
09:43 - 09/01/2019
Khởi nghiệp xanh: rau quả sạch miền viễn biên
Vụ dưa lưới thứ 5 sắp thu hoạch, Nguyễn Thị Diệu Thu ở ấp Phú Hiệp, xã An Phú (Tịnh Biên, An Giang) trồng theo công nghệ Israel, sử dụng đèn LED điều chỉnh ánh sáng.
Diệu Thu đã đầu tư thêm một nhà kính 150m2 trồng rau xà lách giống Hà Lan được hơn tháng, phát triển tốt. Thu dự định sẽ bán dịp tết này.
Năm 2013, Diệu Thu vừa tốt nghiệp đại học ngành sư phạm mầm non trường đại học An Giang. Không đi theo nghiệp sư phạm, Thu chuyển hướng về quê làm nông nghiệp công nghệ cao. “Hoá chất độc hại vậy mà hàng ngày bà con phải mang bình ra đồng xịt lên rau quả, thấy ngán, nhưng làm gì để thuyết phục bà con mình?”, Thu cứ băn khoăn.
Đầu tiên, cô thử trồng rau không dùng thuốc. Nhưng gái 9X còn non kiến thức chuyên môn về nông nghiệp, lại muốn ứng dụng công nghệ cao, không biết làm sao cho “chuẩn”! Nghĩ vậy, cô làm thử 350m2 trồng dưa lưới theo công nghệ Israel, làm thêm 130m2 nhà kính trồng rau xà lách giống Hà Lan với kinh phí gần 500 triệu đồng.
“Quan trọng là quyết tâm, thiếu kiến thức thì cầu thầy, học bạn, sách vở”, Thu tươi cười nói tiếp: “Cái khó là làm sao đưa sản phẩm vào siêu thị và cửa hàng”. Và, Thu phải đi nhiều nơi để chào hàng, tự tạo lập mối quan hệ, tạo lòng tin từ người mua. Bằng quyết tâm miệt mài đó, vụ dưa đầu Thu lãi 10 triệu đồng, thành quả này càng khích lệ Thu thực hiện ước mơ làm nông sản tiêu chuẩn.
Với cây rau, sau nhiều ngày lang thang trên mạng, tình cờ xem một video người Hà Lan và một người Nhật hợp tác trồng rau trong container, gắn máy lạnh và sử dụng đèn LED chiếu sáng, hiểu được tác dụng… cô bắt đầu làm thử. Thu nói trồng rau nhà kính sử dụng đèn LED giúp rau hấp thụ và phát triển nhanh hơn. Ví dụ, đối với rau xà lách, nếu trồng trong nhà kính không có đèn LED với điều kiện và nhiệt độ bình thường, thì phải mất từ 70 – 80 ngày mới thu hoạch, còn gắn đèn LED rút ngắn xuống còn 55 – 60 ngày.
“Ưu điểm của đèn LED là mình chủ động được mọi thứ để điều chỉnh nhiệt độ”, Thu chia sẻ.
Nhà ở Tịnh Biên, cô gái 9X có thể bán rau qua bên kia biên giới, nhưng cô thích kéo du khách đến với điểm trồng rau đèn LED. Hoá ra lại hay, một ngày đẹp trời, đoàn du khách tới. Họ nói: “Giữa vùng viễn biên này sao lại có người làm nông nghiệp công nghệ cao, vậy phải tới xem cho biết!”
Kế đó là những nhóm học sinh, các bạn nhỏ tìm tới hỏi đủ điều và Thu dành nhiều thời gian giải thích cho các em hiểu, sau khi trải nghiệm trồng rau sạch ở đây, trở về nhà thuyết phục cha mẹbớt dần, tránh xa hoá chất.
Nguyễn Thị Diệu Thu đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tỉnh An Giang năm 2018, nói rằng các em thuyết phục để cha mẹ nói “không” với hoá chất càng tốt, vì đó là nguyên nhân gây hại sức khoẻ.
Thị trường thực phẩm hữu cơ – tiềm năng lớn
Theo báo cáo mới nhất của trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (bộ Công Thương), phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia. Cụ thể, thế giới hiện có 50,9 triệu ha được canh tác hữu cơ và tiềm năng thị trường lên tới 81,6 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam có 33/63 tỉnh, thành phố phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích đạt hơn 76.600ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ – lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam.
Trong vài năm trở lại đây, các sản phẩm hữu cơ đang tạo nên cơn sốt đối với một bộ phận người tiêu dùng. Theo một báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng do Nielsen thực hiện, 37% người tiêu dùng Việt nói rằng sức khoẻlà mối bận tâm lớn nhất của họ.
bài, ảnh Ngọc Thảo (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này