
10:11 - 06/10/2017
Những cuốn sách tạo giá trị
Hàng năm, tại Sài Gòn, vào tháng 10, giới mê sách, làm sách, đọc sách đều ngóng trông giải thưởng Sách hay.
Giới thiệu tác phẩm: Nước Đức thế kỷ XIX – Cuộc cách mạng giáo dục khoa học và công nghiệp của tác giả Nguyễn Xuân Xanh, ông Giản Tư Trung nói: “Cuốn sách cho ta thấy, nước Đức sau cuộc chiến rã rời trước Napoléon, đã đứng dậy mạnh mẽ, đã lấy việc cách mạng giáo dục và văn hoá làm nền tảng cho các cuộc cách mạng khác, và là nguồn tham khảo vô cùng quý giá cho việc cải cách giáo dục Việt Nam hiện nay (đến nay đã là lần cải cách thứ tư). Đến lượt châu Á, sau đó có Nhật Bản cũng có cuộc cách mạng tương tự. Đây là hai mô hình chúng ta cần tham khảo một cuộc cải cách toàn diện, trong đó có cải cách giáo dục”.
Nguyễn Xuân Xanh: Tôi chọn viết sách về nước Đức vào thế kỷ 19, vì đây là thời điểm của cuộc cách mạng công nghệ trên toàn thế giới. Và ở đây, nước Đức đã có những đóng góp đặc biệt.
Đằng sau những thành tựu khoa học, công nghệ, giáo dục, những lãnh vực nước Đức đã làm nên những kỳ tích, là cuộc lội ngược dòng đáng khâm phục về kinh tế, như một mô hình độc đáo của cuộc vươn lên ấn tượng. Đức, trong tình trạng lạc hậu của mình, đã có tham vọng lớn cùng một lúc thực hiện ba nhiệm vụ chiến lược liên kết nhau: cách mạng công nghiệp, cách mạng giáo dục và cách mạng khoa học. Để làm những điều đó, Phổ tiến hành cởi trói nông dân khỏi chế độ nông nô để họ trở thành những công dân tự chủ; cởi trói doanh nhân, công nhận quyền tư hữu, quyền tự do kinh doanh; thiết lập bộ máy hành chánh mới hợp lý để phục vụ công cuộc đổi mới; cải tổ giáo dục toàn dân, phát triển giáo dục đại học lên tầm cao, biến đại học thành những trung tâm nghiên cứu và học thuật hàng đầu thế giới; thống nhất hơn 350 tiểu vương quốc Đức; tiến hành công nghiệp hoá, xây dựng hệ thống đường sắt khắp nước như đầu tàu kinh tế, từng bước tự chế tạo máy, và công cụ, là những thứ thuộc về nền tảng của công nghiệp hoá; phát triển tiềm năng lớn nhất là “vốn trí tuệ” (capital of mind) như nhà kinh tế Friedrich List của Đức nói. Phải tiến lên công nghiệp hoá đất nước, đó là mệnh lệnh, bởi vì công nghiệp, industry, mới là sức bật của kinh tế, chứ không phải nông nghiệp hay thương mại. Tăng trưởng công nghệ là nguyên cớ chính của tăng trưởng kinh tế.
Giáo sư Phan Văn Trường, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, đã trao đổi về những tác phẩm của cố tiến sĩ Alan Phan, tác giả của bộ sách về quản trị đã đoạt giải trong lần này.
Cá nhân tôi cũng đã gặp tác giả Alan Phan vài lần, và lần nào cũng có chung đúng một ấn tượng: con người của ông trong sáng và có tình yêu đất nước thật là tha thiết. Ông hiểu về nền kinh tế, kinh doanh của đất nước này đến tận gốc rễ, vì thế mà ông đã viết về nó thật trong sáng, dễ hiểu.
…Những cuốn sách của Alan Phan, bạn nào đọc thật kỹ là sẽ tạo giá trị. Mỗi một lời nói của Alan Phan là tạo giá trị. Con người đó, rất tiếc đã không sống đủ lâu để chứng minh thêm nữa tư bản chủ nghĩa, với điều kiện áp dụng nó một cách nhân ái là điều dĩ nhiên.
