
22:15 - 26/05/2017
Học chữ ‘nhẫn’
Mấy thế hệ trước, ông bà cố chúng ta được học Luân lý giáo khoa thư, Quốc văn giáo khoa thư suốt bậc tiểu học. Đó là những bài học căn bản và thiết thực về quê hương, đất nước cho đến những mối quan hệ tình cảm gia đình, bạn bè, thầy cô, hàng xóm…

Một bài học chữ quốc ngữ trong sách “Quốc văn giáo khoa thư”. Luôn luôn đi kèm với những thái độ ứng xử trong đời sống, vốn gọi là chữ “lễ” trong Tiên học lễ, hậu học văn.
Những phép ứng xử ấy phải bắt đầu từ việc ta hiểu rõ tại sao lại không được làm như vậy. Bây giờ thấy con không nghe lời thì chửi mắng, la hét mà không chịu ngồi xuống tìm hiểu rõ nguyên nhân.
Tiên học lễ, hậu học văn
Lễ, là lễ nghi, phép tắc tối thiểu để một đứa trẻ biết các quy tắc sống thông thường, và quan trọng nhất chính là cho trẻ hiểu: theo các nguyên tắc đạo đức ấy là tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác. Vì thế, dạy phép ứng xử cho một đứa trẻ, đơn giản là những chữ lễ trong giao tiếp với ông bà, cha mẹ, anh chị, bạn hữu và những người lạ.
Bàn luận về chữ lễ trong việc dạy con, ông bà xưa từng có câu “La không bằng nói”, nói nhỏ nhẹ dễ nghe hơn là la. “Nói không bằng khuyên”, nói nhưng mà ý là khuyên nhủ nhẹ nhàng. Nhưng cái cuối cùng hiệu quả nhất, đó là “Khuyên không bằng làm”, con cái nhiều lúc không nghe mình nói, trong đầu nó không vô lời nào của mình cả, nhưng nó thấy. Mình không thể nào khuyên con: “Mày chịu khó học hành đi” nhưng bố thì đi nhậu, cũng như mình không thể nói: “Con phải sống yêu thương nhau” mà mình đánh vợ. Cho nên, với gia đình, cha mẹ là cái gương thiệt.
Tại sao phương Tây tìm đến phương Đông, rồi phương Đông lại tìm đến phương Tây để mưu cầu một sự hài hoà cho một phương thức sống, nếu ai có thể ý thức được sự hài hoà này thì có thể xây dựng được cho bản thân và gia đình mình một cách sống – hay nói rộng hơn là một triết lý sống rõ ràng, minh định giữa cá nhân và cộng đồng theo lối hoà hợp thì tự nhiên sự khác biệt sẽ biến mất. Sự hài hoà ở đây không đơn thuần là văn hoá mà là sự lựa chọn sống chết cho sự tồn tại của bản thân và gia đình mình. Ngày trước, thế hệ sau chiến tranh phần lớn được dạy theo lối một chiều – cha mẹ, thầy cô dạy, cấm cãi.
Hiện tại thế hệ con cái chúng ta đã không yên lặng. Chúng sẽ nói: sao không cho con nói? Tại sao ba hút thuốc trong khi ba dạy con bài học về môi trường?
Người lớn cũng phải học phép ứng xử
Người lớn tuổi, sau khi đúc kết nhiều kinh nghiệm hay nói với nhau: học chữ nhẫn. Nhưng đối với trẻ, nghe chữ “nhẫn” rất trừu tượng. Nó sẽ hỏi: “Tại sao phải hy sinh cho người khác, vậy còn mình thì sao?”, khái niệm hy sinh là từ không còn được “thịnh hành” ngày nay mà thay vào đó, là sự “công bằng”. Điều đáng sợ nhất của cha mẹ chính là không biết con mình nghĩ gì. Khi dạy con họ luôn cố gắng để con mình nhận được những điều tốt nhất dù đó là lý thuyết, nhưng thật sự không biết trong lòng con nghĩ gì, ước muốn của mình có hợp lý với nó không mới là điều họ thật sự băn khoăn. Và một trong những “vấn nạn” trong phép ứng xử với con cái trong gia đình, cũng như với cộng đồng xã hội, đó là tranh luận về tiền. Ứng xử với đồng tiền – kẻ có tiền và người nghèo khó là điều rất khó.
Khi còn trẻ, họ dạy con tất cả mọi điều về giá trị đồng tiền nhưng khi về già, họ lại cần con chứ không cần tiền. Cho tiền để làm gì khi họ bị mất trí, bị đau bệnh? Và làm sao để trả lời câu hỏi: Mai sau này mình sẽ sống ra sao? Hãy suy nghĩ về nó và lựa chọn cho mình chứ đừng để mình phụ thuộc vào bất kỳ ai, cho dù có khi mình chỉ nghĩ đơn giản là sẽ sống cùng với một đứa con nào đó.
Ngày trước, cha ông ta cũng lo cho lớp trẻ, và ngày nay cũng vậy. Vì thế, dạy con phép ứng xử cũng chính là học lại bài học về cách làm người, chúng ta sẽ phải học suốt đời, cùng con.
Thái Thảo
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này