12:31 - 30/09/2016
Học tiếng gì? Để làm gì?
Câu chuyện học sinh được chọn lựa hay bị bắt buộc phải học thêm hai ngoại ngữ Trung, Nga trở nên nóng trong tuần.
Trao đổi với phóng viên báo TGTT, ông Phạm Hoàng Quân nói: “Có hai lý do: học để biết chữ, và học để ứng dụng. Nhưng ứng dụng vào việc gì là tuỳ theo từng người. Học tiếng Hán có khó không? Quan trọng là phổ cập để làm gì. Nếu 100 học sinh được học chỉ có hai em sử dụng thì có… phí không?
“Khả năng ứng dụng nó như thế nào khi phải chi một số tiền lớn vào việc phổ cập một ngôn ngữ mà sau này biết người ta có sử dụng? Nghiên cứu về việc phổ cập này tới đâu? Công bố ở đâu? Tiêu tiền vào việc đó có xứng đáng hay không? Nếu phổ cập mà không tốn tiền thì ai cũng hoan hô. Nếu thật sự phổ cập thì số tiền mấy chục ngàn tỉ ấy thật sự không hiệu quả”.
Câu chuyện học sinh được chọn lựa hay bị bắt buộc phải học thêm hai ngoại ngữ Trung, Nga trở nên nóng trong tuần. Đã có rất nhiều những ý kiến khác nhau, nhưng chung quy lại, mọi người đều cho rằng có thể ứng dụng cho việc học ngoại ngữ để làm gì còn phụ thuộc vào căn tính của dân tộc.
Cho dù giáo viên thật giỏi mà học trò không chịu học thì cũng vô nghĩa, huống chi hiện nay việc đào tạo giáo viên sư phạm đang ở giai đoạn: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, nghĩa là học tầm tầm bậc trung hay bí quá thì mới đi học… làm thầy. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao dân trí.
Dù đầu tư giáo trình rất hay, nhưng bản thân người Việt không coi trọng giáo dục, coi trọng việc học cho đàng hoàng, nghiêm túc mà chỉ coi đó là học cho xong, cho bằng người chứ không phải thực học.
Người viết bài này thì cho rằng điều cần thiết nhất bây giờ, đi từ gốc là trước tiên phải coi dân mình sử dụng tiếng Việt rành chưa?
Ngay cả giáo viên dạy văn, mà cuốn từ điển tiếng Việt trong nhà họ có hay không, chỉ cần một cuộc điều tra là biết ngay thật sự người dân Việt có quý trọng ngôn ngữ của mình hay không, nói chi đến học ngoại ngữ.
Quan trọng nhất vẫn là thực học. Dưới đây là ý kiến một số doanh nhân do TGTT ghi lại.
Ông Hồ Viết Lý, GĐ công ty lụa Toàn Thịnh
Cái truyền thống từ hồi nào tới giờ là tiếng Anh và tiếng Pháp, hồi xưa mình học cũng vậy. Tiếng Trung dành cho người đi vào chuyên môn để nghiên cứu, khoa học… hoặc những người chọn tiếng Nga là hồi mới thống nhất. Sau này không có nguồn đào tạo.
Người trẻ nên chọn tiếng Anh nó phù hợp với công cuộc đổi mới, nhất là công nghệ đổi mới. Xu hướng phát triển trên toàn thế giới vẫn là tiếng Anh, còn tiếng mẹ đẻ là đương nhiên. Gia đình truyền thống cũng chọn ngoại ngữ cho họ. Hay theo thời cuộc bây giờ họ còn chọn theo hướng tiếng Hàn và Nhật.
Hiện nay, ngay cả con cháu mình vẫn chọn tiếng Anh, ngay cả tôi già rồi, mà được chọn vẫn chọn tiếng Anh. Tôi còn nhớ rõ hồi đó mình học tới cuốn 5 sách English For Today (cuốn 6 là hết)… và tới giờ vẫn giao tiếp được. Ngay cả khi nghiên cứu về tơ lụa tôi sử dụng tiếng Anh rất nhiều. Còn chuyện thế hệ Việt trẻ bây giờ không bản sắc, mình nghĩ do nhiều thứ chứ không phải là vì chuyện không học tiếng Hán.
