15:38 - 30/01/2018
Người Việt e dè hàng Trung Quốc, chuộng hàng Thái, Nhật, Hàn
Chỉ sau một năm, tỷ lệ người tiêu dùng Việt yêu thích và thường mua các sản phẩm trong nước đã rớt lần lượt 27% và 32% khi chỉ còn 51% và 60%.
Đây là một trong những nội dung của kết quả khảo sát cuộc điều tra Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2018 công bố ngày 30/1 tại TP.HCM.
Tại lễ công bố, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho biết cuộc điều tra đã hé lộ nhiều thông tin mới, sát thực về thị trường và cũng dấy lên nhiều lo ngại về sức cạnh tranh của hàng Việt.
Hàng Thái, Nhật, Hàn đã tận dụng tốt tâm lý “sính hàng ngoại” của người tiêu dùng Việt cũng như tâm lý thận trọng trong lựa chọn của khách khi “e dè/tẩy chay” hàng Trung Quốc (0,6%).
Ngoài ra, phải kể đến chiến lược thâm nhập thị trường rất căn cơ của doanh nghiệp Thái, Nhật, Hàn, đi liền với sự lơ là và thiếu thận trọng của người Việt.
Theo khảo sát này, tỉ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ từ Thái, Nhật, Hàn cao hơn so với tỉ lệ mua dùng, tức là trong tương lai gần tỉ lệ mua dùng vẫn sẽ tăng lên khi người tiêu dùng có đủ các điều kiện tiếp cận sản phẩm.
Lễ Công bố HVNCLC 2018 sẽ diễn ra vào ngày 7/2/2018 tại White Palace, TP.HCM. Thông tin chi tiết xin truy cập tại website: http://lecongbo.hvnclc.vn/
Một trong những vấn đề nổi cộm gần đây là niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt có phần bị lung lay.
Nhiều doanh nghiệp Việt làm ăn không minh bạch và thiếu chân chính, đã gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng, như trường hợp một chiếc khăn hai nhãn mác của thương hiệu Khaisilk.
Hay những thương hiệu Việt càng có uy tín trên thị trường lại phải đối diện với mức độ rủi ro nhiều hơn, bởi nạn hàng gian, hàng giả.
Trong khi đó, hàng hóa Thái, Hàn, Nhật… tiếp tục “bành trướng” nhờ sự hỗ trợ của các nhà bán lẻ nước này.
Sự thâu tóm hệ thống các kênh bán lẻ tạo lợi thế rất lớn đối với sự góp mặt, cũng như gia tăng giành thị phần cho sản phẩm.
Nói cách khác, sản phẩm có xuất xứ từ các quốc gia thâu tóm được hệ thống các kênh bán lẻ, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Kết quả khảo sát cho thấy không chỉ dừng lại ở việc thâu tóm không gian kết nối người dân Việt Nam với sản phẩm, các doanh nghiệp Thái, Nhật, Hàn còn chủ động thực hiện nhiều chương trình kích hoạt nhằm đánh động “xúc cảm” để thu hút và chinh phục khách, cùng với đó là sự hỗ trợ cần thiết và hiệu quả từ phía các cơ quan hữu trách của họ.
Trong lần trao đổi gần đây, ông Nguyễn Khắc Luận, Tổng giám đốc Vinaxad, cho biết những năm gần đây, các hội chợ quốc tế diễn ra ở Việt Nam thường thu hút sự quan tâm rất lớn từ doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản, Thái Lan bên cạnh khách hàng quen thuộc đến từ Đài Loan, Trung Quốc.
Dù các thương nhân những quốc gia, lãnh thổ này đã có mặt nhiều ở Việt Nam nhưng họ vẫn tìm kiếm cơ hội bán hàng, hợp tác, kết nối giao thương với doanh nghiệp.
Theo ông Luận phần lớn các doanh nghiệp tham gia hội chợ đều được chính phủ các nước tài trợ chi phí, họ tham gia rất đầy đủ và tiếp cận bạn hàng khá tốt.
“Chỉ tính riêng hội chợ hàng Thái được tổ chức ở Việt Nam, số doanh nghiệp lẫn số lần tổ chức hội chợ do chính phủ nước này tài trợ còn nhiều hơn số hội chợ Việt Nam tổ chức”, ông Luận nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, số siêu thị nước ngoài tại Việt Nam đang ngày một nhiều.
Người Thái có Mega Market (tên gọi cũ là Metro Cash & Carry) với 19 siêu thị, B’smart có 75 cửa hàng tiện lợi, định hướng mở 3.000 cửa hàng.
Hay Big C có 32 siêu thị, Robinson với chuỗi siêu cũng thuộc doanh nghiệp Thái Lan là Central Group, chưa kể tập đoàn này còn nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim,…
Nhật Bản có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven.
Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của Lotte, Emart, mới đây nhất là SG25…
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này