09:18 - 22/02/2019
Không quy định bảng lương riêng cho nhà giáo
Chiều 21/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Kết quả này cho thấy, một trong các vấn đề còn có ý kiến khác nhau là quy định lương nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, có ý kiến cho rằng vấn đề lương của nhà giáo cần thực hiện theo nghị quyết số 29-NQ/TW, nhưng cũng cần đảm bảo phù hợp với nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 theo đó: “nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”.
Các ý kiến khác cho rằng thang bảng lương của nhà giáo cần theo nghị quyết Trung ương 2 (khóa 8) và nghị quyết số 29-NQ/TW, theo đó lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Chính phủ tiếp thu theo hướng quy định: nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Cơ quan thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, xây dựng chính sách tiền lương thỏa đáng cho nhà giáo là một trong những vấn đề lớn đã và đang đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đang triển khai xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương theo nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018. Theo đó, vấn đề lương nhà giáo cũng được xây dựng theo tinh thần nghị quyết này.
Theo Thường trực Ủy ban, xuất phát từ đặc thù nghề của nhà giáo, dự thảo luật cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội.
Vì vậy, Thường trực cơ quan thẩm tra đề xuất hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội:
Phương án 1: quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp (đây là quy định khác với tinh thần nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ có 3 bảng lương).
Phương án 2: quy định phụ cấp nghề giáo viên là cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo và đặc thù nghề giáo.
Đồng tình cần có ưu tiên cho nhà giáo về lương, song các ý kiến thảo luận còn không ít băn khoăn với cả hai phương án này lẫn phương án của Chính phủ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, tiếp thu như Chính phủ là ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp… thì chả có gì là ưu tiên cả, mà phải sửa là nhà giáo được sắp xếp thang bảng lương ưu tiên.
Nhưng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lại cho rằng quy định như phương án của Chính phủ là hợp lý, tức là có ưu tiên, còn quy định trái với nghị quyết số 27 thì không nên.
Đồng tình không nên quy định bảng lương riêng cho nhà giáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, nghị quyết còn chưa ráo mực, mà tại đó chỉ quy định ba bảng lương.
Chủ tịch Quốc hội cũng không chọn phương án quy định phụ cấp nghề giáo viên là cao nhất nhưng đồng ý là có ưu đãi để thu hút nhân lực chất lượng cho ngành giáo dục.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh: có bảng lương riêng cho nhà giáo là trái nghị quyết của Trung ương.
Theo VnEconomy
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này