
08:32 - 12/06/2019
Giới trẻ Ghana quyết ‘làm cho nghề nông quyến rũ’
Sau khi tốt nghiệp đại học, Vozbeth Kofi Azumah miễn cưỡng khi nói với bất kỳ ai, kể cả mẹ anh, về dự tính mưu sinh bằng gì.

“Hà cớ gì đất đai của chúng ta như vầy, thời tiết thuận lợi, nhiều thuỷ vực, nhưng vẫn cứ đi nhập hành?” – Ansah-Amprofi, 39 tuổi, đã xắn tay vào làm nghề nông.
“Tôi là một nông dân. Ở xứ này, đó là một sự nhục nhã”, anh vừa nói vừa rồ máy xe giữa những thửa ruộng mới cày vào một buổi xế trước đó.
Nhưng Azumah thuộc số những người trẻ châu Phi tốt nghiệp đại học đang chống lại sự miệt thị bằng cách chuyên nghiệp hoá nghề nông. Họ áp dụng các phương pháp khoa học và các app “cày xới” dữ liệu không chỉ để tăng năng suất, mà còn để chứng tỏ nông nghiệp có thể làm giàu. Họ tự xưng là những “nông doanh nhân”.
Đúng là một thách thức dữ dằn. Các mạng lưới phân phối lạc hậu, đường sá kém cỏi, nguồn nước tưới bất ổn là những rào cản đối với ngay cả những nông dân giỏi, trong khi những nông dân “mặt trắng” này lại thiếu đào tạo và kinh nghiệm. Tuy nhiên, các nông doanh nhân này hy vọng vừa làm ra tiền, vừa giải được bài toán hóc búa của một lục địa chiếm đến 65% đất hoang hoá nhất của thế giới, khiến phải nhập khẩu hơn 35 tỷ USD lương thực hàng năm, theo một báo cáo của ngân hàng Phát triển châu Phi.
Ở Ghana, họ đã được chính phủ chống lưng bằng một chương trình đầy tham vọng, nhằm tăng cường năng lực nông nghiệp và thu hút người trẻ quay lại các nông trại. Như phần lớn nước ở lục địa Đen, nông dân Ghana đang già đi, người trẻ lại đổ về các đô thị để kiếm việc và thành phần
này cũng đang có tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.
Một số thanh niên đã bỏ những công việc nhàn nhã, xắn tay áo làm chuyện bốc đồng. Họ thường là những người có điều kiện để thuê hoặc mua những thửa đất rộng lớn và gồng mình chịu lỗ.Họ chỉ học hỏi sơ về cách chăn nuôi gà và làm đất từ các video trên YouTube.Nhưng công việc của họ mang ý nghĩa cứu nguy cho tương lai kinh tế của châu Phi. “Chúng tôi phải làm cho nghề nông trở nên quyến rũ”, Emmanuel Ansah-Amprofi nói. Anh đang cùng các lao động trong nông trại của mình ở Gomoa Mpota giâm các hom mì theo những hàng thẳng tắp.
Cách đây vài năm, Ansah-Amprofi làm việc trong lĩnh vực luật nhập cư, một hôm anh phát hiện ở chợ địa phương loại hành anh mua được nhập từ Hà Lan. “Tôi thực tình tức giận với đất nước mình”, Ansah-Amprofi, 39 tuổi, bày tỏ. “Hà cớ gì chúng ta phải nhập hàng lô hàng lốc rau củ như thế này trong khi nhiều thành niên lang thang đầy đường? Hà cớ gì đất đai của chúng ta như vầy, thời tiết thuận lợi, nhiều thuỷ vực, nhưng vẫn cứ đi nhập hành?” Hai năm sau, vào năm 2016, anh khởi lập một nông trại trồng các loại trái cây và rau củ, và giúp tìm được Trotro Tractor, một ứng dụng tạo điều kiện cho nông dân làm đất bằng tay tìm và thuê luân phiên các máy kéo.
Với Azumah, 27 tuổi, tương lai của anh là những con chuột khổng lồ. Và những con ốc khổng lồ. Cả hai đều là đặc sản và thường thu được từ thiên nhiên. Azumah, tốt nghiệp cử nhân khoa học xã hội, đã phát hiện ra một cơ hội bị bỏ lỡ: nuôi nhốt. Khi anh thưa chuyện với mẹ anh, Martha Amuzu, bà khóc. “Ôi, tôi đã khóc”, bà nói khi đang ở trong trang trại gia đình ở vùng Volta, cách Accra, thủ đô Ghana, bốn giờ xe. “Kỳ vọng của tôi là nó học cao hơn, để làm việc văn phòng”. Bên ngoài bực cửa nhà bà, con trai bà đã biến một khoảng đất đắp đổi cuộc sống thành “West African Snail Masters”, một trại giống ốc sên của anh.
