
15:51 - 18/08/2016
Ireland: Quốc gia khởi nghiệp kỳ thú
Công thức khởi nghiệp của Ireland là tạo ra một công ăn việc làm nào đó, thu hút khoảng từ 10 người trở lên và tạo ra doanh thu khoảng 1 triệu USD một năm.

Công thức khởi nghiệp của Ireland là tạo ra một công ăn việc làm nào đó, thu hút khoảng từ 10 người trở lên và tạo ra doanh thu khoảng 1 triệu USD một năm.
Sữa bò, con cừu vẫn là những biểu tượng của Ireland. Ngành len Ireland đứng số một thế giới. Nhà nước coi chuyện tạo ra công ăn việc làm cho người dân và sự bền vững là chuyện quan trọng nhất, với triết lý làm nông nghiệp “khác người”… Đó là nhận định của ông Trần Vũ Nguyên, thành viên ban điều hành LBC, trong buổi ăn trưa và làm việc mới đây tại TPHCM.
Quốc gia khởi nghiệp kỳ thú
“Lượng sữa mà một con bò ở Ireland sản xuất ra chỉ bằng một nửa lượng sữa so với một con bò ở Việt Nam, nhưng nhưng giá bán gấp ba lần. Bò nuôi thả rong trên đồng cỏ như những vật nuôi trong nhà. Nhiều người nói bò Ireland là con bò hạnh phúc. Tôi không biết có đúng không, nhưng rõ ràng những người chủ trang trại là người hạnh phúc”, ông Nguyên cho biết.
Theo ông Nguyên, Ireland đã từng đối diện với nạn di dân, đất đai bị bỏ hoang và lương thực thực phẩm bị phụ thuộc vào nước ngoài. Sau đó chính phủ nước này mới khuyến khích người dân quay trở lại với sản xuất nông nghiệp gia đình, coi đấy là lưới bảo vệ cho đất nước thoát khỏi lệ thuộc và mất đất.
Trung bình mỗi hộ gia đình được giao khoảng 32 ha. Họ quan tâm đến chất lượng chứ không phải là sản lượng.
Công thức khởi nghiệp của Ireland là tạo ra một công ăn việc làm nào đó, thu hút khoảng từ 10 người trở lên và tạo ra doanh thu khoảng 1 triệu USD một năm.
“Đó là lối tư duy khởi nghiệp rất ngạc nhiên và rất gần với Việt Nam”, ông Nguyên nhận định.
Ông Nguyên kể, trên đường từ sân bay vào thành phố, ông nhìn thấy quảng cáo tràn ngập là những giải thưởng dành cho người khởi nghiệp. Dù là nước nhỏ, nhưng 99% gia đình có người thân ở Mỹ. Quan hệ giữa Ireland và Mỹ rất đặc biệt và người Mỹ đầu tư vào đây rất lớn.
Câu chuyện thú vị khác là Ireland đã ký một hiệp ước nhận con nuôi với Việt Nam. Một trong những hoạt động chính của sinh viên Việt Nam ở Ireland là dạy tiếng Việt cho những đứa con nuôi Việt Nam ở đây.
Chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi, người tham dự trong buổi Ăn trưa Làm việc của LBC, cho biết thêm: “Ireland là đất nước của văn học. Nhiều nhà văn đoạt giải nobel văn chương là người Ireland. Trong quá trình tôi làm việc ở London, Chicago, New York, tôi gặp rất nhiều bạn bè từ Ireland. Có lẽ nhờ tâm hồn văn học đã giúp họ bắt nhịp rất nhanh với cuộc sống Mỹ, London. Họ diễn đạt một kế hoạch kinh doanh rất thú vị, dẫn dắt kinh doanh đi sâu hơn vào tính hiệu quả một cách đầy hứng thú”.
Và nỗi lo giữa muôn trùng vây thực phẩm bẩn của Việt Nam
Những điều kỳ thú từ quốc gia khởi nghiệp kỳ lạ Ireland, nhất là vấn đề nông nghiệp sạch, khiến cho không ít người lo lắng cho quốc gia khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt đang sống giữa một nền nông nghiệp bẩn.
