09:25 - 20/03/2019
Đừng hoảng hốt thái quá dịch tả heo châu Phi
Dịch tả heo châu Phi (ASF) lan ra 18 tỉnh/thành, tập trung ở phía Bắc, do đây là khu vực có mật độ chăn nuôi nhỏ lẻ khá cao.
Mặc dù ASF chưa có vắc xin phòng trừ, nguy cơ lây lan nhanh và được đánh giá là khá nguy hiểm, nhưng cách chống dịch hiện nay có vẻ đang gây hoang mang cho không chỉ người chăn nuôi, mà cả người dùng cũng e ngại ăn thịt heo, khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Không nên hoảng loạn
Cho đến thời điểm này, tổ chức Thú y thế giới (OIE) và tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) đều khẳng định, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch tả heo châu Phi là tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, sát trùng tiêu độc những nơi nguy cơ cao; tiêu huỷ đàn heo có kết quả xét nghiệm dương tính bằng phương pháp chôn; xử lý tiêu huỷ thức ăn dư thừa (từ các cơ sở sản xuất thức ăn, sân bay, bến cảng); cấm cho heo ăn thức ăn dư thừa. Theo FAO và OIE, nếu các chủ trại áp dụng đúng các biện pháp an toàn sinh học, sẽ bảo vệ được đàn heo, ngay cả các trại nằm sát khu vực có dịch.
Phó tổng giám đốc công ty chăn nuôi ở Đồng Nai, kể khoảng đầu tuần trước (12/3), tổ chức FAO có về khảo sát một số trại heo ở tỉnh Thái Bình, và họ chia sẻ nhiều thông tin chống dịch khá quan trọng. Thứ nhất, họ thấy bất ngờ về tâm lý hoang mang của người chăn nuôi Việt Nam với dịch ASF, vì theo họ, ở châu Âu hay trên thế giới dịch này cơ bản đã được kiểm soát và gây thiệt hại không đáng kể. Thứ hai, đối với những trường hợp heo trong chuồng bị nhiễm ASF, họ tư vấn chỉ cần tách (hoặc tiêu huỷ) heo bệnh ra khỏi chuồng rồi sát trùng khu chuồng đó thật tốt, thì nguy cơ lây lan không cao. Họ lấy ví dụ: nếu hai con nái nuôi cạnh nhau, nhưng được cách nhau một bức tường hay vách ngăn, khi một trong hai con bị dịch chỉ cần cách ly con đó ra khỏi chuồng và sát trùng xung quanh tốt, thì gần như con nái bên cạnh sẽ an toàn. Trong trường hợp trại bị dịch, với chuồng trống chỉ cần xông formol + thuốc tím trong 3 – 5 ngày liên tục, thì sau đó có thể tái đàn. Ngoài ra, họ còn tư vấn thêm: nên tập trung làm tốt ba việc quan trọng là: nâng cao an toàn sinh học. Chủng ngừa tốt các loại vắc xin để tránh ghép bệnh. Nâng cao sức đề kháng của con heo, rồi qua thời gian nó sẽ dần tạo được miễn dịch.
Như vậy, cả OIE và FAO đều đặt cao vai trò an toàn sinh học lên hàng đầu, và thực tế đến nay hầu hết heo bị dịch phải tiêu huỷ ở 18 địa phương đều tập trung ở các trang trại nuôi nhỏ lẻ, chưa được quản lý, giám sát, áp dụng biện pháp an toàn sinh học một cách bài bản như các trang trại chăn nuôi lớn. ASF cũng như dịch tai xanh, nhiều năm nay người chăn nuôi Việt Nam phải đối mặt và sống chung, nhưng phải thừa nhận chỉ có các trang trại lớn có tiềm lực đầu tư nuôi chuồng kín, có kiến thức, giải pháp áp dụng an toàn sinh học, nên rất ít trường hợp xảy ra dịch bệnh. Còn lại, đa số các trại nhỏ lẻ thường có nguy cơ cao xảy ra dịch và chịu thiệt hại nhiều hơn.
