
09:55 - 22/03/2017
Giáo dục giới tính – một mục tiêu của xã hội lành mạnh
Tâm điểm tuần qua là câu chuyện xâm hại tình dục (XHTD) vẫn nóng trên các mặt báo. TGTT phối hợp với hội quán Các bà mẹ tổ chức buổi trò chuyện với chủ đề: Hạnh phúc là giúp cho trẻ môi trường sống an toàn.

Có những dân tộc, người dân không bao giờ muốn nghe nói đến tình dục nên giáo dục giới tính thường trở nên khó khăn.
Nhà báo Phạm An kể câu chuyện có thật mà cô đã tiếp xúc với hai chị em đều là nạn nhân ở trong một gia đình. Mẹ mất sớm, người cha sống với hai cô con gái 12 và tám tuổi. Cha xâm hại con gái 12 tuổi – cô bé này rất hiền và chịu đựng. Khi người cha tiếp tục xâm hại em gái tám tuổi, cô bé tám tuổi ấy báo công an, song khi công an đến nhà, người chị để bảo vệ cho cha và nghĩ đến danh dự cho em gái, đã nhận rằng cha chỉ xâm hại một mình mình. Người cha đi tù tám năm. Trong thời gian đó, cô em gái trở nên ngang ngạnh và trả thù bằng cuộc sống tàn phá chính bản thân mình, cô sống với rất nhiều người đàn ông khác và sinh con năm 12 tuổi. Khi cha mãn hạn tù và về sống với gia đình, ông tiếp tục xâm hại cháu gái ruột của mình – bị con gái tố cáo, ông tiếp tục vào tù. Quá bất mãn với cuộc sống, cô em gái bỏ nhà đi Cà Mau, hành nghề mại dâm, để lại con ruột mình cho chị gái.
Có những nơi chốn ta cứ nghĩ là trong sạch, song cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho trẻ. Tại một ngôi chùa, người ta để ý cứ đến giờ tụng kinh sáng là chú tiểu 11 tuổi vắng mặt. Để ý đi tìm, những người trong chùa phát hiện chú tiểu đang thủ dâm trong gác chuông – và tìm hiểu sâu hơn, họ được biết rằng chú tiểu bị xâm hại nhiều lần bởi vị sư thầy trong chùa.
Tuy nhiên, mỗi khi sự việc xảy ra, có những gia đình và những ngườ lớn xung quanh thay vì an ủi, tâm sự để hiểu trẻ thì lại có những thái độ bất hợp tác và làm trẻ hoang mang lo sợ và hốt hoảng. Tại sao ta cấm nạn nhân mà không cấm hung thủ? Tại sao nạn nhân tiếp tục bị đổ lỗi: do con đi về khuya, do con đến chỗ vắng, do con không nghe lời… mà không phải là tạo một hành lang an toàn cho con, những nơi chốn an toàn cho con. Tại sao ta giáo dục nạn nhân mà không giáo dục hung thủ?
Vậy, cha mẹ sẽ làm gì để tránh cho con bị xâm hại?
Đầu tiên và quan trọng nhất, cha mẹ hãy tập cho con cách tôn trọng chính cơ thể của mình. Bất kỳ ai khi đụng chạm vào con đều phải được sự cho phép của con. Cha mẹ đừng tỏ ra căng thẳng khi con có dấu hiệu bị xâm phạm, hãy bình tĩnh và tâm lý để con tin tưởng và kể hết mọi chuyện.
Hãy nói với con: đây chỉ là một tai nạn, cho bé chơi trò chơi “Chạm vào cơ thể” – vẽ một hình người và hỏi con xem người nào đó đã chạm vào bộ phận nào trong cơ thể con. Bằng cách này, cha mẹ có thể hiểu trẻ có khả năng đã bị xâm hại hay chưa.
Trẻ nhỏ dưới sáu tuổi cần được dạy giữ vệ sinh cơ thể, bằng cách dạy trẻ giữ vệ sinh, cha mẹ dặn bé không nên để người khác chạm vào người mình vì “tay họ dơ”.
