
10:19 - 23/12/2019
Khởi nghiệp với khô cá an toàn thực phẩm
Dương Thị Hồng Chuyên, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, đang từng bước xây dựng quy trình sản xuất sạch, qua đó vững bước xây dựng thương hiệu khô Ba Khía.
Sau hai năm khởi nghiệp, cô gái sinh năm 1986 này tận dụng khá tốt nguồn tài nguyên cá tự nhiên từ dòng MeKong mang đến, tạo nét riêng cho khô Ba Khía, có tính an toàn thực phẩm cao.
Khô cá có sở hữu trí tuệ
Là huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, giáp Campuchia, Tân Hồng hàng năm chịu sự ảnh hưởng của lũ lụt, nhưng cũng đón nhận nguồn thuỷ sản dồi dào từ dòng Mekong. Nhiều loại như cá lóc, cá trê, cá chốt, lươn, chạch, cá cơm, rô phi… đổ về địa phương này mỗi khi con nước về. Dựa vào nguồn tài nguyên này, năm 2017, Dương Thị Hồng Chuyên, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, cùng cộng sự đã khởi nghiệp với nghề sản xuất khô cá các loại. Mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, áp dụng kỹ thuật vào trong sản xuất, Hồng Chuyên đã tạo ra những sản phẩm khô cá các loại nhằm gia tăng giá trị.
Có dịp mục sở thị cơ sở sản xuất khô cá của Chuyên trong một ngày cuối tháng 11 vừa qua, sau khi cô gái này trở về từ chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới thanh niên nông thôn 2019, chúng tôi nhận thấy so với các hộ dân làm khô cá dọc các tuyến đường ở huyện Hồng Ngự hay cả ở Tân Hồng, thì cơ sở này đạt được độ tin cậy lớn. Chuyên sử dụng nhà màng rộng chừng 40m2, trên các giàn phơi là nhiều loại cá lóc, rô phi, cá chốt bông, cá chạch. Hồng Chuyên cùng bốn phụ nữ khác của cơ sở đang chăm chú vào công việc phơi và lựa cá, cho biết những năm qua, nguồn cá tự nhiên có nhiều nên giá rẻ. Dân sử dụng không hết nên chuyển sang làm mắm, thức ăn cho các hộ chăn nuôi cá, ba ba, lươn. Nhiều hộ đem phơi khô để bán, tuy nhiên vấn đề vệ sinh là điều đáng lo ngại bởi mùi cá tanh, dễ thu hút ruồi, nhặng. Ở các huyện lân cận, người ta còn làm khô cá nhiều, nhưng đa số phơi ngoài trời, dễ nhiễm vi khuẩn.
Còn với cơ sở của Chuyên, nguyên tắc đầu tiên là phải đảm bảo được về an toàn thực phẩm (ATTP). Do đó, Chuyên quyết định đầu tư nhà màng để ngăn bụi bẩn, ruồi nhặng xâm nhập. Từ cách làm bài bản này, cơ sở khô cá của Chuyên được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất được nguồn gốc. Bên cạnh đó, các loại khô được đưa đi kiểm nghiệm tại một số cơ quan chức năng và kết quả đạt được đều an toàn. Hiện sản phẩm, thương hiệu của cơ sở khô Ba Khía đã đăng ký sở hữu trí tuệ…
Khát vọng khởi nghiệp mãnh liệt, sau nhiều lần thử nghiệm về tẩm, ướp nhưng thất bại, nhóm của Hồng Chuyên rút ra những kinh nghiệm trong quy trình chế biến. Nhờ thêm bí quyết được truyền lại từ mẹ, những người thực hiện dự án khô cá với thương hiệu Khô Ba Khía tìm ra được công thức tẩm ướp riêng. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, tạo thêm động lực để Hồng Chuyên, người đang làm việc tại hội Nông dân Việt Nam huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, đam mê và dấn thân sâu hơn vào con đường khởi nghiệp, lập thân lập nghiệp.
Kỹ lưỡng trong chế biến
Chứng kiến trực tiếp quy trình sản xuất cá tại cơ sở này, điều dễ nhận ra là các khâu sản xuất đều được làm tỉ mỉ, cầu kỳ. Cá được làm sạch vảy bằng máy. Công nhân vệ sinh lại cá bằng nước sạch và loại bỏ đầu, nội tạng rồi phi lê theo chiều dọc. Sau khi sơ chế, cá được tẩm ướp gia vị trong nhiều giờ, mục đích như Chuyên giới thiệu nhằm để gia vị thẩm thấu vào thớ cá trước khi đem phơi khô từ 1 – 3 ngày. Khi kiểm tra thấy cá khô đã đủ nắng, công nhân đưa vào kho đóng gói hút chân không, cho phép kéo dài thời gian bảo quản.
