09:25 - 12/08/2019
Ngô Tuấn Hiệp, bác sĩ ngược dòng với ‘y tế giá rẻ’
Trong khi nhiều người mở phòng khám, bệnh viện đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thì bác sĩ Ngô Tuấn Hiệp lại muốn mở bệnh viện giá rẻ. Những tưởng là chuyện “trà dư tửu hậu”, nào ngờ trong lần gặp mới đây, anh cho biết “bệnh viện giá rẻ” Vạn An (Long An) đã sẵn sàng khởi công xây dựng.
10 năm với phòng khám giá rẻ
Tốt nghiệp bác sĩ y khoa đại học Y dược TP.HCM năm 2000, sau hai năm trụ lại TP.HCM học tiếp, năm 2002 bác sĩ Ngô Tuấn Hiệp về quê nhà Long An giảng dạy tại trường trung cấp y tế tỉnh. Nhưng trong khi công danh, sự nghiệp rộng mở, vào năm 2008 anh quay ngoắt hùn hạp với bạn bè mở phòng khám đa khoa kinh doanh.
Thiếu chuyên môn và kinh nghiệm quản lý, cuộc chơi của những người không chuyên phải trả giá bằng việc gần như sạch vốn sau sáu tháng hoạt động.Nhờ người thân hỗ trợ, bác sĩ Hiệp gầy dựng lại từ đầu với mô hình y tế chi phí thấp, phù hợp với mức sống của người dân tại chỗ.
Mười năm hoạt động của phòng khám đa khoa Vạn An tại hai cơ sở Tân An và Bến Lức, đã minh chứng tính đúng đắn của mô hình này. Lạm phát tăng, chi phí khám chữa bệnh ở Vạn An cũng phải điều chỉnh, nhưng với chính sách giá rẻ kết hợp với bảo hiểm y tế (BHYT), chi trả của bệnh nhân luôn được kềm ở mức thấp nhất. Gần 35% bệnh nhân khám bệnh, nhận thuốc chỉ trả phụ thu 11.000 đồng và 21.000 đồng từ tháng 11.2017 đến nay. Bác sĩ Hiệp nói: “Hàng chục ngàn bệnh nhân đã hưởng lợi từ chính sách giá rẻ này với số tiền tiết kiệm khoảng 10 tỷ đồng/năm”.
“Nhưng “giá rẻ” khó đi đôi với chất lượng cao”, có lần tôi nói. Anh trả lời: “Trong 40 bác sĩ làm việc tại đây, nhiều người là chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sĩ, tiến sĩ. Thậm chí có cả bác sĩ của nhiều bệnh viện lớn ở TP.HCM hàng tuần về hỗ trợ chuyên môn. Minh chứng cho thành công của Vạn An là tỷ lệ bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị luôn trên 95%, và xấp xỉ 90% bệnh nhân là bệnh nhân cũ với các bệnh mạn tính. Như thế phòng khám đã góp phần làm giảm tỷ lệ tai biến do không tuân thủ điều trị các bệnh mạn tính”.
Đã khá thành công với mô hình “phòng khám giá rẻ”, đối với nhiều người họ có thể dừng lại và tiếp tục hái quả ngọt, nhưng “Hiệp khùng” (biệt danh bạn bè gọi anh hồi đi học) lại muốn tìm tới mô hình “bệnh viện giá rẻ” chưa có tiền lệ tại Việt Nam.
Mơ một bệnh viện Nayarana ở Việt Nam
Anh lên mạng tìm hiểu và biết ở Ấn Độ có một mô hình bệnh viện giá rẻ tuyệt vời được cả thế giới biết đến và học tập.Đầu năm 2016, anh tìm đến cái nôi của y tế giá rẻ (low cost healthcare), bệnh viện đa khoa Narayana Hrudayalaya và bệnh viện mắt Aravind.
