11:28 - 30/05/2018
Học phí đại học chuyển sang giá dịch vụ
Sáng 29/5, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền Chính phủ trình Quốc hội luật Giáo dục.
Theo tờ trình dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH, tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định về cơ sở giáo dục ĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo. Được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục ĐH. Được quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.
Cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học, môn học, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông.
Không miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm
Đáng chú ý, dự thảo luật cũng đề xuất tính đủ học phí theo cơ chế giá; xây dựng hệ thống chính sách đối với trường ngoài công lập, gồm chế độ tài chính, quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn, nhằm khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập, các cơ sở giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận.
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị không miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm mà thay vào đó là cơ chế hỗ trợ tín dụng nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, nhưng vẫn tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Tán thành việc tính đúng, đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo, làm căn cứ để đầu tư bảo đảm chất lượng, tuy nhiên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cũng đề nghị cần nghiên cứu để làm rõ trách nhiệm về tài chính của nhà nước tương ứng với từng cấp học và trình độ đào tạo.
Đa số thành viên cơ quan thẩm tra tán thành đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm, nhưng cơ quan thẩm tra cũng lưu ý cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học, bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí. Luật cần sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm, bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Không có đề xuất lương nhà giáo và miễn học phí THCS
GS Nguyễn Minh Hiển, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Rất tiếc và băn khoăn vì một số đề xuất có trong các dự thảo trước đây – những đề xuất rất mạnh dạn, mang tính đột phá – nhưng vì một số lý do nào đó đã không được đưa vào trong dự thảo lần này”. Đó là giáo dục phổ thông giai đoạn đầu (từ lớp 1 – 9) mới chỉ được coi là giáo dục cơ bản. “Nên khẳng định đây là giai đoạn giáo dục bắt buộc và miễn phí như ở nhiều nước đã làm. Điều đó cũng là khẳng định trách nhiệm của nhà nước”, ông Hiển đề xuất. Chính sách về tiền lương của nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 2 khóa 8 cũng không được đề cập đến.
Theo ông Hiển, điều này sẽ rất khó tháo gỡ được những “nút thắt” trong giáo dục hiện nay.
Trong khi đó, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng vấn đề tăng lương nhà giáo và miễn học phí THCS Chính phủ không đề xuất nữa và nếu Quốc hội không tự đề xuất, quyết liệt yêu cầu Chính phủ phải thực hiện thì 2 nội dung trên sẽ không có cơ hội thực hiện vào thời điểm này.
“Cũng đã từng có những vấn đề mà Chính phủ không đề nghị nhưng Quốc hội chủ động đề xuất và biểu quyết thông qua. Ví dụ, trong thời gian tôi làm chủ nhiệm ủy ban, vấn đề về phụ cấp thâm niên cho giáo viên bàn thảo nhiều vẫn chưa được thực hiện nên ủy ban chúng tôi đã chủ động đưa vào nghị quyết chứ Chính phủ không đề xuất. Lý do là vì lúc đó Chính phủ cũng lo ngại yêu cầu về khả năng tài chính quá lớn”, ông Thi cho biết.
Dự án luật này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào hôm nay 30/5, dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp sau.
Theo Thanh Niên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này