15:18 - 20/08/2018
Ngành sư phạm chật vật tuyển sinh
Một cán bộ lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: Chỉ tiêu ngành sư phạm gần như chạm đáy (nhiều ngành chỉ có 20 – 30 chỉ tiêu) nhưng vẫn không có người học. Đây là vấn đề đáng báo động và cơ quan quản lý cần phải có giải pháp để tránh tình trạng vài năm tới lại thiếu hụt giáo viên trầm trọng ở một số ngành.
Nhiều trường ĐH, CĐ không tuyển đủ thí sinh (TS) vào các ngành sư phạm và tiếp tục “vét” TS ở đợt xét tuyển bổ sung. Với thực tế này, viễn cảnh ngành sư phạm của nhiều trường sẽ phải đóng cửa vì không có người học.
Bằng điểm sàn vẫn không có thí sinh
Sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) tiếp tục xét tuyển rất nhiều chỉ tiêu cho các ngành sư phạm, mặc dù điểm chuẩn tất cả các ngành sư phạm chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Trong tổng số 215 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của trường này, các ngành sư phạm chiếm đến 140 chỉ tiêu.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cũng phải xét tuyển bổ sung cho hàng loạt ngành sư phạm. Các ngành sư phạm của trường này chiếm đến 550 chỉ tiêu so với 744 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Trong đó, nhiều ngành không có TS trúng tuyển đợt 1 và phải tuyển bổ sung 100% chỉ tiêu như Sư phạm Vật lý 90 chỉ tiêu, Sư phạm Lịch sử 60 chỉ tiêu, Sư phạm Sinh học 60 chỉ tiêu. Ngành Sư phạm Toán học đợt 1 chỉ có 50 TS trúng tuyển so với tổng chỉ tiêu là 120.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng phải tuyển bổ sung đến 190 chỉ tiêu cho các ngành sư phạm Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Lịch sử. Đáng nói là trường này sử dụng cả 2 phương án để xét tuyển bổ sung gồm: kết quả thi THPT quốc gia 2018 và theo đề án tuyển sinh riêng của trường. Các ngành sư phạm Lý, Hóa, Sinh phải tuyển bổ sung 100% chỉ tiêu.
Trong khi đó, kết thúc đợt 1, tại nhiều trường ĐH, CĐ sư phạm ở nhiều tỉnh, thành phố, nhiều ngành không có TS đăng ký. Trường ĐH Đồng Nai, nhiều ngành sư phạm hệ ĐH và CĐ không có TS nào trúng tuyển trong đợt 1. Thậm chí ngành Sư phạm Lịch sử và Sinh học chỉ 20 chỉ tiêu nhưng không có TS nào trúng tuyển. Các ngành hệ CĐ như Sư phạm Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học cũng không có TS nào đăng ký trúng tuyển. Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận chỉ tuyển sinh 3 ngành trong năm nay, nhưng ngành Sư phạm Tin học không có TS trúng tuyển. Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk tuyển sinh 7 ngành, kết quả mỗi ngành chỉ có vài TS trúng tuyển, như Sư phạm Toán học 3 TS, Sư phạm Tiếng Anh 3 TS, Sư phạm Ngữ văn 3 TS, Sư phạm Địa lý 2 TS, Sư phạm Sinh học chỉ có 1 TS.
Cần giải pháp căn cơ
Trong bối cảnh ngành sư phạm tuyển sinh hết sức “thê thảm” thì liên tục tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, hàng trăm giáo viên diện hợp đồng đứng trước nguy cơ bị sa thải.
Mới đây, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau chính thức thông báo sẽ cắt hợp đồng với hơn 1.400 giáo viên trước ngày 1/9/2018. Lý do cắt hợp đồng là do số lượng giáo viên này được các địa phương, các trường tự ý hợp đồng mà chưa có chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Sau khi cắt hợp đồng, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương làm tờ trình xin chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mới được ký hợp đồng lại.
Trước đó, tại Đắk Lắk, hơn 500 giáo viên bị cho thôi việc. Còn tại Ninh Thuận, trong số 140 cử nhân sư phạm (diện cử tuyển) được tỉnh này cấp 50% học phí theo học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sau khi ra trường chỉ có 80 người được bố trí việc làm, còn lại thất nghiệp và bị “giam” bằng. Tại tỉnh Phú Yên, 51 giáo viên bị sa thải với nhiều lý do không thỏa đáng nên đã khởi kiện…
Quay lại kết quả tuyển sinh ngành sư phạm năm 2018 cho thấy, tổng chỉ tiêu tuyển giảm 38% so với năm 2017. Cụ thể, tổng chỉ tiêu vào các trường sư phạm là 35.590, số chỉ tiêu xét kết quả thi THPT quốc gia là 24.369 (giảm 22,8% so với năm ngoái) và các phương thức khác là 11.221 (giảm 55,3%). Tổng số nguyện vọng đăng ký là 125.261, giảm 29% so với năm trước. Sự sụt giảm chỉ tiêu ngành sư phạm là nguyên nhân tất yếu khi việc đào tạo tràn lan, không sát với dự báo.
Một nguyên nhân nữa khiến cho các trường sư phạm phải “vét” TS ở đợt bổ sung chính là điểm sàn Bộ GD-ĐT đưa ra, với mức 17 điểm cho hệ ĐH và 15 điểm cho hệ CĐ. Đề thi đã khó cùng với việc điểm sàn như trên cho thấy điểm chuẩn năm nay của ngành sư phạm cả nước khá cao, không còn cảnh 10 điểm/3 môn. Nhưng chính do mức điểm này, nhiều trường từ Bắc chí Nam đứng trước nguy cơ đóng cửa nhiều ngành sư phạm.
Một cán bộ lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã nghỉ hưu cho biết: Vấn đề giáo viên thất nghiệp, bỏ ngành diễn ra cả chục năm nay. Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn cho các tỉnh phía Nam tiến hành rà soát, dự báo nhu cầu trong 5 năm, 10 năm nhưng không thấy địa phương nào làm. Đã vậy, nhiều tỉnh dù thừa giáo viên vẫn cử người đi học diện cử tuyển bằng nguồn ngân sách địa phương.
Theo TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, việc Bộ GD-ĐT giữ quyền công bố điểm sàn, cảnh báo dư thừa, các trường phải cắt giảm chỉ tiêu rất mạnh là mong muốn tuyển chọn những người giỏi cho ngành. Song vấn đề gốc rễ và căn cơ vẫn là việc làm và thu nhập của sinh viên sau khi ra trường. Do đó, cần phải có một giải pháp đồng bộ, trong đó vấn đề việc làm và tiền lương cho ngành sư phạm phải được cải thiện đáng kể. Khi đó, ngành sư phạm chắc chắn không thiếu người giỏi theo học.
Theo Thanh Hùng/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này