“Khô Ba Khía quy định cá nguyên liệu phải tươi sống, riêng khâu sơ chế cần phải đảm bảo sạch sẽ, kể cả khu vực làm việc và môi trường xung quanh”, Chuyên quả quyết. Để khách hàng tin tưởng, Ba Khía tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản tẩm ướp cá. Cá được ướp vị vừa ăn, không mặn nên được nhiều người thích. Để có được điều này, theo Chuyên, cô có bí quyết riêng tạo gia vị, kỹ lưỡng trong sản xuất, xử lý mùi vị phù hợp. Để chứng minh, Hồng Chuyên tự tay chiên một số loại cá để khách thưởng thức. Quả thực, khi ăn miếng khô cá lóc, cá chạch hay cá chốt, khách cảm nhận được sự giòn, dai và không quá mặn so với các loại khô thường bán ở các chợ, siêu thị. Vị ngọt của cá, thêm vào đó là vị cay, thơm nồng từ nhiều loại gia vị, thêm miếng khổ qua muối chua ngọt, cảm giác thật khó cưỡng lại.
Dự án tạo việc làm cho nhiều người
Trong câu chuyện khởi nghiệp của người phụ nữ sinh năm 1986, chúng tôi không khỏi thắc mắc lấy đâu ra nhiều cá thiên nhiên để người người làm khô, nhà nhà làm khô. Như hiểu được ý, người phụ nữ có hai con này không ngại bộc bạch rằng, cá thiên nhiên có hạn và thường khai thác chủ yếu theo mùa. Do vậy, những người làm khô cá như cô phải tìm cách để có nguồn nguyên liệu sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Giải pháp tốt nhất và xem như duy nhất là tự nuôi một số loài cá như lóc, rô phi, trê… Anh Đoàn Văn Cường, chồng của Hồng Chuyên, người đang làm việc tại UBND xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, thêm vào: xác định khô là mặt hàng dễ bị cạnh tranh, vì vậy sản phẩm không chỉ có công thức tẩm ướp tốt, mà nguyên liệu đầu vào cũng phải đảm bảo. Anh Cường thiệt thà: chúng tôi sử dụng nhiều loại cá nguyên liệu được lấy từ nguồn gây nuôi của gia đình. Chúng được nuôi theo kiểu tận dụng phế phẩm cá như đầu, ruột, vây, đuôi để nghiền bột và trộn lẫn với nhiều loại phế phẩm nông nghiệp, như cám gạo, muối và chế biến thành thức ăn nuôi. Phụ phẩm của loại cá này sẽ là nguồn thức ăn của các loại cá khác. Ngoài ra, một nguồn nguyên liệu khác được lấy từ sáu hộ dân liên kết. Đây đều là những người bà con, anh em trong làng nuôi cá và phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, nguồn thức ăn của cơ sở, qua đó mình đảm bảo được chất lượng đầu vào.
Tính đến nay, sau hai năm khởi nghiệp, việc sản xuất, kinh doanh của khô Ba Khía đã ổn định. Mỗi tháng, cơ sở này sản xuất, cung cấp cho thị trường trên 1 tấn khô các loại, tương đương khoảng 5 tấn nguyên liệu. Những tháng cuối năm này, đơn hàng tăng gấp đôi so với ngày thường. Sản phẩm được đóng gói theo nhiều kích cỡ, tạo được sự tiện lợi cho người tiêu dùng khi sử dụng hay làm quà tặng. Các sản phẩm chủ lực của cơ sở này là khô cá lóc và khô cá chốt bo bông và sáu loại cá khác, như: trê, chạch, rô phi… Mới đây, Hồng Chuyên còn phát triển thêm một số loại sản phẩm ăn liền như khô cá lóc rim me, cá chốt rim nước mắm, ba khía trộn, nhái rim…
Không chỉ tạo ra được sản phẩm đảm bảo chất lượng cho thị trường, việc khởi nghiệp của Dương Thị Hồng Chuyên còn góp phần tạo việc làm ổn định cho mười lao động và hàng chục lao động thời vụ, giúp họ có được thu nhập ổn định.
bài và ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này