15:28 - 17/02/2017
Không có thực phẩm sạch, chỉ có thực phẩm tốt?
Phỏng vấn nhanh ba bạn trẻ về Hàng Việt sạch thời nay. Phạm Nhã, 30 tuổi, giáo viên mầm non. Lục Phạm Quỳnh Nhi, 26 tuổi, du học sinh ở Canada và Trần Anh, 15 tuổi, học sinh trường Ngô Tất Tố.
Phạm Nhã: Ăn sạch sống khoẻ
– Tôi muốn hỏi em quan niệm thế nào về “uống chín, ăn sạch”? Theo em trong thời buổi thực phẩm bẩn tràn lan thế này, ngay cả cái trứng mà em đang làm bánh, nó cũng không sạch vì con gà công nghiệp nó ăn thức biến đổi gen…, thì em làm thế nào?
– Em cũng không biết nên trả lời sao nữa khi mà bây giờ nói đến thực phẩm an toàn thiệt khó, nên giờ em đành nhắm mắt đưa chân dù sụt giảm lòng tin nhưng cũng ráng tìm những nơi uy tín để lựa chọn, trứng thì thường mua người quen nuôi tại nhà. Còn sữa và nước trái cây em đành cắn răng mua đồ ngoại ở An Nam Gourmet, thịt thì mua hàng quen của mẹ hoặc một số loại rau thì mua của Đà Lạt Gap. Dạo này em toàn mày mò tự nấu ở nhà là nhiều, hầu như rất ít đi ăn ngoài ngoại trừ ăn ốc. Do dạ dày em không tốt và thể trạng em yếu nên cũng kén ăn lắm. Bởi em không làm bánh bán là vậy, vì mua toàn nguyên liệu đắt tiền bán bao nhiêu cho vừa. Kể ra thiệt buồn.
Nhưng ở câu chuyện này, tôi muốn nói về miếng ăn thật sự rất cần thiết vì đó là sức khoẻ chứ không phải đơn giản là ăn để sống, ăn cho qua ngày… Em có nghĩ đến cha mẹ, hay người thân của mình khi em nấu cho họ ăn? Mỗi lần như vậy, em cầm giỏ đi chợ, em sẽ phải cân nhắc giữa thực phẩm sạch, mắc tiền với thực phẩm bẩn, rẻ tiền, trả giá nào cũng bán. Nhưng cũng tội người nông dân, vậy, nếu được chọn lựa, em sẽ chọn lựa môi trường sống thế nào? (có thể nói về… ước mơ của mình đấy!)
Em thích ở nơi yên bình và thân thiện lắm chị. Nhưng quả như chị nói, mình hoàn toàn không muốn rời bỏ quê hương, hoàn toàn không muốn chối bỏ những gì mà con người xung quanh gắn bó với cuộc sống của mình làm ra, nhưng để bảo vệ an toàn cho nhà mình thì đành phải chấp nhận thôi chị. Thật ra từ lâu em vẫn mong được đến Úc hoặc Canada làm việc, và khi có điều kiện sẽ đưa gia đình mình sang đó. Nhưng đúng là, không có ước mơ nào dễ dàng để hiện thực hết.
– Nói đi chỗ khác thì dễ rồi, nhưng còn những người ở lại chịu trận thì sao? Liệu em có nghĩ mình cần phải đấu tranh để được sống trong môi trường sạch không?
– Thường em cũng hay đi và viết Facebook nên cứ ghé chỗ nào và biết nơi đâu bán đồ không an toàn là em tẩy chay trước và tiện thể thông báo cho mọi người biết luôn. Em nghĩ đó là cách đơn giản nhất. Mà thật ra cũng không lường được nữa chị, vì em trai em ngày trước đã từng làm việc cho một tiệm ăn lớn mà khâu vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất ẹ.
Nhưng nếu có một cuộc tẩy chay diện rộng các công ty bất lương như vụ nước mắm hay trà xanh có ruồi em vẫn luôn sẵn sàng hô hào và ủng hộ. Mặc dù biết khi em tẩy chay như thế là đồng nghĩa với việc làm phật lòng phụ huynh em, vì họ đang làm ở đó.
Nhà em lâu nay không ăn cá biển, chỉ trừ lâu lâu có người quen nuôi đìa ngoài Cam Ranh đem mực vô cho thì ăn thôi, và cũng nghỉ ăn nước tương nước chấm công nghiệp rồi chị.
– Vậy theo em, bây giờ, người ta nên chuyển câu nói “ăn ngon, mặc đẹp” thành gì?
– Chắc thành ăn sạch sống khoẻ.
