
10:23 - 08/09/2019
Nếp nhà: Hột cơm thừa, hột gạo rơi
Hai chị em ngồi ăn cơm với mẹ già đã lẫn, đút từng muỗng cơm cho mẹ, rồi lại nói chuyện với nhau.
Một lát ngó thấy mẹ đang từ từ cúi người xuống nhìn gầm bàn, tay chỉ chỉ. Hai chị em nhìn theo tay mẹ mới thấy dưới cạnh bàn có một hột cơm nằm trên đất. Chị gái nhặt lên bỏ vào cái thìa, múc ít nước canh tráng rồi bỏ vô chén cơm đang ăn.
– Thấy chưa, mẹ lẫn vậy mà một hột cơm rớt vẫn tìm nhặt. Hồi xưa mẹ dạy đứa nào ăn bỏ cơm thừa thì về sau này nghèo mạt.
Tôi bỗng dừng ăn, nhớ lại cử chỉ của mẹ, từ từ cúi lưng xuống, mắt cố tìm tay cố chỉ hột cơm. Tôi lại nhớ rất rõ ngày xưa mẹ kể cho chúng tôi nghe sự tích hạt gạo. Chuyện dài nhưng tôi nhớ mãi chi tiết “thần lúa giận bỏ đi” trong truyện là do cô kia ngủ muộn lười biếng không chịu quét dọn sân nhà đón thần lúa đầu năm, đã vậy còn dám cằn nhằn: “Lúa gì mà chưa đến giờ đã mò về”. Nghe vậy thần lúa bỏ đi luôn, về sau vua Hùng và các bô lão phải lên núi khấn mãi mới quay về lại. Mẹ tôi dặn: không chỉ có lười biếng mà khiến thần lúa giận, những ai ăn cơm mà bỏ thừa, thần lúa cũng giận mà sau này sẽ bỏ đói, nghèo mạt kiếp. Các con phải nhớ để nhặt từng hạt gạo rơi, ăn cơm và cho sạch bát, không để lại một hột cơm thừa nào. Có như vậy sau này lớn lên các con mới không nghèo”.
Hồi nhỏ mẹ tôi kể chuyện cổ tích, nhưng chúng tôi đứa nào cũng tin đó là thật.Không đứa nào dám bỏ thừa dù một hột cơm trong chén. Có hôm múc gạo đi vo, hạt gạo rơi ra ngoài, dù vội mấy tôi cũng phải nhặt hết chỗ hạt gạo rơi bỏ vào nồi.
Về sau này lớn lên, chúng tôi vẫn sống như vậy, mỗi lần ăn cơm, lỡ xới nhiều mà bụng đã no, cũng phải cố gắng ăn cho hết. Không chỉ nhớ lời mẹ dạy, mà tận mắt chứng kiến bao cảnh khổ nhà nghèo phải đi lượm rác, có bịch cơm thừa canh cặn vất đi là ăn ngấu nghiến, lại càng động tâm trắc ẩn. Mỗi bữa đi tiệc tùng thấy đồ ăn thừa, tự nhiên lòng chùng xuống. Cố gắng ăn hết phần của mình.
Có một giai đoạn sau đổi mới, đất nước có thêm người giàu có mới nổi học đòi làm sang, tiệc tùng liên miên mua 10 ăn chỉ có 1 phần còn lại 9 phần đổ. Chưa kể lại còn vô văn hoá, đi ăn thức ăn tự chọn lấy thật nhiều mà ăn thì cũng chỉ có được nửa, một nửa còn lại cũng đem bỏ đi, khiến cho các nhà hàng về sau phải ghi rõ nếu ăn còn thừa sẽ phạt, nhất là các nhà hàng ở nước ngoài.
Tôi mong sao câu chuyện cổ tích về hạt lúa của người Việt sống lại trong ký ức và hiện tại của người Việt, để ai cũng ý thức về từng hột cơm thừa, từng hạt gạo rơi.Có như vậy, đất nước mới thực sự phát triển bền vững, ít nhất chế ngự được lòng tham của con người.
Khánh Trí (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này