16:37 - 02/06/2018
Những nhà vô địch của năm 2050
Từ năm 1969, người thầy của tôi ở Pháp đã nói với những sinh viên trong lớp: Những người hùng của tương lai đã sanh ra rồi. Nếu trong đám trẻ không có sẵn những người có bản lĩnh, thì phải đợi thêm 50 năm nữa.
Tất nhiên, thầy của tôi không nói thêm cách giáo dục nào để cho ra mẫu người nào. Vì thế, tự tôi đã đặt câu hỏi ngay: Vậy mẫu người nào cho con người tương lai?
Tôi đã đi nhiều, gặp những con người giản dị, làm nông nhưng có văn hoá rất cao, họ nhẹ nhàng, duyên dáng, hiếu khách… bởi vì họ đã có được một nền giáo dục truyền thống bấy lâu của gia đình.
Nhưng cũng mới đây thôi, tôi đã từng thấy một cảnh tượng hãi hùng qua một tấm kính, bên trong một nhà hàng châu Á, có một đứa trẻ cao hơn tôi, bà mẹ ngồi kia cầm bát cháo, thằng bé lè lưỡi ra chạy tới chỗ mẹ nói… mẹ mẹ mẹ và bà mẹ đút cháo cho nó rồi nó lại chạy đi chơi, nó chắc khoảng đã 12 tuổi rồi.
Chuyện cu “Meiji” – 2,5 tuổi
Nếu chúng ta làm mất đi tính tự lập, tự học, tự giải quyết của một đứa trẻ, chúng ta đã đưa con mình đi vào đường đời rất xấu. Tôi có một đứa cháu ở Nhật Bản tên ở nhà gọi Meiji. Mới hai tuổi rưỡi thấy anh nó đi học, Meiji cũng muốn mua cặp và tự đi bộ theo anh đến trường, người cai trường không cho nó vào: “cháu không có quyền vào vì chưa đến tuổi đi học”. Nó lăn ra khóc và ôm cửa nhà trường đó suốt buổi sáng… Năm nó lên ba, có lần tôi đang trầm ngâm suy nghĩ, cu Meiji ra ngồi cạnh tôi và nó hích tôi một cái, nhưng tôi vẫn im lặng để xem cu cậu muốn gì, sau đó nó nói: “Ông ạ, ông đang có vấn đề gì, ông chia sẻ với con, cho nó nhẹ người”. Một đứa trẻ ba tuổi đã biết nghĩ như thế vậy, nếu mình lại biến nó thành một đứa trẻ 18 tuổi – thật sự là “quá hay”!
Thế giới có hàng trăm triệu Meiji, thì cũng có hàng trăm triệu cha mẹ Việt biến con từ đứa trẻ khôn ngoan thành không biết gì nữa. Mẹ “gương mẫu” nước Việt là không cho con làm cái gì hết. Nếu các bạn đã từng coi bộ phim “đừng bắt con cá phải leo cây”, chắc hẳn các bạn sẽ nhớ những câu thế này: “Tôi không tin vào hệ thống giáo dục, nhưng tôi tin vào con người”. “Hãy chạm vào những trái tim trong từng lớp học”. “Dù học sinh chỉ chiếm 20% dân số, nhưng chúng là 100% tương lai của chúng ta”.
Vậy thì phải học như thế nào?
Tôi cho rằng có bốn thứ hiểu biết: 1- Kiến thức; 2- Biết thực hiện; 3- Biết tại sao và 4- Biết hành xử.
Kiến thức có hết, nhưng chúng ta phải học thế nào để có thể thực hành và sau đó tự rút ra cho mình bài học kinh nghiệm có kiến thức và lý luận.Điều cơ bản không phải là nhìn “họ làm thế nào” mà chính chúng ta phải học để thực hiện điều đó. Câu hỏi tại sao giúp cho trí óc kích thích các hoạt động sáng tạo, và theo tôi chính óc sáng tạo mới là bản chất thật của mỗi cá nhân. Thế giới ngày hôm nay, nơi mà con người cá nhân biết rõ giá trị của mình là đóng góp cho những giá trị chung của xã hội, và phải biết nghệ thuật sống chứ không phải thành công là để vơ vét và tích trữ của cải.
Tôi luôn nói với sinh viên là luôn có nghề tay phải và nghề tay trái. Nghề tay phải là nghề kiến thức thực hành hàng ngày cần phải nhớ để làm và cũng thay đổi. Nghề tay trái lại thuộc về sự đam mê của mình đối với một việc nào đó mà mình muốn theo đuổi cho đến chết. Nếu cho tôi 24 tiếng làm bộ trưởng bộ Giáo dục, thì tôi sẽ khuyến khích mỗi người có thêm nghề trong taynhư sửa xe, thợ mộc, cắt tóc, sửa điện, v.v.
Theo tôi chỉ có hai môn học cần phải giỏi là toán và triết học, từ đó cho chúng ta cảm thức về tự do và sáng tạo: là khả năng tiến bộ, đổi mới và cải thiện. Con người mà không sáng tạo thì không thể ra con người được. Tôi vẫn cho rằng, đổi mới giáo dục chính là làm cho từng học sinh – con người tương lai ý thức về giáo dục: nếu chậm tiến về giáo dục thì chúng ta chậm tiến tuyệt đối. Và cũng không bước tiến nào nhanh bằng giáo dục nếu Việt Nam biết vừa đi con đường thẳng vào thế giới và cả đi tắt bằng các công nghệ hiện nay, giúp chúng ta rất nhiều như trí thông minh nhân tạo…
Tóm lại, giáo dục đúng đắn là giúp cho một con người – một công dân ý thức rõ ràng về vai trò của kiến thức và đồng thời có những hiểu biết nghệ thuật sống mà chủ thể của chúng ta chính là con em của mình – các học sinh của các giáo viên và cũng là những con người mới của tương lai – những nhà vô địch của năm 2050, nếu chúng ta có ý thức giáo dục thật sự những đứa trẻ sinh ra ngày hôm nay.
GS Phan Văn Trường (Thái Thảo ghi)
theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này