16:34 - 16/02/2018
Gánh bánh tráng của người đàn bà xứ Nẫu
Sáu năm trước, trong một lần kẹt xe trên đường Thống Nhất, Gò Vấp, chạy vòng vòng vào khu chung cư Hà Đô, tôi gặp một gánh bánh tráng với những túi đựng bánh tráng nướng dày đặc mè đen tòn ten hai đầu gánh.
Vừa dừng xe, chưa kịp hỏi, người đàn bà ngồi nướng bánh tráng bằng bếp than ngẩng đầu lên hỏi: “Anh mua loại nào? Bánh dày, nhiều mè – 6.000 đồng/cái, bánh mỏng ít mè hơn – 4.000 đồng/cái”. Giọng Bình Định đặc sệt với chất âm ngang ngang như kéo dài…
Từ đó, tôi trở thành khách hàng quen thuộc của bà. Cứ cuối tuần, tôi mua 5 – 6 cái, loại bánh dày, nhiều mè. Ăn dần dần. Có khi làm nhưn, bên ngoài là thứ bánh tráng nhúng nước cũng mua từ người đàn bà này, cuốn và chấm nước mắm nguyên chất, nhiều ớt. Có khi ăn với cháo, với mì tôm. Giòn giòn, thơm thơm…
Tôi, gốc Bình Định, là “thần dân” của bánh tráng đã đành. Vậy mà có một chị thuộc hàng U70, di cư vào Sài Gòn thời 1954, cũng thèm bánh tráng nướng nhiều mè. Có lần mang mấy cái bánh vào nơi làm việc nhai cho đỡ đói, chị bắt gặp, ăn thử. Không nói năng gì, chị kêu: “Bữa nào được, mua cho tui mấy cái. Bánh tráng này ngon thiệt”. Tưởng gì cao sang, mấy cái bánh tráng chưa bằng ly cà phê. Kể thêm chuyện này. Có lần được mời nhậu Việt Phố trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, bẻ vụn mấy cái bánh tráng, bỏ trong ba lô… Rón rén mời mấy bạn nhậu ngồi cùng bàn vì sợ thu thêm phí, mấy cô em “Bắc kỳ” trố mắt, nhưng vừa nhai xong mấy miếng, lật đật xin làm “kỷ niệm” để mang về khách sạn với lời khen nhái âm Sài Gòn: “Sao mà bánh tráng ngon quá zậy”. Trước khi gặp gánh bánh tráng của bà, có lần chạy ra chợ Bà Hoa mua bánh tráng “sống” về nướng bằng lò vi ba chừng 2 phút 30 giây. Còn nóng, còn ngon. Đến khi bánh nguội, mới phát hiện bánh chưa chín! Nhưng thêm 20 giây, bánh đen thui…
Năm ngoái, người đàn bà bán bánh tráng không còn ngồi vỉa hè nữa vì lực lượng trật tự phường quyết tâm “xây dựng đô thị văn minh”! Người đàn bà chạy vòng vòng để tìm chỗ. Rồi tìm cũng ra chỗ ngồi là phần hiên của một ngôi nhà với giá 2 triệu đồng/tháng. Gặp lại tôi, người đàn bà bán bánh tráng nướng phân bua: “Anh thông cảm nhen, vì giá thuê mặt bằng nên bánh cũng lên giá, thêm 2.000 đồng/cái. Mua ủng hộ em nhen”.
Ừ, thì mua, có đáng gì đâu. Hồi còn bán ở lề đường, người đàn bà chỉ bày ra bánh tráng và một mâm bánh ít lá gai gói lá chuối, thỉnh thoảng mới có vài ký cá nục nói là mua từ Phù Cát, Bình Định, theo xe đò mang vào. Còn bây giờ, khi đã có sạp, người đàn bà đã “đổi mới kinh doanh” bằng cách thêm mấy món như nước mắm, mắm cơm, cà tím nướng, ram… Người đàn bà cười rồi nói: “Có sạp rồi, bán thêm mấy món để kiếm thêm chút lãi trả tiền thuê nhà. Hầu hết khách mua hàng của em là dân Bình Định. Dân vùng nào cũng vậy, có đi đâu rồi cũng nhớ mấy món ăn quê”. Ừ, người đàn bà nói đúng rồi đó. Mỗi miền quê có những món ăn riêng, như là nỗi nhớ của những người con tha hương! Như tôi, mang tiếng quê cha đất tổ là xứ Bình Định, nhưng lang bạt tứ phương, vậy mà vẫn thèm những món ăn xứ Nẫu!
Người đàn bà vừa trở hai mặt bánh trên bếp than, vừa trả lời: em tên Phương, năm nay 50 tuổi “rầu”. Quê ở thị trấn Phù Cát. Vùng đất cát đó chỉ trồng mì, làm sao đủ sống. Bảy năm trước, khi hai đứa con vào Sài Gòn đi học, em mang gánh bánh tráng đi theo để nuôi tụi nó. Mấy năm đầu cực lắm vì ít người mua hàng, giỏi lắm chỉ đủ mấy mẹ con ăn cơm, không có dư đồng nào. Lần hồi, vậy mà tụi nhỏ cũng học xong, đã đi làm mấy năm nay rồi. Nó có nói, mẹ ở nhà nghỉ, tụi con lo. Thôi mình còn sức, bây giờ bán cũng được, có ngày kiếm được 400.000 – 500.000 đồng tiền lời, phụ thêm tiền nhà cho con. Còn có tiền chạy về quê lo việc nhà…
Gánh bánh tráng nuôi con ăn học. Gánh bánh tráng kết nối với nhiều người dân tha phương cầu thực để được nghe giọng quen quen. Bà cho biết, năm nào cũng vậy, chiều 29 tháng chạp, bà mới lên xe về quê. Những ngày cận tết, bà thức cả đêm để nướng bánh, nhiều người đặt vài chục cái bánh tráng nướng nhiều mè… để ăn tết!
bài, ảnh Cát Khánh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này