Chúng ta từng có những thế hệ Nho học cực uyên thâm mà vẫn mất nước. Và nhiều bậc thức giả thời Pháp học của Việt Nam, họ học tiếng Pháp học văn hoá Pháp, nhưng vẫn là những con người tràn đầy tinh thần dân tộc nhất mà mình từng biết.
Ông Đặng Trung, TGĐ Euro Light
Tôi đã từng được đào tạo ở Đông Âu về nhưng tôi vẫn phản đối học tiếng Nga, vì trong tình hình hiện nay theo tôi là không cần thiết. Còn tiếng Anh thì lại rất cần thiết. Cứ bắt học ngôn ngữ này kia, ai thích học ngoại ngữ nào, khuyến khích ba, bốn ngoại ngữ càng tốt.
Hiện nay áp lực học sinh đang bị đè nặng nhiều quá, giáo dục Việt Nam quá nhiều, học sinh thì học tiếng Anh chưa đâu vào đâu, mà còn đòi học tiếng này tiếng kia.
Tốt nhất là không bắt ép mà nên để cho học sinh được quyền lựa chọn, có đứa có khả năng học bốn, năm ngoại ngữ, nhưng cũng có học sinh chỉ cần học một thứ tiếng nó thích cũng hay rồi.
Ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập viên Elite PR School
Ý tưởng của bộ phổ cập nhiều loại ngoại ngữ là một việc tốt. Nhưng việc tốt có làm được hay không thì phải bàn cụ thể. Chuyện học ngoại ngữ của tôi 20 năm về trước là: năm cấp 2 học tiếng Nga, cấp 3 học tiếng Pháp, cả lớp có hai đứa học. Nhưng bây giờ thì sử dụng chính là tiếng Anh, còn tiếng Trung thì tôi không học vì lúc đó có tâm lý ghét Trung Quốc.
Hiện nay, ở góc độ kinh tế, trả lời câu hỏi: có cần học tiếng Trung, Nga không? Tôi thấy là cần thiết vì chỉ một, hai năm nữa, Trung Quốc là cường quốc kinh tế rất gần với chúng ta, lại nhiều mối giao thương hơn, và vì thế học tiếng của họ là cần thiết.
Còn Nga là một cường quốc văn hoá, do thị trường của họ cũng mở rộng, cơ hội mở thị trường lớn. Tương tự tiếng Pháp, là nước có giao thương văn hoá, lịch sử rất lâu. Tiếng Anh thì không thể phủ nhận. Tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn… đều có tương lai. Về lâu dài theo tôi sau này còn nên học tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vì đó là thị trường cực kỳ lớn.
Nhưng theo tôi ít nhất trong năm năm nữa, bộ Gíao dục nên tập trung vào tiếng Anh cho tốt, coi đó là ngoại ngữ thứ nhất, vì đó là một động lực phát triển kinh tế toàn diện ở Việt Nam.
Còn những tiếng khác tuỳ vùng có thể chọn. Tôi ví dụ như ở Vũng Tàu, nên cho học sinh có quyền chọn tiếng Nga vì vùng đó chủ yếu là kinh tế Nga.
Thứ hai, chỉ cần làm bài toán đơn giản. Hiện nay, nếu phổ cập nhiều ngoại ngữ ở các trường là không khả thi, lấy đâu người dạy, 63 tỉnh/thành nhân lên, mỗi tỉnh có 63.000 người nói và học tiếng Trung thành thạo để còn đào tạo thì cần bao nhiêu giáo viên để đào tạo 63.000 người đó? Rồi chưa kể cơ sở vật chất.
Nhìn góc độ truyền thông, từ trước đến nay, bất kể một dự án nào cũng chưa bao giờ chuẩn bị cho cách truyền thông. Tối thiểu là biết đối thoại với người dân, với các nhà khoa học. Giáo dục là trồng người chứ đâu phải đơn giản là trồng cái cây như nôm na hiểu mà được.
