13:04 - 30/12/2018
Giáo dục theo lối ‘phải biết sợ’!
Nhiều người trong gia đình hay hỏi tôi: “Andy ở nhà sợ ba hay sợ mẹ hơn?” Khi tôi trả lời cháu không sợ ba, cũng chẳng sợ mẹ, họ nhìn tôi có vẻ khó hiểu…
Từ lâu, trong quan niệm dạy con của nhiều người Việt, dạy con sợ người lớn như ông bà cha mẹ thầy cô, gần như là mẫu số chung và được ủng hộ.
Thương cho roi cho vọt
Đáng buồn là cách dạy con phải sợ người lớn rất phổ biến ở Việt Nam. Nói không quá, chứ tôi có cảm giác hầu hết những đứa trẻ ở Việt Nam được nuôi lớn bằng những nỗi sợ hãi.“Thương cho roi cho vọt”, vẫn là một trong những câu cách ngôn dạy con phổ biến nhất của nhiều phụ huynh. Ông anh rể của tôi chỉ vì thằng con không chịu “ạ ba đi làm” mà sẵn sàng đi làm trễ để đánh thằng bé cho tới khi nó vừa khóc vừa ạ mới thôi. Tôi không trực tiếp chứng kiến mà chỉ nghe kể lại.Sau khi nghe xong câu chuyện, tôi thực sự rất tức giận.
Khi tôi hỏi học trò của mình có từng bị ba mẹ đánh hay không, các bạn gần như được cởi tấm lòng mà xả ra những câu chuyện bị cha mẹ đánh làm tôi cảm thấy kinh hoàng. Nói thật, nếu công tâm tự xét lại bản thân mình, người lớn có nhiều tội đáng bị đánh hơn trẻ con, nhưng họtự bỏ qua chỉ đơn giản vì họ có quyền.
Ngoài việc dùng roi đòn và bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần cũng là một lối dạy con được nhiều phụ huynh sử dụng. Khi con bắt đầu biết nhận thức thì những nhân vật “ông kẹ, con ma, ông ba bị, bà bán ve chai, ông già”… sẽ được sử dụng để làm phương tiện doạ con nếu bé không nghe lời.
Những lời khủng bố
Nhiều phụ huynh tự hào không bao giờ đánh con, nhưng những lời nói của họ làm tổn thương con cái còn tồi tệ hơn những vết thương do đòn roi gây ra. Tôi không hiểu những người làm cha làm mẹ nghĩ gì khi nói với con những câu tuyệt tình tuyệt nghĩa, kiểu: “Mày không phải là con của tao!”, “Tao không có thứ con như mày!”, hoặc “Thôi được rồi để tao chết/đi ra khỏi nhà cho mày vừa lòng!”, chỉ để ép cho con phải nghe lời mình. Trong tâm lý học, nỗi sợ thầm kín lớn nhất của con người là bị người thân, bạn bè hoặc cộng đồng chối bỏ. Nó khiến cho con người cảm thấy mình không còn giá trị và ý nghĩa sống trên đời.
Thay vì dạy con rằng không ai có quyền đụng chạm đến thân thể của con mà chưa có sự cho phép, chứ đừng nói đến việc đánh đập hay lạm dụng, cha mẹ Việt Nam lại trao quyền cho thầy cô tuỳ ý xâm phạm thân thể con mình với những câu nói: “Xin thầy cô cứ mạnh tay với cháu. Tôi rất biết ơn thầy cô!”, hay “Cháu nó hư, thầy cô cứ đánh, tôi không can thiệp!”
Hậu quả của việc nuôi dạy những đứa trẻ bằng nỗi sợ hãi triền miên không thể nào tạo nên những người trưởng thành có một nhân cách hoàn thiện được. Thay vì học được cách phân biệt đúng sai, biết cái gì thực sự đáng sợ và cái gì không nên sợ, con người Việt Nam ngày nay bị nỗi sợ lấn áp tới mức bị lẫn lộn nghiêm trọng những khái niệm về nỗi sợ. Những thứ thực sự đáng sợ như ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, thực phẩm bẩn, mất quyền tự do ngôn luận… lại bị coi thường. Sự lệch lạc về tư duy đó khiến cho con người chỉ có khái niệm về những điều “được phép làm” và “không được phép làm”, chứ không có khái niệm “nguy hiểm” và “an toàn”.
Một khi nỗi sợ bị lạm dụng, ranh giới đạo đức sẽ bị xoá nhoà và đảo lộn không thể cứu vãn được nữa.Lúc đó cái xấu và cái ác sẽ thống trị.Mỗi người vừa là nạn nhân và cũng chính là thủ phạm.
Viên Huynh (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
Facebook muốn trao đổi dữ liệu khách hàng với các ngân hàng Mỹ
Tủ sách gia đình: Bộ sách đã làm sôi động nước Nhật
Đại học Cornell chắp cánh cho ngành canh tác trong nhà
Khoảng lặng: Lan man nước trong
Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt trên thị trường nông nghiệp mới?
Tags:giáo dụcnuôi dạy con
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này