11:02 - 25/11/2018
Giáo dục Việt Nam: câu chuyện của 10 năm trước…
Những con số, những câu chuyện từ phụ huynh, thầy cô… do nhóm nghiên cứu thực hiện trong cuốn sách
có tựa đề: “Từ phụ huynh đến nhà giáo – Những vấn đề kinh tế – xã hội trong nền giáo dục phổ thông” là một nghiên cứu về giáo dục cách đây 10 năm, khiến ta xúc động vì nó rất… quen thuộc.
PGS.TS Trần Hữu Quang, nguyên là chuyên viên nghiên cứu xã hội học tại viện Khoa học xã hội miền Nam, chủ trì công trình này.
“Năm 2007 – 2008, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa hai đề tài chính để chúng tôi nghiên cứu, nhưng chỉ hoàn thành đề tài về giáo dục (GD). GD đang là vấn đề nóng. Tất cả những tình cảnh của phụ huynh và nhà giáo 10 năm trước, cho đến những gì đang xảy ra ở hiện tại mà chúng ta đang sống và nghiệm thấy, không có gì khác, thậm chí là sa sút”, ông Quang nói. Tháng 11/2018, bản khảo sát được in thành sách, do NXB Văn hoá Văn nghệ và Social Life ấn hành.
Gánh nặng trên vai phụ huynh
Ông Quang dùng hai từ “thụt lùi”, vì so sánh Hiến pháp (HP) 2013 với HP 1992 và HP 1946 về quyền được tự do học tập của người dân.
So với HP năm 1992, khi “cấp tiểu học và trung học cơ sở là bắt buộc và được miễn phí hoàn toàn”, HP năm 2013 với GD là một bước lùi khi Điều 61 chỉ còn ghi: “… GD tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí…” Còn nếu so với HP 1946, HP 2013 lại càng “lùi” hơn nữa: “Điều thứ 15 của HP 1946 có nói rõ: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình.Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình nhà nước”. “Theo HP, mọi công dân có quyền và nghĩa vụ học tập, đây không chỉ là vì gia đình, mà còn vì lợi ích của cả quốc gia. Một đứa trẻ thất học sẽ là gánh nặng cho cả quốc gia, một đứa trẻ bình thường, hay một đứa trẻ có tố chất thông minh sáng láng, nếu không được đi học sẽ thiệt thòi không chỉ cho đứa trẻ, mà cả cho đất nước. GD không chỉ là lợi ích công, mà còn là thứ tài sản công”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, vì khủng hoảng kinh tế từ thập niên 1980 với mức lạm phát 85%, nên Chính phủ lần đầu tiên ra quyết định số 44-HĐBT cho phép “thu một phần học phí” trong GD phổ thông kể từ năm học 1989 – 1990 trở về sau. Từ đó, cho đến nay toàn bộ trường công đều thu phí, không chỉ là mấy chục ngàn đồng, mà là hàng triệu đồng cho mỗi năm học.
Theo kết quả điều tra của đề tài cách đây 10 năm, các hộ gia đình nông thôn “nếu chỉ có 3ha ruộng không thể cho con học đại học, nếu chỉ có 1 hay 2ha chỉ có thể học hết lớp 9”. “Nếu không nhìn nhận cuộc sống của người nông dân từ hoàn cảnh của chính họ, người ta dễ dàng cho rằng nghèo đến đâu vẫn có thể cố gắng tiếp tục học được. Nhưng chắc chắn khó lòng học tập nếu liên tục nhịn đói từ sáng đến chiều. Tình hình này nói lên rằng, việc học tập của trẻ em nông thôn bấp bênh như chính đời sống của các bậc cha mẹ là nông dân”, trích từ quyển sách trên trong phần “Tình trạng trẻ em bỏ học ở tỉnh Trà Vinh” do Trần Thị Thanh Hương thực hiện vào tháng 2.2008.
Khảo sát (*) thực hiện ở 5 tỉnh thành: Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Dăk Lăk và TP.HCM, cho thấy không chỉ gia đình nghèo, mà ngay các gia đình khá giả, việc cho con đi học cũng là gánh nặng khi cha mẹ phải chi trả học phí ở mức cao so với chất lượng GD hiện thời. Những bất bình đẳng và các mâu thuẫn về giá trị văn hoá, đạo đức từ phụ huynh, thầy cô đến học sinh, đã đẩy những câu chuyện GD ngày càng trở nên cao trào, trong đó thầy cô phải chịu sức ép từ nhiều phía.
Ngân Hà (theo TGTT)
—————–
Bài 2: Áp lực của nghề giáo viên phải chịu
(*) Khảo sát thực hiện tại 43 trường phổ thông với 1.027 giáo viên và 1.203 hộ thuộc 10 quận, huyện của 5 tỉnh, thành nêu trên.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này