Anh vừa khởi đầu với 500 con ốc đất cỡ nắm tay bắt ở rừng thấp Ghana hồi mùa mưa, khi chúng sinh sôi nảy nở đầy. Một buổi xế gần đây, Azumah lang thang giữa những chuồng quây mới xây dựng, thử độ ẩm và độ kiềm của đất. Trong một căn nhà phụ khác, anh bỏ lá vào chuồng các con chuột khổng lồ, còn có biệt danh là máy cắt cỏ. Azumah hiện đang tổ chức các khoá đào tạo trực tuyến dành cho những người quan tâm đến nghề nuôi ốc. “Tôi cho rằng tấm bằng đại học có nghĩa là ta phải tập suy nghĩ bên ngoài cái hộp, để tìm ra các giải pháp” đối với các vấn đề như nghèo đói và mất an ninh lương thực, anh nói.
Mặc dầu khoảng 60% dân số châu Phi dưới tuổi 24, tuổi bình quân của nông dân lại là 60, theo tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc. Các chuyên gia cho rằng nếu không có sự can thiệp, châu Phi sẽ lâm vào nguy cơ không có người thay thế các nông dân khi họ qua đời.
Kể từ khi Tổng thống Nana Akufo-Addo lên cầm quyền vào năm 2017, việc nâng năng suất lĩnh vực nông nghiệp trở thành một phát kiến lõi. Agustine Collins Ntim, thứ trưởng phụ trách chính quyền địa phương và phát triển nông thôn, cho biết ông đã bổ ngửa trong các chuyến công tác ở Mỹ và châu Âu, khi thấy các nông dân thiện nghệ. “Rồi trở lại Ghana để chứng kiến nông dân đang sống nghèo khó. Khoảng cách đó do chính sách quản lý và lãnh đạo”.
Hơn 2.700 cán bộ nông nghiệp, mỗi người được cấp một xe gắn máy để triển khai về vùng quê đào tạo nông dân các thực hành tốt, như chọn cây gì phù hợp nhất với biến đổi khí hậu. Năm ngoái, chính phủ phân bổ 9,3 triệu cây giống miễn phí cho các thị trấn tự trị, nhằm đa dạng hoá cây trồng. Và một dự án đầy tham vọng vào năm 2018, “Mỗi làng, một đập” nhằm xây dựng 570 đập thuỷ lợi trên cả nước trong vòng một năm.
“Chúng ta phải chứng minh cho dân chúng là nghề nông đang xán lạn”, Emmanuella Pi-Bansah, một sinh viên tốt nghiệp đại học phụ trách
lột vỏ ốc tại trại Est African Snail Masters, nói.
Áo thắt nút măng sét và đeo cà vạt, ngồi trong biệt thự ở Accra, Richard Nunekpeku, 34 tuổi, kể lại dự tính mà nhà nông doanh mới này muốn đạt được. Cách đây năm năm, anh bỏ chân giám đốc tiếp thị của Samsung để nuôi gia cầm, ngũ cốc và rau quả thông qua hợp tác xã Anyako Farms. Cũng không dễ dàng gì. Năm đầu tiên anh đầu tư gần 80.000 USD trồng bắp, nhưng không có nước tưới, vụ mùa chỉ thu được 8.000 USD. Nunekpeku làm lại từ đầu, thuê chuyên gia đất và phân bón, đầu tư thuỷ lợi công nghệ cao.Năm nay trại anh đang sắp phá vỡ kỷ lục lần đầu tiên, anh kể.
Nana Adjoa Sifa, 31 tuổi, có bằng cấp về tâm lý học, muốn thay đổi hoàn toàn cách làm nông. Sau nhiều năm dấn thân cùng người trẻ và phụ nữ làm nông, cô cũng trở thành nông dân.Và cô chủ trương không dùng thuốc trừ sâu ở nông trại Guzakuza của cô, trồng nhiều loài rau tương sinh trên cùng một lô đất.“Tôi muốn thay đổi cách nghĩ và châu Phi”, Sifa khoe củ cà rốt hữu cơ và nói.
Khởi Thức (theo TGHN/NYT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này