
12:07 - 13/10/2019
Một ngày với những cánh chim đã mỏi
Ông Tô Hiếu Hùng, 73 tuổi, quê ở Phong Điền, Cần Thơ, giáo viên về hưu, bị mù loà, sau khi vợ mất đã vào trung tâm nuôi dưỡng người già ở gần hai năm nay.
Phòng ông Hùng có bốn người. Ông Hùng chỉ lòng vòng ở trong phòng và khuôn viên trung tâm. Buổi sáng, nhân viên trung tâm đưa ông ra sân tập thể dục dưỡng sinh, tắm nắng. “Cuộc sống ở đây thoải mái hơn ở nhà, có các chị hộ lý chăm sóc, có bác sĩ kiểm tra sức khoẻ cho mình, có bảo hiểm y tế, đau ốm thì đi bệnh viện cũng gần hơn so với ở nhà”, ông Hùng nói.
Cuộc thi của những bộ nhớ
Ở khu dịch vụ dành cho người tự đóng tiền. Ngoài hành lang có hai bà lão trò chuyện, giống như cuộc thi của những bộ nhớ! Bà Trần Thị Kiều (98 tuổi) quê gốc ở Trà Ôn, Vĩnh Long, vẫn còn nhớ trong nhà có năm người con. Theo con lên Sài Gòn, bây giờ con cái có cháu hết rồi, bận bịu lắm nên không thể chăm sóc bà được nữa. Về Cần Thơ, cũng sống với con, rồi con đưa bà vô đây. Ở đây vui hơn ở nhà con gái, vì bữa nào cũng có “giám đốc” tới hỏi thăm, “giám đốc” chăm sóc kỹ lắm. Cái từ “giám đốc” ăn sâu trong trí nhớ đến nỗi gặp ai bà cũng gọi “giám đốc”.
Bà Văn Đắc Thị Tuất (86 tuổi) cũng ở trên Sài Gòn mấy chục năm rồi về Cần Thơ ở chung với đứa con gái. Khi con lấy chồng, sinh hai đứa cháu. Tụi nhỏ chạy giỡn đụng bà té “què cái chân”. Sợ bọn trẻ làm tổn thương bà lần nữa nên con gái gởi bà vô đây, cách 2 – 3 ngày vô thăm một lần. Ở đây mát mẻ, yên tĩnh, có người cùng già như nhau kể chuyện đời xưa nghe đỡ buồn.
“Bà này, cứ 2 – 3 bữa có con tới thăm, bà kia mới dọn qua, gặp ai cũng ôm chầm, còn bà này ham ăn lắm, có bánh ăn mình ên nè. Khu bên kia thì có một ông hễ trưa là ở trần ra nắng đứng ngó lên trời, không biết dòm cái gì”, bà Tuất kể. Căn phòng của bà Tuất có cái tivi, cái tủ để đồ và treo vài tấm hình kỷ niệm. Bà nhìn hình nói con của bà đó, đứa còn đứa mất.
Cảm thông
“Nhà nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa thành lập năm 1993, tới năm 2016 thì đổi thành trung tâm”, bà Lê Thị Bạch Đàng, giám đốc trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa TP Cần Thơ (đường Trần Quang Diệu, phường An Thới, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) thuộc hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ, cho biết. Thực ra, với bọn trẻ thì được chuyển về Cái Tắc (Hậu Giang) ở nhà nuôi trẻ mồ côi Hướng Dương, nhưng tên thì vẫn vậy.
Hiện nay, trung tâm nhận chăm sóc người già từ 60 tuổi trở lên, không có người nuôi dưỡng, không nơi nương tựa thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội do chính quyền cơ sở hoặc các tổ chức đoàn thể, xã hội chuyển đến, với tính chất nhân đạo và một khu được gia đình gởi vô đây chăm sóc, có đóng góp tự nguyện.
Người cao tuổi cần được chăm sóc, nhưng mỗi người mỗi tánh, nhiều khi cau có, gắt gỏng thậm chí chửi bới nhưng các nhân viên hiểu được tâm trạng của họ. Hiểu những nghịch cảnh, sự chờ đợi, nhớ nhung, trắc ẩn khi con cái họ đưa vào đây rồi quên bẵng. “Điều cần nhất là phải biết cảm thông, chỉ khi nào xem các cụ như người thân trong gia đình thì mới làm việc được”, cô Phan Thị Thuý Phượng làm ởtrung tâm sáu năm, nói rằng lúc đầu công việc khó khăn, nhưng riết rồi cũng quen.
Hàng ngày, Phượng dọn phòng, lo bữa ăn, thay quần áo, tắm rửa cho họ… “Trái gió trở trời” thì thông báo ngay cho bác sĩ đến chăm sóc, điều trị. Họ có bệnh thì chăm sóc, phục hồi chức năng, nhiều người phải ẵm, đẩy xe lăn. “Phải ăn nói nhỏ nhẹ và không làm các cụ đau vì các cụ rất sợ bạc đãi”, Phượng cho biết.
Trung tâm có diện tích 15.000m2, chia làm bốn khu: khu hành chính, khu y tế, khu nhà bếp, và dãy 37 phòng dành cho các cụ. 71 cụ đang được chăm sóc tại đây. Bà Bạch Đàng nói Nhà nước chi 36.000 đồng/ngày/mỗi cụ, riêng gạo và nhu yếu phẩm thì trung tâm tự vận động. “Hiện nay, mỗi khu chỉ có 2 – 3 cái tivi, một số giường đã xuống cấp nhưng chưa thay mới, do 2 – 3 năm nay các công ty làm thiện nguyện làm ăn khó khăn đã giảm phần đóng góp”.
“Một khu đất cho người già trồng rau, trồng hoa… Một khu dưỡng sinh với các thiết bị dành riêng cho người già…” là mơ ước của nhóm công tác xã hội theo sự điều hành của trung tâm.
Tại sao không?
Ông Nguyễn Lộc, một Việt kiều từ Pháp về Phong Điền, TP Cần Thơ, nói rằng an dưỡng, nghỉ dưỡng ngắn và dài hạn là nhu cầu có thực và đang gia tăng. Dù là trại dưỡng lão được xã hội bảo trợ hay một trung tâm có thu phí, thì chính sách nên mở ra và kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư. Nếu lĩnh vực này được chú trọng, những con người có đủ tấm lòng, sức chịu đựng để xoa dịu tinh thần cho những người già khi cánh chim đã mỏi và những trắc ẩn khiến họ không biết nương tựa vào ai, sẽ sáng giá!.
Khánh An – Ngọc Bích (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này