Tuyên truyền lại để dân ăn thịt heo
Không chỉ người chăn nuôi hoang mang, ngay cả người dùng cũng đã quay lưng lại với thịt heo. Liên tiếp trong những ngày qua đã xuất hiện nhiều cơ sở, doanh nghiệp ở Hà Nội, Bình Dương ra công bố gửi khách hàng về việc ngưng dùng thịt heo trong nước để chế biến thực phẩm. Thay vào đó, họ dùng thịt heo nhập khẩu từ các nước chưa có dịch tả heo châu Phi. Trước đó, nhiều trường mầm non cũng phản ứng một cách thái quá, bằng việc ra thông báo ngưng sử dụng thịt heo nhằm trấn an phụ huynh.
Bà Thuỷ, tiểu thương bán thịt tại chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM), cho biết trước đây trung bình mỗi ngày lấy khoảng 180kg thịt heo từ chợ đầu mối Hóc Môn về bán, nhưng nay do ế ẩm nên giảm còn phân nửa, mà có phiên vẫn còn dư. Theo bà Thuỷ, người dân đã hoang mang, ít ăn thịt heo ngay khi xuất hiện thông tin dịch tả heo châu Phi. Nhiều bà nội trợ tới quầy thịt cứ hỏi đi hỏi lại ăn thịt heo có bị làm sao không. Tiểu thương như bà chỉ là người bán thịt, kiến thức đâu mà giải thích, chỉ có các cơ quan báo đài, Nhà nước nói thì dân mới nghe, mới tin.
“Nếu dịch này không ảnh hưởng đến sức khoẻ thì phải tuyên truyền mạnh để dân không quay lưng, chứ cứ để kéo dài tui e là không còn ai dám ăn thịt heo nữa!”, bà Thuỷ lo lắng.
Trước thực trại trên, giá heo hơi tại nhiều khu vực thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… hiện nay đã giảm xuống mức 40.000 – 41.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với ba tuần trước. Giá các loại thịt (ba rọi, nạc, nách, đùi…) bán lẻ tại các chợ đều cũng giảm bình quân từ 5.000 – 8.000 đồng/kg. Tại các chợ đầu mối, thịt heo mảnh (bán giá sỉ) mức giảm còn mạnh hơn, từ mức 72.000 đồng/kg cách đây ba tuần, hiện đã giảm xuống còn 58.000 đồng/kg.
Qua khảo sát, nhiều chủ trại heo ở khu vực các tỉnh phía Nam – nơi chưa xảy ra dịch cho hay vài tuần gần đây rất khó bán heo. Ông Trần Quang Trung, chủ trại heo ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai, nói do thị trường ế ẩm nên bây giờ các chủ trại cần bán mười con heo, thì thương lái chỉ có thể bắt được năm con.
“Giá heo hơi còn hơn 40.000 đồng/kg, nếu không có cách gì tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu, quay lại ăn thịt heo thì chắc chắn thiệt hại do giá heo giảm còn nặng hơn nhiều lần thiệt hại heo bị dịch phải tiêu huỷ”, ông Trung cảnh báo.
Cho đến thời điểm này, OIE vẫn khẳng định dịch tả châu Phi không lây sang người, nên người dân vẫn có thể ăn thịt heo bình thường. Tuy nhiên, tại Việt Nam, qua cách tuyên truyền dịch lại đang gây hiệu ứng hoang mang. Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng với tình hình dịch bệnh còn phức tạp và kéo dài, thì thiệt hại của ngành chăn nuôi không chỉ dừng lại ở mức trên, mà còn tăng lên trong thời gian tới. Do đó, ông đề nghị Nhà nước phải có cách tuyên truyền cho người dân không quay lưng lại với thịt heo. Để khi sức tiêu thụ thịt heo tăng lên sẽ giúp người chăn nuôi bán heo nhanh hơn, khi đó mới không còn nguy cơ xảy ra dịch.
Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng
Theo hiệp hội Chăn nuôi, mỗi tháng Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 triệu con heo nuôi trong nước, tương đương 300.000 tấn. Trước khi xảy ra dịch bệnh vào đầu tháng 2, giá heo hơi ở mức 55.000 đồng/kg, nay xuống mức 30.000 đồng/kg (miền Bắc) và 40.000 – 41.000 đồng/kg (miền Nam). Như vậy, thiệt hại do giảm giá heo trong một tháng rưỡi vừa qua lên đến 4.000 – 5.000 tỷ đồng, và con số này sẽ còn tiếp tục tăng. Chưa kể các chi phí về phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, tiêu huỷ.
bài, ảnh Bảo Anh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này