12:30 - 22/12/2016
Nguy cơ của các em khiếm thị bán hàng rong
Thỉnh thoảng bắt gặp vài nơi công cộng có lối đi riêng dành cho người khuyết tật tôi thấy mừng.
Nhưng cũng chạnh lòng khi nhìn thấy còn quá nhiều người trong số ấy nhọc nhằn mưu sinh bằng rất nhiều nghề mà những người bình thường còn khó có thể thực hiện được. Vậy mà, họ vẫn vươn lên vẫn cố thích nghi với hoàn cảnh.
Có dịp trò chuyện với vài bé khiếm thị, khiếm thính trạc con mình tôi thấy nể phục các bà mẹ, họ đã phải nỗ lực hơn những bà mẹ có con bình thường gấp trăm ngàn lần. Xót xa khi con số trẻ bị khiếm khuyết chức năng ở nước ta rất nhiều và đâu phải đứa trẻ nào cũng may mắn có gia dình và nhất là các bà mẹ có điều kiện cũng như năng lực để giúp con mình, để học cách hiểu và dạy con nhiều kiến thức cũng như những kỹ năng cuộc sống.
Tuần trước, khi nhìn thấy cô bé khiếm thị (và có lẽ em cũng không nói được, chỉ ra hiệu thôi) bán bút viết dọc hành lang của một bệnh viện. Tôi lặng lẽ quan sát, thấy những khách nữ thì mua vài cây bút ủng hộ em.
Đến lúc, em dừng lại ở dãy ghế có vài người trung niên ngồi đó thì thấy những người khách này nói nói, cười cười và săm soi những món đồ lâu hơn. Chẳng có chuyện gì xảy ra hôm đó nhưng tôi chợt giật mình khi thấy nguy cơ cũng có thể xảy ra với em nếu đến chỗ vắng vẻ, và trong trường hợp bị sàm sỡ làm sao em có thể nhờ người xung quanh hỗ trợ?
Hình ảnh này khiến tôi suy nghĩ và nhớ lại một số trường hợp một số người khiếm thị, khiếm thính, người câm mà tôi gặp trên xe buýt hay ở một vài nơi nữa. Cần phải có thêm cách để hỗ trợ cho họ, vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị cho con máy trợ thính và không phải người mẹ nào cũng biết cách để giúp con mình, nên có nhiều đứa trẻ vô tình bị bỏ mặc không cách nào giao tiếp được với cả những người thân của mình.
Những ngày cuối năm, tôi chia sẻ ước nguyện muốn thực hiện một chương trình hướng dẫn cho các em khiếm thị, khiếm thính có được kỹ năng tự bảo vệ mình và mong muốn có thêm nhiều bà mẹ ở khắp mọi miền đất nước có con trong trường hợp này học cách để trang bị cho con mình, để hiểu con mình và có thể tương tác với các con trước khi chờ đợi cộng đồng học cách hiểu ngôn ngữ của người khiếm thị, khiếm thính.
Thật vui mừng, khi vừa đăng tải ý định này, lập tức chúng tôi nhận được nhiều tín hiệu vui và sẵn sàng chia sẻ của các thầy cô giáo trẻ của môn giáo dục đặc biệt, của các bà mẹ khác trong cộng đồng, của bà mẹ đại diện cho câu lạc bộ cha mẹ có con khiếm thính và cả những ông bố.
Các cô giáo ở trường Hy Vọng, Bình Thạnh cũng đang chờ đợi để đoàn tình nguyện về trường thực hiện thí điểm những bài hướng dẫn này để làm thành clip chia sẻ đến nhiều nơi.
Bà mẹ trẻ Mikki Nguyen nghe tôi thông báo đã vội gửi ngay tin nhắn: “Chị ơi! Chị thông báo ngày giờ em sắp xếp đi phụ nha! Em tuy không rành về ngôn ngữ của người khiếm thính nhưng cũng có vài lần tiếp xúc với các bé. Với các bé không thể la lên cầu cứu thì em nghĩ kỹ năng thoát hiểm và trang bị kèn hay thứ gì đó phát ra tiếng động để mọi người chú ý mà giải cứu? Đây là ý kiến nghị nhanh của em thôi ạ”.
Tôi thấy rất rõ sức mạnh của sự đồng cảm. Nhịp sống nhanh vẫn còn nhiều chỗ, nhiều góc của tình yêu thương, của sự sẻ chia, của những người đã dành tâm sức cho chương trình: “Giáo dục giới tính và dạy trẻ khiếm thính tự bảo vệ mình”.
Mùa đông không lạnh và tôi tin sự ấm áp của mùa xuân cũng đã toả hơi ấm, trong đó hơi ấm tình người đã nhen nhóm và thắp lên niềm hy vọng cho mỗi con người chúng ta.
Thanh Thuý (hội quán Các bà mẹ)
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này