
23:47 - 15/11/2015
Luật là VFF, VFF là luật?
Sau khi bị dư luận phản ứng, thậm chí bị chính những người là thành viên của VFF, của tổng cục thể dục thể thao lên tiếng về án phạt Quế Ngọc Hải sau hành vi đá bóng thô bạo. Phía ban kỷ luật của VFF đã phản pháo.
Ông trưởng ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường đã trả lời báo chí một lần nữa rằng, ông chẳng có việc gì phải ngại khi có thông tin Quế Ngọc Hải được các luật sư lẫn người hâm mộ bóng đá ủng hộ việc kiện VFF ra FIFA.
Ông thậm chí còn cho rằng, đúng là án phạt mà ông dành cho Quế Ngọc Hải phải chịu toàn bộ chi phí thuốc men, bồi thường cho Anh Khoa của Đà Nẵng là chẳng giống nước nào trên thế giới và cũng chẳng theo luật nào của FIFA nhưng ông đe: “Kiện thì cứ kiện nhưng VFF chưa từng thua đâu nhá”.

Ở Việt Nam, luật dường như thuộc về nơi đặt ra và có những tiêu chuẩn riêng biệt ở từng trường hợp cần phải áp dụng. Ảnh Quang Minh
Cái lý mà ông trưởng ban kỷ luật của VFF đưa ra là, giống như trong tai nạn giao thông. Người gây tai nạn không chỉ phải bồi thường cho nạn nhân mà thậm chí còn phải ở tù thì trong bóng đá cũng vậy.
Nghe xong, nhiều người chợt… hỡi ôi vì có cảm giác, VFF chính là luật và luật chính là VFF bởi người cầm cân nẩy mực ở VFF chẳng theo trường phái nào và dường như chẳng có nền tảng gì về kiến thức luật khi vận dụng cả.
Bởi lẽ, ở các nền bóng đá tiên tiến, các liên đoàn hầu như chẳng cần lập ra tiểu ban kỷ luật. Khi có sự vụ, họ mới lập một nhóm gồm các luật sư và chuyên gia am hiểu về bóng đá. Dựa trên tình tiết từ băng ghi hình và thậm chí đối thoại với cầu thủ, họ mới ra các quyết định. Các quyết định phạt ấy phải chặt chẽ bởi nếu không, sẽ bị cầu thủ, câu lạc bộ kiện ngược.
Trong khi đó ở Việt Nam, có hẳn một ban bệ nhận lương thường trực nhưng hiểu về luật đúng hay sai thì… ngày mai mới nói. Trường hợp Quế Ngọc Hải là một ví dụ. Ai cũng hiểu, bóng đá là thể thao và việc thi đấu khác hẳn với việc lái xe lưu thông ở ngoài đường. Ai cũng biết chắc rằng, khi ký hợp đồng thi đấu cho câu lạc bộ, việc cầu thủ ra sân là làm nhiệm vụ cho câu lạc bộ.
Khi có sự cố trên sân, mọi hành vi đều được coi là nằm trong khuôn khổ hoạt động thể thao và nó được giải quyết theo luật thể thao. Chính FIFA cũng coi đây là điều tiên quyết khi yêu cầu bóng đá phải có luật riêng và không chịu sự chi phối của chính phủ.
Ấy vậy mà VFF lại luôn áp dụng khẩu quyết mà các cơ quan chức năng của Việt Nam thường dùng khi cần dùng đến những luật lệ trái khoáy, đó là “do Việt Nam có đặc thù riêng”. Chính cái đặc thù ấy đã cho phép VFF thay mặt toà án “bắt thường” Quế Ngọc Hải giúp Anh Khoa thay vì xác định nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm chữa trị chấn thương cho các cầu thủ là thuộc câu lạc bộ như vốn dĩ nó phải thế.
Câu chuyện một cầu thủ của đội tuyển kiện liên đoàn bóng đá Việt Nam là chưa từng diễn ra vì chẳng cần nói nhiều mọi cầu thủ đều hiểu rằng, nếu dám kiện VFF, cánh cửa lên đội tuyển của họ sẽ đóng sập lại. Cùng lắm từ trước đến nay, chỉ vài cầu thủ dám kiện các câu lạc bộ, đặc biệt là các cầu thủ nước ngoài. Chính vì vậy VFF khá tự tin về các quyết định mang tính luật do mình tự tiện đặt ra.
Lần này cũng vậy, VFF cũng tin rằng Sông Lam Nghệ An và Quế Ngọc Hải sẽ không dám làm lớn chuyện, bất chấp có các luật sư, các chuyên gia bóng đá thật thụ ủng hộ. Nhưng, nếu vậy, khi mà VFF kêu gọi các cầu thủ, các đội bóng hành xử phải thật chuyên nghiệp, còn họ lại tự cho mình quyền riêng, quyền sự dụng sự “đặc thù Việt Nam” như một cái cớ thì, hoá ra tiến lên chuyên nghiệp chỉ đơn giản là… tuyên truyền và mị cầu thủ thôi sao?!
Tất Đạt
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này