Anh ghi chép trong nhật ký chuyến đi: “Lặn lội từ Việt Nam đến miền Nam Ấn Độ, nơi có rất ít du khách và người dân còn xa lạ với Việt Nam, chúng tôi thăm tổng hành dinh của hệ thống bệnh viện Nayarana, trung tâm tim mạch lớn nhất Ấn Độ. Hôm chúng tôi đến có hơn 40 ca phẫu thuật tim, hai phòng hồi sức chứa đầy bệnh nhi với đủ loại cân nặng. Chúng tôi gặp nhân vật số hai quản lý hệ thống Nayarana, Sir Guru, ông dành hơn 30 phút chia sẻ ngắn gọn và thẳng thắn về nguyên lý bệnh viện giá rẻ”.
Thật ra thành công của mô hình y tế giá rẻ tại bệnh viện Nayarana do bác sĩ Devi Shetty sáng lập, đã khiến nhiều người tò mò muốn tìm hiểu từ lâu. Điển hình sau lần tham quan bệnh viện và chuyện trò trực tiếp với bác sĩ Shetty, phóng viên Julie McCarthy viết trên tờ NPR vào tháng 1/2015: “Bác sĩ Shetty đàm phán giá mọi thứ, từ bàn mổ cho đến đèn thắp sáng. Khi tôi nói, người ta cho rằng ông là một chuyên gia trả giá, ông đáp: ‘Tôi không đàm phán cho mình mà đàm phán cho người đang phải bán ngôi nhà của mình để ngủ ngay trên giường bệnh’”.
McCarthy ghi nhận, bán nhà hay bán bò lấy tiền chữa bệnh là chuyện thường ngày ở Ấn Độ, dù nhà nước luôn nói cải thiện y tế công cộng là một trong những bổn phận thiết yếu mà họ phải làm. Trong hoàn cảnh đó, mô hình y tế giá rẻ do Devi Shetty đề xướng thật sự là phao cứu sinh cho nhiều người, đặc biệt người nghèo, giúp họ tiếp cận kỹ thuật y tế cao với giá thấp nhất. Ông chia sẻ: “Thật vô nghĩa khi xây dựng những bệnh viện sang trọng chỉ mổ 1 – 2 ca mỗi ngày. Chúng tôi chỉ cần vài bệnh viện, nhưng chúng phải phục vụ rất đông bệnh nhân, rồi sau đó chất lượng cải thiện và giá giảm xuống”.
Thực tế chứng minh Shetty đã đi đúng hướng. Tại bệnh viện nơi ông làm việc, mỗi ngày bác sĩ mổ tim 30 – 35 ca, có năm công suất mổ lên đến 14.000 ca và được so sánh như dây chuyền lắp ráp sản phẩm của Henry Ford. Và cần nhấn mạnh, bệnh viện không từ chối bất kỳ bệnh nhân nào chỉ vì họ không có tiền.
Chắc chắn trước khi đi Ấn Độ, bác sĩ Hiệp đã biết những thông tin này, nhưng “mục sở thị” vẫn quan trọng hơn, vì anh có thể nhìn tận mắt, sờ tận tay, trải nghiệm mọi thứ để nuôi dưỡng cảm hứng có từ bấy lâu, như tâm sự: “Hồi học y khoa, khi đi về bằng xe đò, tôi nhìn thấy người dân quê phải lặn lội lên thành phố chữa bệnh, trong đó có nhiều người nghèo. Từ đó, tôi mong họ có thể tiếp cận được y tế chất lượng cao, chi phí thấp mà không cần đi xa”.
Chuyện những con sao biển
Nhưng giữa ước mơ và thực tế luôn là khoảng cách rất xa và khi bắt tay thực hiện, bác sĩ Hiệp mới cảm nhận rõ. Lẽ ra bệnh viện Vạn An ra đời năm trước, nhưng lần khần mãi đến tận bây giờ. Trong buổi trò chuyện tuần qua, anh tâm sự: “Thực tình sau khi câu chuyện của tôi đăng trên báo, vài người tìm đến hợp tác, nhưng cuối cùng tôi đành từ chối, vì họ không phải là “nhà đầu tư từ bi” như cách thức của bệnh viện giá rẻ”.
