09:21 - 29/07/2016
KTX không người ở, bảo tàng không người vào là trách nhiệm của ai?
“Nhiều khu ký túc xá không có người ở, bảo tàng không có người vào, chợ không có người mua, nhà văn hóa không có người đến… những vấn đề này cần phải được làm rõ, không thể nói rút kinh nghiệm một cách chung chung”
Tại phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 ở Quốc hội chiều 28/7, Đại biểu Ngô Văn Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề cập đến tình trạng chi NSNN thường xuyên năm 2014 tăng 2,7% so với dự toán.
Mặc dù NSNN năm 2014 chi vượt 26.169 tỷ đồng nhưng Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vẫn đề nghị phê duyệt.
Cần làm rõ trách nhiệm đối với các dự án chậm tiến độ
Đại biểu Minh gay gắt khi cho rằng, việc quan trọng trong chi tiêu, quyết toán ngân sách vẫn tiến hành theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, mặc dù trên diễn đàn Quốc hội kì nào cũng nói cần phải rút kinh nghiệm.
“Việc chấp hành pháp luật về ngân sách theo đúng tinh thần của Thủ tướng là tiết kiệm từng đồng thuế của dân, sử dụng đúng hiệu quả và mục đích đã không được thực hiện. Do đó, thu chi ngân sách cần phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm khắc, không để tái diễn tình trạng cứ nói cho qua và đề nghị Quốc hội quyết toán”, Đại biểu thẳng thắn nói.
Bên cạnh đó, Đại biểu Minh còn cho rằng cần làm rõ trách nhiệm đối với các dự án chậm tiến độ. Cụ thể là nhiều ĐBQH nói Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, tăng mức đầu tư hơn 300 triệu USD nhưng không ai chịu trách nhiệm.
“Nhiều khu ký túc xá không có người ở, bảo tàng không có người vào, chợ không có người mua, nhà văn hóa không có người đến… những vấn đề này cần phải được làm rõ, không thể nói rút kinh nghiệm một cách chung chung”, Đại biểu Minh đề nghị.
Cũng theo ý kiến của đại biểu Minh, hoạt động chi NSNN thường xuyên tăng chủ yếu là chi vượt định mức. Đơn cử như việc quản lý xe công dù đã được Thủ tướng đặt ra, nhưng tình trạng mua và sử dụng xe công tràn làn, lãng phí vẫn diễn ra phổ biến.
“Hầu hết các bộ, ngành chi không đúng chế độ, vượt định mức. Thủ tướng nói Chính phủ sẽ đi đầu trong việc quản lý xe công hiệu quả. Đại biểu Quốc hội chuyên trách đi xe 1.8, giỏi lắm là 2.0, các bộ ngành toàn là 2.4 và 3.0″.
“Tiền ở đâu? Điều đó phải làm cho rõ ai để xảy ra việc này. Việc chi sai vượt dự toán, sử dụng sai kinh phí thì kiểm toán đề nghị phải hoàn trả 1.608 tỷ, nhưng Báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là 1.559 tỷ, hai số liệu này tôi đề nghị rà soát lại”, Đại biểu Minh chỉ rõ.
Đồng quan điểm với đại biểu Minh, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, ĐBQH TPHCM cũng đánh giá, kết quả của Kiểm toán Nhà nước đã cho thấy, trong thực hiện thu chi ngân sách Nhà nước năm 2014 có những con số sai sót rất lớn. Do đó, Chính phủ, Quốc hội cần phải nhìn nhận lại việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện kỷ luật, kỷ cương của pháp luật về vấn đề ngân sách trong thời gian tới.
“Chúng ta cần xem xét ở hai góc độ khách quan và chủ quan trong dự đoán. Nếu là khuyết điểm chủ quan thì phải xử lý”, bà Quyết Tâm nói và kiến nghị cần sớm xem xét lại Luật Ngân sách xem có gì bất cập so với thực tiễn hay không. Nhất là vấn đề phân cấp chưa rõ ràng trong luật, điều này không tạo sự tự chủ cho nhiều địa phương.
Chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn và định mức
Trong khi đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TPHCM cũng nêu ý kiến sau khi nghe báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Đại biểu Ngân cho rằng đang tồn tại rất nhiều vấn đề về kỷ cương.
Cụ thể là việc lập dự toán thu ngân sách nhà nước chưa đầy đủ các khoản thu. Việc bố trí ngân sách trung ương vượt tỷ lệ hỗ trợ cho một số dự án không đúng đối tượng, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư.
Ngoài ra, một số bộ, cơ quan trung ương còn lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách, nhiều khoản chi vượt dự toán.
Ở một vài địa phương xuất hiện một số nhiệm vụ chi chưa tuân thủ định mức phân bổ của HĐND tỉnh, bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề thấp hơn mức trung ương giao phó.
“Một câu tôi đọc thấy khá buồn, tại trang 31 dòng 36 trong Báo cáo kiểm toán Nhà nước đã ghi: Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn và định mức. Tôi kiến nghị với Chính phủ, các bộ phận có liên quan cần rà soát lại các chế độ, các tiêu chuẩn, các định mức sao cho phù hợp với thực tế”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, bên cạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách, Quốc hội, Chính phủ cũng cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính mạnh mẽ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tăng việc làm để có nguồn thu; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước, nâng cao hiệu quả sản xuất hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tạo ra cổ tức đưa về ngân sách.
“Hiện nay chúng ta có hơn 1 triệu tỷ đồng đang nằm tại các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy cổ tức nhà nước phải lấy về cho ngân sách nhà nước từ 50.000 – 60.000 tỷ đồng mới thích ứng”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Theo VOV.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này