Có trường hợp người đàn ông nuôi dưỡng cảm giác kích thích cho trẻ bằng cách đụng chạm, vuốt ve cho đến khi bé trưởng thành và tự nguyện để bị lạm dụng tình dục, lúc này họ tiếp tục tìm cách khống chế bé bằng các clip họ quay – và có cô bé khóc khi tâm sự với chuyên viên tâm lý: “Nếu clip này tung lên, con nhục mà chết” – chấn thương về thể xác là một chuyện lớn nhưng chấn thương về tinh thần là không thể cứu chữa được – do chấn thương tâm lý mà trẻ có thể làm những chuyện tổn hại chính mình, dùng thuốc kích thích hoặc vi phạm pháp luật.
Như vậy, cùng với con trẻ, phụ huynh luôn phải đủ tỉnh táo và cùng nhau lên tiếng. Phải bảo vệ trẻ trong hành lang an toàn, đừng đưa trẻ vào vùng nguy hiểm như có đối tượng say rượu, không để trẻ một mình… nhưng trên hết, hãy để cho trẻ nhận ra rằng có người xâm hại trẻ nhưng cũng có rất nhiều người bảo vệ trẻ. Trẻ phải được đi ra ngoài, và trẻ “chiến đấu” như thế nào chính là trách nhiệm của cha mẹ.
Cha mẹ hãy xem trẻ là trung tâm để bảo vệ, song cũng đừng tạo ra những rào chắn ngăn cản sự phát triển của trẻ.
Mối lo có ở khắp nơi
Ông Vincent Ngô là một Việt kiều Úc, làm đạo diễn chuyên thực hiện các phim truyền hình thực tế, ông cũng đã có một clip quay lại câu chuyện của một cô gái bị XHTD, ông kể: “Ngày hôm qua, chúng tôi thực hiện một bản quay phim xuất phát từ tâm nguyện của một cô gái đã lấy lại được sự can đảm để đòi quyền được sống và lên tiếng cho những nạn nhân bị xâm hại. Là một người sống 30 năm ở nước ngoài, tôi có những điểm khác trong suy nghĩ so với đa số người Việt, tuy nhiên những mối quan tâm chung thì chưa bao giờ khác nhau.
Ở Úc, tội phạm ấu dâm bị xử theo những khung hình phạt cao nhất. Thế giới đang tiến tới một chặng đường với những bậc thang khác nhau: bình đẳng về trách nhiệm, bình đẳng trong lương tâm và bình đẳng trong việc đánh giá tội phạm, chúng ta đang tiến tới sự bình đẳng đó”.
Xin phép chia sẻ clip của cô bạn nhỏ đã bị xâm hại từ năm tám tuổi, cô nói: “Thời gian – những vết thương trên da thịt dù lành lại mà còn để lại sẹo, vết thương tâm hồn như được ủ trong một lớp tro tàn mà khi gió thổi tốc lên thì nó lại trở thành như mới ngày đầu” và “Nghĩ tới ba mẹ, em thấy ba mẹ vất vả nhiều quá, nếu không vì những điều đó chắc giờ em đã nằm mục ruỗng ở một nơi nào rồi”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, hội trường hội quán Các bà mẹ, đưa ra quan điểm: Mỗi khi có những sự viêc xâm hại tình dục xảy ra, trẻ em gái và người mẹ luôn là tâm điểm của sự chỉ trích. Các con bị chỉ trích tại sao ăn mặc không phù hợp, thiếu những biện pháp an toàn, mẹ bị chỉ trích không dạy dỗ con đến nơi đến chốn. Ngoài những vết thương do cơ thể, tâm hồn của mẹ và bé đều bị tổn thương nặng nề. Ở các nước phát triển, xã hội thường rất bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Những hành vi có dấu hiệu xâm hại tình dục, dâm ô, quấy rối… được quy định chặt chẽ và có khung hình phạt nghiêm khắc, do vậy ý thức của con người về quyền được tôn trọng rất lớn. Vụ án trẻ bị xâm hại tình dục tại Vũng Tàu được một người nước ngoài ghi lại và tố cáo, nếu không thì vụ việc cụ thể chắc chắn sẽ không được nhắc đến.
Không chỉ lo con mình là nạn nhân, nếu không ý thức được rõ những ranh giới của phạm tội, chúng ta còn có thêm một mối lo chính người thân của mình sẽ là thủ phạm.
Trần Hoài Thư ghi
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này