13:28 - 05/09/2019
Khởi nghiệp 3 năm ‘ẵm’ danh hiệu HVNCLC
Bánh, trà chùm ngây Vườn nhà mình – sản phẩm mới khởi nghiệp được 3 năm, nhưng đã đạt danh hiệu HVNCLC.
Đâu là chìa khoá để Phạm Ngọc Anh Tuấn (Long An), chủ sản phẩm chùm ngây Vườn nhà mình chinh phục khách hàng?
Phạm Ngọc Anh Tuấn từng có thời gian làm kỹ sư cho một số công ty thuỷ sản ở Nha Trang. Cây chùm ngây mọc ở vùng đất này khá nhiều, Tuấn từng được ăn lá chùm ngây nấu canh, uống trà chùm ngây, nên năm 2016, anh trở về quê ở Mỹ Bình, Tân Trụ, Long An, quyết tâm trồng chùm ngây. Ban đầu, Tuấn trồng 1.000 m2 chùm ngây ngay tại vườn, mục đích chỉ là lấy lá bán cho người dân nấu canh, giá trị cây chùm ngây mang lại không cao, nên Tuấn nghĩ ngay đến việc tăng thêm giá trị. Và, chàng trai sinh năm 1981 này đã biến những lá chùm ngây tươi thành ra các sản phẩm trà lá khô, trà túi lọc, bánh và bột chùm ngây, và mới nhất là dầu ăn và tinh dầu dưỡng da, làm đẹp.
Bộ sưu tập sản phẩm chùm ngây của Tuấn tăng dần theo thời gian anh khởi nghiệp, nên diện tích phải mở rộng lên 3.000m2 và hợp tác với người dân trồng thêm hàng chục ha mới có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất. Chính bản thân Tuấn cũng bất ngờ khi sản phẩm chùm ngây từ chỗ chỉ lấy lá ăn tươi, nay từng bước được thương mại hoá với nhiều sản phẩm. Đây hoàn toàn là điểm khác biệt, bởi trong khi nhiều doanh nghiệp hoạt động hàng chục năm vẫn chưa đạt được chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) do người tiêu dùng bình chọn, còn Tuấn, chỉ mới chập chững ba năm đã đạt được danh hiệu này (2019).
“Cây chùm ngây sống ngoài tự nhiên, không cần nhiều nước, không sâu bệnh.Vì vậy, chùm ngây từ khi mình trồng cho đến khi chế biến ra sản phẩm hoàn toàn tự nhiên”, Tuấn nêu một lý do quan trọng giúp sản phẩm chùm ngây Vườn nhà mình lấy được danh hiệu HVNCLC.
Theo Tuấn, để có nguồn nguyên liệu chùm ngây tự nhiên, anh tận dụng lục bình trên các kênh rạch gần nhà, cũng như rơm rạ của bà con nông dân ở khu vực lân cận rồi tự ủ thành phân hữu cơ bón cho cây. Ngoài ra, Tuấn còn dùng lục bình, rơm rạ kết hợp với phân bò để sản xuất ra chế phẩm vi sinh trichoderma, cung cấp dưỡng chất để cây phát triển tốt.
Có được sản phẩm chùm ngây đáp ứng tiêu chuẩn an toàn do bộ Y tế cấp chưa đủ, Tuấn cho rằng đạt danh hiệu HVNCLC còn do anh và đội ngũ nhân viên đã nỗ lực tìm cách phát triển thị trường. Tuấn tham gia hầu hết các Phiên chợ Xanh – Tử tế vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tại TP.HCM. Ở đó, người tiêu dùng dễ bắt gặp hình ảnh “chàng trai chùm ngây” với dáng người gầy, miệng luôn nở nụ cười khi tư vấn, giới thiệu hay mời khách dùng thử sản phẩm. Không những thế, gian hàng chùm ngây Vườn nhà mình của Tuấn còn thường xuyên có mặt tại các sự kiện xúc tiến thương mại, các hội chợ về nông sản tại nhiều tỉnh, thành…
Tuấn cầm tinh tuổi con gà, được mọi người đánh giá là người hiền lành, chăm chỉ. Tuấn đã xác định khởi nghiệp là phải làm sản phẩm chùm ngây thân thiện môi trường. Có thể, từ tấm lòng chân thành, Tuấn đã nhận được sự yêu mến của cộng đồng người tiêu dùng, để hôm nay, tuy vẫn tự nhận là “quy mô sản xuất còn khiêm tốn”, nhưng nhìn vào thị trường phân phối mở rộng ra mười tỉnh, thành như: TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Thuận, Hà Nội và một số tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long…, thấy thành công của Tuấn không nhỏ như bạn nói.
Tuấn tiết lộ tiếp tục hợp tác với nhiều nông dân ở Long An để mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư thêm cối nghiền để sản xuất thêm nhiều bột chùm ngây siêu mịn, bởi bột siêu mịn sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng, dễ sử dụng, dễ đa dạng hoá sản phẩm cho Tuấn.
bài và ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này