Trần Anh: Sự tin cậy là thương hiệu
– Bữa cơm ngon không thể thiếu người được. Cũng giống như người nhà, gặp nhau hoài có chán ai đâu, có khi cũng không để ý nữa. Nhưng mà tới khi vào một bữa cơm, thì người nhà lại không thể thiếu, lại giống y như cơm. Không có cơm, ăn gì cũng kêu mặn quá, chua quá, đắng quá, nói chung là miệng lưỡi có cảm giác không cân đối. Khiến cho bữa cơm mất ngon. Khiến một chén cơm thiếu người ăn. (đa nghĩa) “Thực phẩm sạch bây giờ đi về đâu?” – có người hỏi – xin thưa nó chẳng đi về đâu cả, bạn không bao giờ ăn thức ăn 100% sạch được. Thứ duy nhất bạn có thể làm để khiến một bữa cơm trở nên ngon lành hấp dẫn là sự chân thành của bạn gửi vào món ăn. Nấu cơm thiếu hoặc thừa nước, dở. Cá bỏ đông không làm nóng, dở. Canh thiu, dở. Thịt nướng bị khét, dở nốt! Nói chung, nó khiến bữa ăn mất ngon.
– Nhưng nếu mà thực phẩm bẩn (bị xịt thuốc sâu rầy quá nhiều) thì làm sao nấu cơm ngon?
– Theo em, trên đời không có thực phẩm sạch, chỉ có thực phẩm tốt, mà đi chợ đâu có ai cầm đồ ăn lên hít hà xem có sạch hay không.
– Nhưng cũng phải đủ trí để biết nguồn thực phẩm ấy từ đâu để còn mua về nấu cho nhà ăn chứ. Lỡ mua trúng thực phẩm nhiễm độc thì sao?
– Đó, nếu dùng kinh nghiệm để tin cậy một thương hiệu nào đó để mua thực phẩm, thì là một bước tránh xa độc hại.
– Vậy, theo em, người bán đáng tin cậy có được xem là một “thương hiệu” không? Ví dụ như người bán rau ngoài chợ, làm gì có đóng dấu thương hiệu?
– Sự tin cậy là thương hiệu của người ta rồi. Người ta ở đây cũng được xem kiểu như công ty thực phẩm một thành viên vậy.
– À, vậy nếu bị mất niềm tin thì coi như mất thương hiệu luôn chứ gì? Nhưng nếu đánh mất rồi thì liệu có xây dựng lại được không?
– Còn tuỳ thuộc vào khách hàng có muốn tin lại họ hay không.
Lục Phạm Quỳnh Nhi: Xây dựng cộng đồng chia sẻ
– Thấy em cũng là một tín đồ ăn uống nên muốn hỏi quan niệm của em về “thực phẩm bẩn” thế nào?
– Thực phẩm bẩn (TPB) một cách cảm tính thì em xem là thực phẩm được canh tác với nhiều chất hoá học/chất kích thích và không tuân thủ chu kỳ của sinh vật khi nuôi trồng. Thiệt ra thì nhiều bao nhiêu bản thân em cũng còn mông lung lắm. Do vậy mà em cứ mua thực phẩm có chứng nhận organic hoặc natural. Lúc ở Canada thì những tiêu chí này rất ổn nên em tự tin mua. Còn ở Việt Nam, ví dụ như VietGAP thì em vẫn cảm thấy đôi chỗ chưa rõ, với vài vụ scandal. Ngoài ra, TPB nếu là thực phẩm đã chế biến, theo em là những món tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh hoặc nếu sử dụng lâu sẽ gây bệnh.
– Em có ý định tìm thực phẩm sạch để ăn không và em làm thế nào để tìm nó?
– Dĩ nhiên là em muốn tìm thực phẩm sạch rồi ạ. Em tìm trên mạng hoặc thông qua các mối quan hệ. Hiện tại ở Việt Nam em biết bên Lương Nông, phiên chợ Xanh – Tử tế, Tuệ Viên, Xanh Shop và một số người quen bán nhỏ lẻ.
– Em còn niềm tin khi đi chợ không?
– Nói sao nhỉ, cứ cho là không vậy, trừ khi em được tận mắt chứng kiến hoặc có nguồn thông tin. Còn bình thường nếu mua của người quen thì vẫn là… nhắm mắt đưa chân.
– Những người trẻ như em, có hiến kế gì cho phía bà nội trợ hay các người bán hàng, nhà sản xuất để có thể “xây dựng lại lòng tin” để bữa cơm của mình ngon hơn, lành hơn và an toàn hơn?
– Em nghĩ cách có thể làm là xây dựng cộng đồng/diễn đàn để chia sẻ với nhau về thực phẩm sạch. Ngoài ra có thể làm cái app điện thoại chẳng hạn, cho khách review thực phẩm hoặc thông tin của người bán được công khai.
Hồ Trần thực hiện
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này