Nếu bộ cứ bắt buộc, không cho học sinh lựa chọn thì giáo dục Việt Nam coi như bị kéo lùi sau 30 năm. Nếu làm việc này, khi học được ngoại ngữ này, thì chỉ cần chứng minh cho người Việt nếu họ học ngoại ngữ này thì họ sẽ kiếm được tiền. Nhu cầu của thị trường chứng minh cho hiệu quả giáo dục.
Người học được quyền lựa chọn theo đúng môi trường sống của họ. Theo tôi chỉ cần lập 63 trung tâm dạy ngoại ngữ ở 63 tỉnh/thành cho người dân họ lựa chọn ngoại ngữ họ cần, điều này khả thi hơn, vì ngoại ngữ chỉ đơn giản là một công cụ giúp cho kỹ năng sống và làm việc cho người dân.
Bà Nguyễn Thuý Uyên Phương – hiệu trưởng Trường kỹ năng sống Tomato
Tôi thấy cái việc đưa ra nhiều ngôn ngữ khác nhau thì không có gì sai trái. Tiếng Anh là quan trọng nhất vì đó là những nước có nền kinh tế chi phối. Trong tương lai, nếu có một nền kinh tế mới nổi lên, ta có học ngôn ngữ họ để hoà nhập thì cũng là xu hướng.
Hay việc học các thứ tiếng, đưa vào học sinh cũng tốt, nhưng điểm cần lưu ý, nếu đưa theo dạng nhân rộng, bắt buộc thì cân nhắc việc áp dụng trên diện rộng có ổn không. Vì cái căn bản lớn nhất vẫn là quyền được lựa chọn theo sở thích nhu cầu của trẻ.
Tôi có nói trên trang cá nhân của mình: học chữ Hán có giúp ích không? Tôi nghĩ là có. Nhiều lần đứng trước các lăng tự, chùa chiền, tôi vẫn ước ao giá mà mình hiểu được những dòng chữ mà tổ tiên đã viết trên đó.
Dù trong bối cảnh hiện tại, hễ cái gì “có mùi” Trung Quốc là rất nhạy cảm. Nhưng việc hiểu cội rễ của mình và những ảnh hưởng của “người ta” đối với chúng ta chưa bao giờ là thừa, để cạnh tranh lẫn hợp tác hiệu quả.
Tuy nhiên, tôi thấy e ngại với ý tưởng đem nó thành một môn học dạy đại trà trong trường phổ thông. Nhà văn hoá giáo dục Nguyên Ngọc từng nói với tôi đại ý rằng: giáo dục là một thứ vừa rất chung lại vừa rất riêng. Rất chung vì nền giáo dục tiến bộ nào cũng hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại, cũng chung một mục tiêu “làm người”.
Nhưng giáo dục cũng rất riêng, vì mỗi người học là một cá thể riêng biệt, không giống nhau về năng lực, cá tính. Phương Tây có thuyết multiple intelligences (trí thông minh đa dạng) cũng với quan điểm tương tự, nói rằng mỗi người có thể thuộc về ít nhất một trong tám loại thiên hướng khác nhau.
Vì thế, nền giáo dục tốt là nền giáo dục hướng con người đến những giá trị chung, nhưng đồng thời cũng phải rất tôn trọng cái riêng của mỗi người học.
Khi quyết định áp dụng một cái gì rộng rãi trong trường học, người làm giáo dục rất cần suy nghĩ đến những yếu tố “chung – riêng”. Vì xét trên tiêu chí hay và cần, thì có rất nhiều thứ khác cũng hay và cần không kém. Nhưng chọn cái gì để nhân rộng, thì phải xem nó có phù hợp để trở thành cái chung và có quá đòi hỏi một năng lực riêng biệt nào đó để học được hay không.
Nếu câu trả lời cho vế trước là “no” và vế sau là “yes” thì cần cân nhắc. Với những phân tích như trong bài này, mình nghĩ là nó phù hợp để thành một môn ngoại khoá, tự chọn theo sở thích và sở trường hơn là áp dụng đại trà.
Ngân Hà ghi
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này