
15:45 - 09/09/2018
Khi ‘ông chủ’ xe buýt… chê tiền
Chắc chắn là có chuyện gì đó rất “mờ ảo” trong câu chuyện đấu thầu quảng cáo trên xe buýt.
Bởi ai cũng biết, quảng cáo trên xe buýt có rất nhiều ưu thế, nhưng ba lần đưa ra đều thất bại là chuyện khó tin…
Chê tiền hết lần này đến lần khác
Ngày 18/7/2018, sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM tổ chức đợt đấu giá lần 3 quảng cáo trên xe buýt và tiếp tục thất bại, vì không doanh nghiệp nào tham gia. Cách đây tròn năm, ngày 12/9/2017, sở GTVT TP.HCM cũng tiến hành thông báo phát hồ sơ đấu giá 2.082 xe buýt, chia thành bốn gói thầu trong thời hạn ba năm, với tổng giá trị 700 tỷ đồng thông qua trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM. Kết quả cũng chỉ có một doanh nghiệp tham gia đấu thầu và trúng thầu.
“Ở thời điểm này, thị trường quảng cáo xe buýt ở Hà Nội cũng hấp dẫn không kém TP.HCM, nhưng giá chỉ bằng 1/5 – 1/4 so với mức giá của thành phố đưa ra. Do đó, mức giá mà sở GTVT TP.HCM đưa ra chẳng khác nào đẩy nhà đầu tư ra, không cần đến số tiền quảng cáo đem về nữa”, ông Thoả, giám đốc công ty quảng cáo ở quận Bình Tân, phân tích.
Cách đây gần chục năm, các tỉnh, thành như Đồng Nai và Hà Nội biết cách kiếm tiền quảng cáo trên xe buýt. Còn TP.HCM thì ngược lại, liên tục… bàn ra, vì cho rằng quảng cáo trên xe buýt gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, sau này nhìn thấy các địa phương thu tiền hiệu quả thì TP.HCM mới cho phép quảng cáo trên xe buýt, nhưng cách chào giá lại khiến dư luận nghi ngờ.
Trả lời báo chí, lãnh đạo trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (sở GTVT TP.HCM) cho rằng mọi thủ tục đấu giá được chuẩn bị bài bản, đơn giá được lấy ý kiến ở nhiều nơi mới niêm yết chính thức. Đặc biệt, lãnh đạo trung tâm này nói giá càng cao ngân sách càng lợi, nhưng kết quả thì… ai cũng đã biết. Doanh nghiệp bỏ chạy hết. Dự kiến sẽ có thêm một cuộc đấu giá nữa trong tháng 9 tới, nhưng điều doanh nghiệp cần là giảm giá lại không hề đề cập đến.
“Ai cũng biết giá càng cao thì ngân sách càng có lợi, nhưng một năm qua có đến 1.570 xe buýt chưa được mang quảng cáo, đã gây lãng phí rất lớn”, ông Thoả hồ nghi.
Tiếp tục thất bại nếu không thay đổi
Theo các doanh nghiệp quảng cáo, việc sở GTVT TP.HCM quyết “giữ giá” quảng cáo chắc chắn sẽ đẩy cuộc đấu thầu quảng cáo trên xe buýt lần thứ 4 vào thế thất bại. Các chuyên gia cảnh báo nếu tiếp thất bại sẽ phải chỉ định thầu, hoặc sẽ bị thâu tóm bởi doanh nghiệp nước ngoài với đồng vốn luôn mạnh hơn trong nước. Việc chỉ định thầu hay doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thì cũng đều bất lợi. Đó là độc quyền quảng cáo trên xe buýt. Đó là nhập nhằng trong giá cả thầu. Nếu thực tế xảy ra như vậy thì vô cùng rối cho công tác quản lý cũng như cho các doanh nghiệp trong nước, muốn quảng cáo hình ảnh sản phẩm của mình trên xe buýt.
Để việc quảng cáo trên xe buýt sớm thu được tiền về cho ngân sách, nhằm bù đắp lại số tiền cả ngàn tỷ đồng/năm mà ngân sách bỏ ra trợ giá cho xe buýt, việc đầu tiên phải tính toán lại giá thầu dựa trên tính toán lại mức độ hiệu quả. Ở từng gói thầu, từng tuyến xe…, sẽ có những tác dụng khác nhau nên cần những số liệu cụ thể, như lượng khách trên tuyến trung bình bao nhiêu, những người thường xuyên sử dụng thuộc đối tượng nào… Từ đó, doanh nghiệp mới có thể đánh giá, xác định từng nhóm đối tượng và sự tác động của quảng cáo đến những nhóm đối tượng này. Còn nếu chia theo gói thầu lớn, nhỏ như hiện tại chỉ là mặt kỹ thuật, khó thu hút được nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Lê Trung Tính, (người đầu tiên làm đề án quảng cáo trên xe buýt TP.HCM – hiện là chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM) cho rằng để thu hút doanh nghiệp tham gia quảng cáo, đơn vị cung cấp dịch vụ phải xem xét lại các điều kiện đưa ra để phù hợp với thực tế, không thể áp dụng như trước. Theo đó, các gói thầu quảng cáo nên chia theo thị phần và đối tượng khách, tương đương với mức giá của mỗi gói thầu để doanh nghiệp lựa chọn.
Giang Thanh – Minh Anh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này