Về dịch phẩm: Tương lai của quản trị (tác giả Gary Hamel, Bill Breen, dịch giả Hoàng Anh và Phương Lan), cuốn sách này cho thấy rõ bao gồm các vấn đề của quản trị mà không rối ren và đó là điều rất khó để làm. Trên tựa đề đã có chữ tương lai. Quản trị là nắm vững được tương lai – mà tương lai thì không ai biết. Quản trị là nắm vững để tránh được rủi ro – mà rủi ro cũng không ai biết trước. Tôi cho rằng trên thế giới này có rất ít sách quản trị nên đọc (của người nước ngoài viết), nhưng cuốn sách này là một trong những cuốn sách mà ban giám khảo chúng tôi khuyến nhủ các bạn nên đọc.
Ngoài ra, về mặt quản trị, chúng tôi cũng đã tham khảo khá nhiều sách về Đạo đức quản trị. Có thể chăng nên trao một giải đặc biệt cho Đạo đức trong quản trị, vì không có đạo đức thì không còn là quản trị đúng nghĩa nữa.
Chính nhờ đạo đức mà chúng ta mới lấy được bền vững. Chính khi nào bền vững, chúng ta mới trường tồn. Chẳng lẽ chúng ta tạo lập ra một công ty rồi khi ta chết đi, công ty cũng chết theo hay sao? Làm kinh doanh, chúng ta luôn mong công ty trường tồn để con cháu chúng ta nhiều đời sau có cơ sở phát triển. Mà muốn vậy, phát triển phải dựa trên căn bản đạo đức. Công ty lâu đời nhất thế giới là ở Nhật Bản nay đã trải qua 46 đời. Có nhiều công ty rất lớn ở châu Âu có từ 300, 400 năm nay mà vẫn phồn thịnh, vì họ có căn bản đạo đức. Có lẽ trong nền kinh doanh của chúng ta, chưa có những ví dụ hiển nhiên, đẹp đẽ như thế.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, chủ biên soạn cuốn sách đoạt giải Sách hay 2017, hạng mục sách kinh tế (thể loại viết): Một vành đai – Một con đường (OBOR): Chiến lược của Trung Quốc và hàm ý chính sách với Việt Nam.
Tôi đã nghiên cứu về Trung Quốc đến nay đã gần 20 năm, bắt đầu từ năm 1998. Trong 20 năm ấy, không chỉ cá nhân tôi mà tôi tin rằng các vị đang ngồi ở đây, khi chúng ta quan sát sẽ nhận ra rằng mảng sách nghiên cứu về Trung Quốc đang khuyết thiếu rất lớn.
…Và không có gì khiến chúng ta sợ hãi và nghi kỵ khi chúng ta có đầy đủ hiểu biết về một đất nước đang ở bên cạnh. Tôi cho rằng sự tồn tại miên man phức cảm này trong xã hội có một phần trách nhiệm của những nhà nghiên cứu về Trung Quốc, những trí thức.
…Năm 2013, tôi đọc một tài liệu về ông Tập Cận Bình đã đề xuất sáng kiến mà hiện nay Trung Quốc đã đổi tên là “Vành đai và con đường”, trong quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chiến lược này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam và khu vực trong vòng năm năm nữa, vì thế chúng tôi nghiên cứu và tiếp tục theo đuổi. Thời điểm từ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã công bố nhiều bài viết trên mạng xã hội và các tạp chí nghiên cứu. Tháng 5/2017 tôi đã tập trung một tháng rưỡi để viết tập sách này.
Tôi nghĩ bên cạnh trách nhiệm trả lời cho xã hội rằng: chúng ta nên đối diện với Trung Quốc bằng tâm thế như thế nào. Những người nghiên cứu như chúng tôi cũng có trách nhiệm như một kênh thông tin cùng với việc phối hợp chặt chẽ với bộ ngành để tham vấn cho Chính phủ về Trung Quốc, trả lời cho Chính phủ và cho xã hội biết về điều đó.
Ngân Hà lược thuật
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này