
14:23 - 15/03/2017
Ngăn gà nhập giá rẻ, mũi tên trúng nhiều đích?
Người chăn nuôi gà đã thôi điêu đứng khi Thú y áp dụng chặt các biện pháp nghiệp vụ đối với gà nhập.

Từ khi thịt gà nhập khẩu tăng sản lượng lên phân nửa lượng nuôi trong nước, tương đương 6.000 – 7.000 tấn mỗi tháng, thì tình hình chăn nuôi gà trắng công nghiệp bắt đầu gặp khó khăn.
Ông Đoàn Ngọc Thơ, giám đốc công ty TNHH thương mại dịch vụ THO, xác nhận khoảng hơn tháng nay, cục Thú y (Bộ NN-PTNN) đưa ra nhiều biện pháp siết thịt gà nhập khẩu. Số liệu từ Trung tâm thú y vùng 6 cũng cho thấy sản lượng thịt gà nhập khẩu tháng 1 và 2/2017 giảm còn phân nửa so với trước. Sau nhiều thông tin lình xình gà nhập bán phá giá vào thị trường Việt Nam, khiến hàng triệu hộ nông dân điêu đứng thì có vẻ như lúc này các cơ quan quản lý mới tìm cách tháo gỡ.
Cục Thú y, theo ông Đoàn Ngọc Thơ, chỉ bằng một động thái kéo dài thời gian lấy mẫu kiểm dịch các lô hàng về cảng, đồng thời xem xét kỹ càng việc cấp giấy phép nhập khẩu, lập tức đã khiến tình hình nhập khẩu thịt gà trong vòng hơn một tháng trở lại đây bị đảo lộn.
Ông Thơ bình luận, các biện pháp mà Cục Thú y đang áp dụng, thực chất chỉ mang tính nghiệp vụ, nhưng tác động đến tiến độ bốc dỡ hàng hóa tại cảng, làm cho chi phí lưu kho bãi tăng lên. Ngoài ra, việc xem xét lại quy trình cấp giấy phép cũng tác động ghê gớm đến tâm lý doanh nghiệp nhập khẩu. Các lô hàng đang trên đường đi hoặc đang xếp ở các cảng đi, doanh nghiệp phải xem lại hồ sơ, thủ tục nào còn thiếu thì bổ sung, thậm chí phải quay đầu do chưa đủ chứng từ.
“Không còn dễ dãi như trước đây nữa! Thịt gà nhập khẩu đang bị siết rất chặt chẽ và chỉ cần áp dụng các động thái này cũng đủ để làm giảm sản lượng nhập khẩu trong các tháng tới!”, ông Thơ thừa nhận.
Theo ông Bạch Đức Lữu, giám đốc Trung tâm thú y vùng 6, trong tháng 1/2017, lượng đùi gà nhập khẩu về khu vực quản lý của Trung tâm này (cảng Cát Lái, quận 2) là 5.086 tấn, thì sang tháng 2 giảm còn 2.550 tấn, cánh gà nhập khẩu tháng 1 là 691 tấn, tháng 2 còn 335 tấn.
Ngoài một số nguyên nhân như giá cả tăng, mùa vụ tiêu thụ thấp điểm, việc sản lượng gà nhập giảm có phần chịu tác động từ các chính sách “điều tiết” của cơ quan chức năng trong thời gian qua. Bình luận về các hàng rào kỹ thuật mà cơ quan chức năng đang áp dụng, các chuyên gia trong ngành chăn nuôi khẳng định điều này không vi phạm luật và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài đưa ra nhiều biện pháp “mang tính hành chính”, Bộ NN-PTNT cũng vừa có văn bản chính thức thông báo ngưng nhập thịt gà từ hai bang của Mỹ. Các nước như Hàn Quốc và Trung Quốc cũng tạm thời ngưng nhập do các khu vực này đang bùng phát dịch cúm gia cầm.
Có tin cho hay cuối tháng 3 này, Bộ Công Thương cũng chính thức nối lại tiến trình điều tra (đã làm dở dang từ cuối 2015) chuyện thịt gà Mỹ bán phá giá vào thị trường Việt Nam. Trước mắt, bộ này sẽ có buổi làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội chăn nuôi gà miền Đông Nam bộ để nắm sâu hơn các tình tiết bán phá giá trước khi có các quyết định cuối cùng.
Như vậy, thời gian tới, thịt gà nhập khẩu dự báo còn tiếp tục giảm nữa, điều này sẽ tác động tích cực đến ngành chăn nuôi trong nước. Hiện, giá gà trắng công nghiệp, đối tượng ảnh hưởng trực tiếp từ thịt gà nhập khẩu đã tăng lên 25.000 – 26.000 đồng/kg gà lông, sau khi giảm xuống đáy 14.000 – 15.000 đồng cách nay một tháng.
Theo thống kê, từ khi thịt gà nhập khẩu tăng sản lượng lên phân nửa lượng nuôi trong nước, tương đương 6.000 – 7.000 tấn mỗi tháng, thì tình hình chăn nuôi gà trắng công nghiệp bắt đầu gặp khó khăn. Cách đây chừng ba bốn năm, tổng đàn gà trắng cả nước khoảng 15 – 16 triệu con/năm, nhưng từ 2014 về sau thì giảm xuống còn một nửa.
Nguyên nhân chính là do thịt gà nhập khẩu về có giá quá rẻ, chỉ có khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg, ngang giá thành nuôi nội địa. Thịt nhập khẩu có giá rẻ mạt đã lấy trọn phân khúc tiêu thụ lớn nhất là các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn nhà trường, hàng quán…
Ngay cả các cửa hàng thức ăn nhanh cũng lấy gà nhập làm nguyên liệu chế biến. Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu cũng tìm đến nguồn nguyên liệu thịt gà xay nhập khẩu, có giá chưa đến 1 USD/kg. Có thể nói, thịt gà nhập khẩu đã đáp ứng được nhu cầu rất đông người lao động có thu nhập thấp.
Câu hỏi đặt ra là nếu thịt gà nhập khẩu bị siết lại thì gà nội địa có nhân cơ hội tăng giá? Hàng triệu công nhân, người lao động thu nhập thấp, học sinh, sinh viên… cần mức sống phù hợp sẽ phải ăn thịt gà giá cao?
Những lo ngại này, hoàn toàn có thể xảy ra nếu các cơ quan quản lý thị trường không kiểm soát tốt khâu lưu thông, kiểm soát tốt giá bán đến tay người dùng. Và khi đó, vô tình chính sách đưa ra chỉ cứu giúp cho người chăn nuôi, số đông còn lại là đối tượng thu nhập thấp cần được hỗ trợ lại bị tổn thương, thiệt hại.
Bảo Anh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này