Ông Nguyễn Thế Khải, Giám đốc công ty du lịch Hoàn Mỹ chia sẻ: “Điều tôi vô cùng lo ngại là làm sao biết được ở Việt Nam nơi nào có rau sạch để mua? Tôi thích ăn đậu bắp sống, nhưng rất ngại không biết có an toàn không? Làm thế nào để biết được trái cà chua sạch, ổ hoa sạch?”
Anh Nguyễn Duy Long, một chuyên gia của BSA có 20 năm kinh nghiệm về thuốc trừ sâu và an toàn thực phẩm cho biết: “Nếu không biết nguồn gốc sản xuất thế nào thì không thể biết được đó là sạch hay không. Khổ qua dân thường thuê đất để trồng, một đến hai ngày phải thu hoạch một lần, để muộn một ngày trái sẽ bị già. Thành ra nếu bị sâu phải xịt thuốc. Nếu bán thì sau 7 ngày mới được ăn. Dưa leo và cà chua là hai loại trái cây chúng tôi thường tránh, vì ăn sống rất dễ bị nhiễm độc”.
“Nhiều người cho rằng rau trái xấu, đèo, có sâu ăn thường an toàn hơn là sai, vì trái to hay trái nhỏ còn phụ thuộc vào giống nữa. Không bón thuốc, tưới nước sạch mà không có nhà lưới phía trên cũng không an toàn, vì sâu rầy có thể xâm nhập bất cứ lúc nào. Thuộc diệt cỏ còn độc hơn thuốc trừ sâu nhiều”
Ông Nguyên cũng đã sống ở Hội An một thời gian dài, cho biết ngày xưa người nông dân Hội An còn không dám cắt rau vì sợ nhiễm độc, phải thuê mướn người khác, còn bây giờ họ chuyển dần sang trồng rau hữu cơ vì…khỏe hơn.
“Cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm của Masanobu Fukuoka chủ trương thuận theo tự nhiên, mùa nào thúc nấy, vùng nào cây ấy, ông tạo ra một nông nghiệp “ không làm gì cả”. Tôi cũng đã tự trồng rau để ăn theo cach của ông, trồng cây cà chua ra 5 trái thì chim ăn một trái, sâu ăn hai trái, còn hai trái mình ăn… Như thế bảo đảm an toàn”
Ông Long cảnh báo: “ Nếu cả Hội An làm thế thì không sao, nhưng nếu mình làm mà cả vùng không làm theo thì sâu sẽ lan sang bên mình”.
Lý do, theo ông Long, trước đây, cây lúa nổi mùa nước lũ một đêm có thể cao 1 đến 2 tấc, sức tồn tại trong tự nhiên rất mãnh liệt, nhưng ngày nay ít ai tin vào tự nhiên, con người đã can thiệp quá nhiều vào môi trường bởi các loại phân hóa học. Trồng thủy canh hay trồng đất an toàn hay không là do người trồng. Nếu dưới đất kiểm soát được mà phía trên không kiểm soát được thì cũng không an toàn.
“Có những dịch hại di trú rất mạnh, như rầy nâu có thể di trú từ Philippines tới Việt Nam nếu gặp gió thuận lợi. Vừa rồi tôi có đi hội chợ về thực phẩm, thấy nhiều nhất các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Để ý ăn bánh kẹo Nhật, Hàn Quốc thấy rất ngon, tinh tế. Trong hội chợ đó có rất nhiều loại bánh từ gạo rất ngon.”.
Theo ông Long, hiện tổng thị trường nhập thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam khoảng 1 tỷ USD. Theo ông, nếu nông nghiệp có thêm nhiều sản phẩm chế biến từ hạt gạo thì sẽ mở rộng thị trường, giúp tăng giá trị thành quả bà con nông dân.
“Nhưng mỗi hộ nông dân Ireland được sở hữu 32 ha, còn trung bình một hộ trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long là 0,8 ha. Còn khu vực cao nguyên miền Trung, với cây công nghiệp, là 2 ha, đó cũng là lực cản rất lớn để làm nông nghiệp thông minh”, ông Long nói.
Kim Yến
Theo BSA.org.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này