
09:00 - 05/10/2016
‘Liên kết sức mạnh Việt’, nói mãi rồi làm sao?
“Khi đi ngang qua khu Công nghệ cao TPHCM, ông có chạnh lòng hay không khi phần lớn các doanh nghiệp là từ nước ngoài”, câu hỏi được một doanh nhân đặt ra cho chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
“Quá chạnh lòng đi chứ!”, ông Phong thừa nhận, “Nhưng phải biến sự chạnh lòng đó thành hành động”. Bằng cách nào?
“Tôi mong muốn làm sao phát triển đồng bộ công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp trong nước bằng đề án phát triển công nghiệp phụ trợ để đáp ứng được yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ cao”.
Theo ông Phong, kết quả bước đầu của đề án khá tốt khi bên cạnh doanh nghiệp trong nước, thành phố đang mời gọi các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước như Nhật Bản để đáp ứng được yêu cầu.
“Các doanh nghiệp phụ trợ trong nước phải kết nối với nhau giống như đàn sếu để cùng bay theo doanh nghiệp đầu đàn. Nhà nước phải luôn đồng hành, xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Chúng tôi đang xây dựng mục tiêu TPHCM năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp.
“Tuy nhiên không chăm chăm vào số lượng, phải tập trung vào những tập đoàn có tầm nhìn toàn cầu, bên cạnh đó là hỗ trợ những doanh nghiệp khởi nghiệp với đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng”.
Đấy là một trong những sự khuấy động của diễn đàn CEO Forum 2016 được tổ chức vào cuối tuần trước tại TPHCM, với sự tham dự của hơn 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp cùng bàn về chủ đề “Liên kết sức mạnh Việt, nói mãi, làm được không?” Cuộc đối thoại giữa các CEO và ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch TPHCM đã mang lại cho sự kiện nhiều giây phút hào hứng.
Ông Trần Vinh Dự, chủ tịch HĐQT VATC, nói: “Tôi rất thích hình ảnh con sếu đầu đàn dẫn theo cả đàn sếu của ông Nguyễn Thành Phong. Phải có những đàn anh lớn như thế để tạo nhiều cánh cửa cho doanh nghiệp nhỏ Việt Nam làm giàu.
“Doanh nghiệp nhỏ không cần phải làm hết tất cả mọi thứ, liên kết giúp cho mỗi doanh nghiệp đẩy giá trị của sản phẩm lên bằng cách chuyên môn hoá cao hơn. Các nhà cung cấp sẽ giúp cho bạn đẩy mạnh thị trường hơn bằng các giải pháp, dịch vụ”.
Ông Trần Lệ Nguyên, tổng giám đốc KIDO, tập đoàn vừa rời mảng bánh kẹo để tham gia sân chơi hàng tỉ USD mì gói và dầu ăn, với sự liên kết mạnh về cùng ngành hàng chia sẻ: “Cách đây 13 năm, Unilever bán mảng kem vì liên tục lỗ trong nhiều năm. Kinh Đô đã mua lại kem Wall’s, mua cả đội ngũ nhân lực, mua một đống nợ”.
“Sự liên kết giữa một thương hiệu trong nước và một tập đoàn đa quốc gia, giữa người lao động và nhà phân phối đã tạo sức mạnh, từ doanh số 90 tỷ đồng sang 2.000 tỷ đồng. Bây giờ, khi Unilever muốn quay lại thị trường kem, họ sẵn sàng trả giá gần 200 triệu USD”.
Cũng theo ông Nguyên, năm 2015, KIDO nhảy vào lĩnh vực dầu ăn, công ty đã liên kết với các công ty ngành dọc của Nhà nước trong lĩnh vực này. Từ lợi nhuận 50 tỷ đồng, nhưng không phải từ dầu ăn, khi Kinh Đô vào cuộc, chỉ sáu tháng sau đã đưa con số lãi hơn 200 tỷ đồng.
“Lúc cổ phần hoá giá cổ phiếu chỉ 11.000 – 12.000 đồng. Ngày hôm nay giá trị cổ phiếu lên 200.000 đồng. Điều đó cho thấy doanh nghiệp phải có khát vọng, có hoài bão, mới tạo nên liên kết thành công. Khi doanh nghiệp quốc doanh liên kết với doanh nghiệp tư nhân theo kiểu win-win, có thể nâng giá trị cổ phần lên rất nhiều”, ông Nguyên nói.
Ông Mai Hữu Tín, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty U&I, khẳng định doanh nhân Việt Nam hoàn toàn liên kết được và liên kết thành công, vấn đề là chính quyền có đồng hành với doanh nghiệp hay không?
“Chúng tôi có rất nhiều chương trình gặp gỡ không chính thức giữa những doanh nhân trẻ với lãnh đạo thành phố. Nhà nước cứ đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh, nhưng nếu có một chính quyền đủ sức cạnh tranh với thế giới thì doanh nhân…ngu gì không làm? Nếu mơ ước đặt đề tài với Chính phủ, tôi có thêm vài tính từ: minh bạch, công bằng, hiệu quả, có trách nhiệm giải trình”, ông Tín nói.
Theo ông Vũ Minh Trí, CEO Microsoft, những tập đoàn như Microsoft vào Việt Nam không bao giờ muốn triệt tiêu các doanh nghiệp cùng ngành trong nước, mà luôn muốn liên kết với các doanh nghiệp địa phương để đôi bên cùng có lợi.
Ông Trí nói: “Kể cả những tập đoàn lớn như Intel khi vào Việt Nam cũng không thể tồn tại nếu không tạo ra giá trị cạnh tranh. Câu chuyện Intel cắt giảm những chi phí không cần thiết cũng đáng để suy nghĩ, phải xem mình có thêm chuỗi giá trị gì khi có mặt tại Việt Nam?”
Theo ông Trí, ngoài liên kết giữa các kênh phân phối với nhau, liên kết về công nghệ, Việt Nam còn thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, các trường đại học.
“Một lần tôi được nghe bài nói chuyện của vị giáo sư nổi tiếng với các trường đại học ở Mỹ. Ông ta chỉ đưa ra những nguyên lý có tính lý thuyết, để từ nghiên cứu đó mỗi doanh nghiệp phải vận dụng cải tiến sản phẩm của mình.
“Họ đánh giá rất cao những nghiên cứu trong trường đại học, vì từ đó doanh nghiệp nhìn ra cách giải quyết vấn đề cho sản phẩm của mình. Liên kết đó sẽ gia tăng chuỗi giá trị cho doanh nghiệp”.
Hà Phương
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này