
09:58 - 18/11/2018
Hết đường ‘sống’ với 148 lô cốt ở Sài Gòn
TP.HCM lại ngổn ngang với với 148 “lô cốt” án ngữ trên 60 tuyến đường những tháng cuối năm. Ngoài chuyện “khó hiểu” với con số lô cốt tăng cao nhất từ trước đến nay.
Đường đi, đường sống của hàng vạn người theo đó gặp khó, gặp khổ.
Bủa vây, bóp nghẹt
11 giờ trưa ngày 12/11, hàng ngàn phương tiện bắt đầu kẹt cứng trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, con đường có lưu lượng xe rất lớn từ trung tâm thành phố đổ về các quận Gò Vấp, 12, Bình Thạnh.
“Lô cốt chiếm gần 2/3 con đường, nên dù phân luồng cho xe vào Hồ Văn Huê cũng không thể giảm kẹt xe, kể cả vào ngày cuối tuần”, bà Hoàn, chủ căn nhà mặt tiền cho thuê bán quần áo trên đường Nguyễn Kiệm, cho hay.
Theo bà Hoàn, chỉ tính riêng dự án cầu vượt thép gần đó thì từ năm ngoái đến năm nay bà mất cả trăm triệu đồng, vì bị lô cốt án ngữ. “Cứ hết lô cốt này xong rồi đến lô cốt khác dựng lên, giá cho thuê điều chỉnh giảm liên tục. Trước cho thuê gần 20 triệu đồng tháng, giờ giảm còn 11 triệu đồng mà còn sợ người thuê trả lại mặt bằng”, bà Hoàn than. Chị Huế, người thuê mặt bằng nhà bà Hoàn bán quần áo, nói nếu bà Hoàn khổ một thì chị khổ mười. “Dịp gần tết mà dời địa điểm mua bán vô cùng khó.Thế nhưng, cố bám trụ kiểu này cũng không ổn.Giờ chỉ trông chờ vào mối quen để kinh doanh mà thôi”, chị chia sẻ và mong bà Hoàn giảm thêm chút tiền nhà nếu buôn bán tiếp tục ế ẩm.
Khốn khổ không kém là hoàn cảnh của nhiều hộ dân trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Cứ vào giờ cao điểm là con đường này – đoạn từ cầu Rạch Ông tới ngã ba Dạ Nam – Phạm Thế Hiển – lại kẹt cứng. Nhiều người tìm cách lưu thông lên lề tìm lối thoát, đã khiến các cửa hàng kinh doanh trên đoạn đường này “chết cứng”.
“Xe không có chỗ chạy thì lấy đâu mà buôn với bán.Dịp mua bán cuối năm nay chắc đi tong”, chị Thoa, một hộ kinh doanh giày dép, than thở.
Tuy không chịu cảnh lô cốt dựng choán hết đường, nhưng cư dân quận 3 lại vướng cảnh đường sá liên tục bị đào bới, hết điện rồi tới nước trong năm 2018… gây khốn khổ vô cùng. “Ông này vừa lấp đi, ông khác lại đào lên. Giống như kiểu quý này ông này làm tuyến đường này, ông kia làm tuyến đường kia, đến sau hai ông lại đổi tuyến đường cho nhau. Thật hết sức chịu đựng”, ông Quế, một cư dân phường 12, quận 3, bức xúc nói khi chứng kiến cảnh con đường Lê Văn Sỹ, kéo dài từ quận 3 qua Phú Nhuận đến Tân Bình, bị đào xới quanh năm.
Nguỵ biện
Trước bức xúc của cư dân, chính quyền quận 3 đã phải đề nghị tạm ngưng xem xét giải quyết cấp phép thi công đào và tái lập mặt đường để lắp đặt hệ thống cấp nước, điện, viễn thông trên địa bàn, vì có nhiều sai phạm. Sau đó, sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM phải tạm ngưng cấp phép thi công trên các tuyến đường do khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (khu 1, thuộc sở GTVT) đảm trách trên địa bàn quận này đối với các chủđầu tư để xảy ra vi phạm.
Thế nhưng, tuy thừa nhận rào chắn chiếm dụng một phần lòng đường, gây ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như kinh doanh, buôn bán của người dân, nhưng khu 1 lại cho rằng đó là việc bắt buộc. Các công trình và đơn vị thi công đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
Trái với khẳng định của khu 1, thống kê của thanh tra sở GTVT thành phố lại cho thấy mười tháng đầu năm 2018, vi phạm ở các công trình có lô cốt trên địa bàn thành phố tăng cao. Cụ thể, tính đến cuối tháng 10/2018, đơn vị này phát hiện và xử lý 721 vụ vi phạm trong thi công trình, xử phạt hành chính gần 4,3 tỉ đồng, tăng 12% số vụ vi phạm so với cùng kỳ năm 2017, với các lỗi phổ biến: thiếu biển báo thông tin, không bố trí người hướng dẫn, điều tiết giao thông…
Theo các chuyên gia, tình trạng trên xảy ra là do quy định hiện nay không đủ mạnh, cũng như các cơ quan liên quan nói làm mạnh, nhưng lại… không làm. Cụ thể, đầu năm 2018, sở GTVT khẳng định chỉ xem xét cấp phép đào đường khi các chủ đầu tư có kế hoạch thi công chi tiết, đồng bộ với những khu vực có công trình thi công trùng lắp nhằm không đào đường và tái lập nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế thì hàng loạt công trình đồng thời thi công vào thời điểm cuối năm, trong khi nhiều tuyến mặt đường rất đẹp nhưng vẫn bị đào lên để thi công.
Giang Thanh – Đằng Giang (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này