
22:58 - 02/06/2017
Giá mà tôi chịu ‘học chơi’ khi còn bé
Hôm qua, tôi (33 tuổi) ra biển, trèo qua mấy tảng đá để “sống ảo”. Thực ra mấy tảng đá ấy cũng chẳng khó khăn, hiểm trở nhưng tôi vẫn phải dọ dẫm vất vả bởi vì kỹ năng leo trèo kém.
Có lần hồi 5 – 6 tuổi, trưa không ngủ, tôi rị mọ trốn mẹ leo lên cây điều sát nhà. Mẹ bắt gặp, đi ra, nhẹ nhàng, mỉm cười: con ơi, con làm gì trên đấy? Xuống đi ngủ nào. Tôi nhìn thấy mẹ, rụng rời tay chân, nhưng mẹ lại cười nên yên tâm từ từ leo xuống. Đoạn sau thì mọi người cũng đoán ra. Sau khi bị phạt nặng, tôi không bao giờ dám leo trèo.
Tôi kể thêm một chuyện khác. Gần đây, tôi làm bánh bột lọc vì thèm món ăn Việt (tôi đang ở Anh). Khi nặn bánh, tôi ấm ức vì nặn mãi bánh nhìn méo mó, bể miết. Tôi phàn nàn với chị Mary chủ nhà của tôi. Chị bật cười hỏi: hồi bé em không chơi nặn đất, cắt dán đúng không? Trước sáu tuổi, vì nhà nghèo, bố mẹ tôi không cho đi học mầm non. Tôi không hề được học trước chữ gì, không vẽ vời, âm nhạc, múa hát… Bởi vậy, tới giờ, khả năng phân biệt màu của tôi vẫn rất kém, không biết vẽ, chữ viết xấu, hát không đúng nhạc, thẩm âm kém, không có khả năng ghi nhớ giai điệu lẫn lời bài hát. Trong số các trò chơi thuở nhỏ, tôi chơi nhiều nhất là nhảy dây, lò cò, nấu ăn (nấu thật bằng lon sữa bò). Bởi vậy, sau này đi học thể dục, chỉ có môn nhảy cao là tôi làm tốt.
Tôi kể vài câu chuyện vặt như vậy để mọi người thấy sự liên hệ giữa những hoạt động lúc bé với khả năng của con người lúc trưởng thành. Đương nhiên, sẽ có người nói rằng: (1) Một người không thể xuất sắc ở mọi lĩnh vực; (2) Không học lúc nhỏ thì lớn cũng học được mà. Hai điều trên đúng, tuy nhiên, quan điểm của tôi thế này:
(1) Biết càng nhiều thì càng tốt, thành thạo càng nhiều kỹ năng thì sinh tồn càng dễ dàng. Có những kiến thức và kỹ năng cơ bản thì nên biết. Chạy nhảy, leo trèo, cắt dán, vẽ, sử dụng dụng cụ làm bếp, nấu nướng, khâu vá, sử dụng thiết bị điện gia dụng, xác định phương hướng, chạy xe đạp… đều là những thứ cơ bản, giúp con người duy trì hoạt động sống hàng ngày thuận lợi.
(2) Không học khi nhỏ, lớn có thể học nhưng khó khăn hơn. Ngoài lý do phát triển cơ thể tự nhiên, chẳng hạn các cơ xương tay chân đã ổn định, kém mềm dẻo, khiến việc phát triển một số kỹ năng khó hơn mà nếu không kiên nhẫn thì dễ từ bỏ, dẫn đến kỹ năng ấy mãi mãi không thể hình thành. Ví dụ, việc may vá, thêu thùa, đan móc với tôi mãi mãi là ước mơ dù rất thích. Lý do: cũng tập tành mà làm ra sản phẩm xấu quá nên không đủ kiên nhẫn để học đến đích. Nguyên nhân sâu xa cũng vì các thao tác vận động tinh với bàn tay của tôi không được rèn luyện từ nhỏ.
Tại mỗi giai đoạn lứa tuổi, con người có các hoạt động chủ đạo khác nhau. Trước 5 – 6 tuổi, trẻ có thể chơi là chính, việc học vẫn gắn bó với chơi. Bước chân vào tiểu học trẻ bắt đầu phải làm quen việc học hành bài bản, có tổ chức chặt chẽ. Độ khó của kiến thức, độ phức tạp của các kỹ năng từ vận động đến tư duy đều tăng dần theo độ tuổi. Việc học có thể kéo dài đến năm ngoài 20 tuổi để con người hoàn thành một bằng cấp chuyên môn và tham gia vào thị trường lao động. Vì vậy, tại sao không tiếp nhận kiến thức, hình thành các kỹ năng đơn giản khi còn nhỏ mà để ở độ tuổi ngoài 30 như tôi mới bắt đầu luyện các kỹ năng cắt dán, vẽ? Hơn nữa, ở độ tuổi này, hoạt động chủ đạo là lao động chuyên môn, chăm sóc gia đình nên hầu hết khó ai có thể thu xếp thời gian để bổ sung lại các thiếu hụt kiến thức, kỹ năng lúc nhỏ.
Do đó, dù là một người ham học mấy thứ hàn lâm nhưng tôi lại không cổ vũ cha mẹ tìm mọi cách nhét chữ vào đầu con. Trước sáu tuổi, kỹ năng vận động (gồm cả tinh và thô) là rất quan trọng và chúng được phát triển qua các hoạt động chơi và học như chơi. Qua các hoạt động chơi vận động như vậy, trẻ có cơ hội phát triển được cả ngôn ngữ, kỹ năng nhận thức (gồm cả tri giác, tư duy, tưởng tượng), học quy tắc ứng xử xã hội (ví dụ: chơi phải theo luật), kỹ năng giao tiếp ứng xử (ví dụ: giải quyết xung đột, quản lý cảm xúc khi chơi với bạn), phát triển đời sống tình cảm (ví dụ: trải nghiệm các xúc cảm khác nhau và nhận diện được chúng như vui, buồn, giận dữ, khó chịu, chán…). Nói cách khác, đừng ép trẻ thành những “trái cây chín sớm”, sự phát triển của trẻ cần diễn ra tự nhiên, tuần tự. Ở lứa tuổi tiền học đường, các kỹ năng vận động là một thành phần cần được chú trọng.
Nguyễn Thị Thu Huyền
(Giảng viên khoa Khoa học giáo dục – ĐH Sư phạm TPHCM)
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này