm chích tạp chất, agar, mất an toàn thực phẩm, chi phí thu gom cao, sinh kế không có gì chắc chắn.
Họ có sáu tháng chuyển đổi, một tháng rưỡi tới hai tháng, thanh tra bên ngoài tới đánh giá chứng nhận. Nói gọn, nhưng trước đó là thời gian khá dài tập huấn để hiểu cách làm việc theo hệ thống, thực hành đúng hướng dẫn kỹ thuật từ chọn con giống sạch bệnh, tập thói quen tuân thủ quy trình, có thanh tra nội bộ, phê duyệt nội bộ và tự tin khi thanh tra bên ngoài được mời tới đánh giá.
Nhiều cổ đông nói miễn đầu ra ngon lành, Minh Phú tiêu thụ hết. Đâu có lý do gì mình không làm theo? “Cổ đông được chia lợi nhuận từ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. 60% lợi nhuận hàng năm đầu tư lại cho hoạt động xã hội và môi trường vì lợi ích cộng đồng, thay vì 51% như quy định”, ông Đạt kể, rồi cho biết thêm: doanh nghiệp đã hỗ trợ 100% phí tư vấn, hướng dẫn làm chứng nhận và phí chứng nhận.
Diện tích nuôi tôm rừng của 84 cổ đông đã được chứng nhận là 486,4ha. DNXH đã chi trả dịch vụ môi trường rừng theo định mức 500.000 đồng/ha rừng/năm, tổng số tiền đã chi trong 2016 – 2017 là 2,3 tỷ đồng. Giá tôm hữu cơ trong mô hình lúa – tôm tăng hơn 10.000 đồng/kg, tôm sinh thái 3.000 – 5.000 đồng/kg so giá thị trường, không phải qua trung gian – xem như cách để khuyến khích nông hộ làm theo tiêu chuẩn.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn Minh Phú trên 751 triệu USD. Với bốn nhà máy chế biến, có cở sở sản xuất giống sạch bệnh, có chuỗi phân phối ở nước ngoài… tôm hữu cơ có chứng nhận là điểm mạnh của tập đoàn này, có thể truy xuất nguồn gốc điện tử.Thực ra, dư địa vẫn còn trên 16.000ha trong tổng diện tích rừng 21.000ha với 3.000 hộ dân.Mục tiêu của DNXH Minh Phú quy mô vùng nuôi tôm hữu cơ sẽ nâng lên 7.000ha, 1.600 hộ tham gia trong năm nay.
Trang bị tám loại “visa” cho con tôm
DNXH Minh Phú áp dụng tám loại tiêu chuẩn: Organic EU, Selva, Mangrove, Naturland, Bio Suisse, SEASAIP, BAP, ASC, chưa kể lúa – tôm và dự án khác là một cách làm khác biệt.
Ông Lâm Thái Xuyên, người bảo vệ đề tài “Đánh giá thực trạng ứng dụng các tiêu chuẩn nuôi tôm sú (Penaeus monodom) bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nay là CEO DNXH chuỗi tôm rừng Minh Phú, nhớ lại: năm 2013, từ nhu cầu khách hàng, tập đoàn Minh Phú (công ty mẹ) thực hiện dự án tôm hữu cơ tại ban quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên.Tháng 11.2014, tổ chức Naturland cấp chứng nhận 2.893ha (741 hộ). Năm 2015, thực hiện dự án khu rừng phòng hộ Kiến Vàng, Selva Shrimp chứng nhận diện tích 2.600ha và 387 hộ. Năm 2017, cả hai khu được chứng nhận của Bio Suisse và Selva Shrimp, tổng diện tích 4.679ha, với 915 hộ, có thể nói đó là vùng nuôi tôm hữu cơ lớn nhất Việt Nam.
DNXH Minh Phú tinh tế khi bám sát yêu cầu mỗi loại chứng nhận khác nhau (Organic EU, Bio Suisse, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, SEASAIP, ASC, BAP và Naturland). Các hệ thống siêu thị và nhà phân phối lớn ở Mỹ yêu cầu nhà xuất khẩu tôm phải có chứng nhận BAP (Best Aquaculture Practices – Thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt nhất) theo cấp độ “4 sao” gồm: con giống, thức ăn, quy trình nuôi tôm và quy trình chế biến và phải có thêm chứng chỉ ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thuỷ sản). Thấy khó, nhưng lại dễ, vì Minh Phú đã từng được các nhà phân phối lớn ở EU yêu cầu như vậy.
Mỗi thị trường có những yêu cầu chứng nhận khác nhau, nhưng có chuẩn mực tương đồng. Để giảm chi phí và tăng doanh số nhóm sản phẩm được chứng nhận, DNXH Minh Phú xây dựng lực lượng chuyên trách về tiêu chuẩn gồm 14 người, giám sát nội bộ chặt chẽ nền tảng tương đồng giữa các tiêu chuẩn và thực hiện đa chứng nhận theo yêu cầu nhiều thị trường khác nhau.
Thay vì phải thuê tư vấn, chi phí thường ngang bằng chi phí đánh giá chứng nhận khoảng 15.000 USD/dự án khoảng 2.500ha và 500 hộ dân, DNXH Minh Phú đã tự đảm nhận công việc và tự tin mời chuyên gia chứng nhận đến đánh giá. Sự tự tin đã tạo thuận lợi cho việc đánh giá chứng nhận tích hợp – một lần được nhiều chứng nhận.Cách làm này được xem là nền tảng cho việc nâng vùng được chứng nhận quốc tế lên 10.000ha tôm rừng vào năm 2020.
Người dân nuôi tôm tham gia trong DNXH với tư cách cổ đông được chia lợi nhuận từ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Giá bán sản phẩm ổn định, “bán tận gốc” không thông qua thương lái. Giá trị thu được từ tôm nuôi cao hơn so với giá tôm thường không được chứng nhận… Mô hình DNXH do tập đoàn thuỷ sản Minh Phú khởi xướng, đang có sức lan toả ở ĐBSCL khi nhiều tỉnh có diện tích nuôi tôm học tập, làm theo. Đây được coi là cách liên kết nông hộ nhỏ lẻ thành một tập thể, sản xuất hàng hoá lớn. Thay vì để người nuôi tôm tự phát triển nhỏ lẻ, khi thành lập DNXH, sẽ tập hợp người dân lại, diện tích nuôi của mỗi hộ dân sẽ trở thành một ao nuôi tôm của doanh nghiệp.
Hoàng Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này