Không dễ có được một định nghĩa đầy đủ và chính xác về “nhà đầu tư từ bi”, nhưng hiểu nôm na đó cũng là nhà đầu tư tài chính, nhưng có lòng từ tâm vì cộng đồng và chấp nhận lợi nhuận ở mức vừa phải. Nhưng vào thời này, tìm kiếm những người như thế quá khó, bởi trong suy nghĩ của đa số, bỏ tiền vào bất động sản dễ sinh lợi nhanh, còn đầu tư vào y tế vừa sinh lợi chậm, lại vừa không ít rủi ro.
Thật tình cờ, trong cuộc trò chuyện với bác sĩ Hiệp, tôi có dịp nghe phản biện từ một bác sĩ khác (xin giấu tên), đang thành công với mô hình phòng khám chất lượng có giá cao tại TP.HCM. Vị bác sĩ này chia sẻ: “Dù làm gì cũng phải tôn trọng quy luật đầu vào, đầu ra. Không thể đổ tiền nhiều cho đầu vào rồi cưỡng bức giá xuống thấp ở đầu ra, vì như thể sẽ ăn vào vốn của mình. Nếu muốn làm từ thiện, mình nên làm rạch ròi, lấy tiền từ người giàu giúp người nghèo theo cách riêng”.
Một phản biện đáng suy nghĩ, đặc biệt khi ở nước ta khái niệm y tế giá rẻ còn quá mới. Nhưng bác sĩ Hiệp kiên định, anh cho biết mình sẽ làm theo mô hình Narayana hay Aravind của Ấn Độ, lấy giá cao từ bệnh nhân giàu san sẻ cho bệnh nhân nghèo, như phóng viên McCarthy ghi nhận trong bài viết: “Bệnh nhân có tiền phải trả hàng ngàn USD để mổ tim hở, nhưng với bệnh nhân ít tiền, họ chỉ trả một ít và có đến 60% trường hợp như thế ở Narayana”.
Không tìm được “nhà đầu tư từ bi”, bác sĩ Ngô Tuấn Hiệp vẫn tiếp tục đi tới, vì dù sao anh cũng có những người hỗ trợ thật lòng. Anh cho biết, một quỹ tài chính của tỉnh Long An rất ủng hộ chuyện anh làm và duyệt cho vay 50 tỷ đồng với lãi suất vừa phải. Rồi bên cạnh anh còn có những cộng sự, đặc biệt là các bác sĩ, chấp nhận mức thu nhập vừa phải để làm chuyện thiện lành. Gặp bác sĩ Khánh, trưởng khoa bệnh một bệnh viện lớn ở TP.HCM, anh nói: “Do không thích cách làm phòng mạch ngoài giờ “chụp giật” như ở thành phố, nên hàng tuần tôi vẫn về Vạn An hỗ trợ”.
Chuyện kể, trên bãi biển nọ, chiều đến có một cậu bé ném những con sao biển trên bờ xuống đại dương. Có người hỏi tại sao làm thế, cậu đáp: “Sóng đang lên và thuỷ triều rút dần, nếu không ném chúng về biển chúng sẽ chết vì thiếu nước”. Người ta thắc mắc: “Có đến hàng triệu con sao biển, con không làm xuể đâu?”. Nghe thế, cậu bé vẫn im lặng, cúi xuống nhặt một con sao biển lên và ném nó vào con sóng. Cậu nói: “Con cũng biết thế, nhưng con vẫn có thể làm được điều gì đó, ít nhất là cứu được những con sao biển này”.
Như cậu bé nhặt sao biển, bác sĩ Hiệp đang mơ làm điều gì đó cho bệnh nhân nghèo, và đó cũng là tinh thần mà bác sĩ Devi Shetty đang theo đuổi, như ông nói với PV McCarthy: “Như không khí và nước, chăm sóc sức khoẻ phải sẵn có cho mọi người trên hành tinh này theo lẽ tự nhiên”. Khi biết tôi vẫn hoài nghi không ít về mô hình y tế giá rẻ, bác sĩ Hiệp nói: “Hãy cho tôi mười năm để chứng minh điều tôi làm là đúng”.
Phan Sơn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này