
09:52 - 27/09/2017
Du lịch: Lối mòn không phải lối an toàn!
Nhiều cơ hội đầu tư bị đánh mất do chờ đợi chính sách, nhưng lý do để lãnh đạo Cần Thơ đưa ra lại dường như không có việc đó…

Những người Nhật đi đầu trong làn sóng đầu tư vào miền Tây, hiểu vai trò Cần Thơ, nói rằng họ không có nhiều tài nguyên, không có nhiều cảnh đẹp, lợi thế về du lịch như Cần Thơ. Trong ảnh: Du khách cùng vào bếp ở vườn sinh thái Út Dzách. Ảnh: N.B
Phó chủ tịch Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho rằng, Cần Thơ còn hạn chế do thiếu đường bay trực tiếp nối các nước tới đây, chưa có những khu du lịch lớn, chưa được đầu tư bài bản nên lượng khách lưu trú tại Cần Thơ không nhiều. Tám tháng đầu năm 2017, Cần Thơ đón hơn 5,4 triệu lượt khách, nhưng số lưu trú chỉ khoảng 1/4.
Tâm điểm du lịch miệt vườn
Con nước tháng 8 được các chuyên gia thị thành khẳng định không còn cá bống trứng, nhưng điều đó có vẻ như không đúng ở Phong Điền. Nhiều du khách có “đường dây” với nhà vườn đã về đây trải nghiệm hớt cá bống dọc theo sông rạch, được một bữa thưởng thức cá bống với nhiều món ngon.
Phong Điền đâu chỉ có cái bí ẩn của cá bống. Bốn năm trước, khi chỉ có khoảng 20 nhà vườn tự đầu tư chuyển đổi sang du lịch miệt vườn, công ty Vitalis, gồm những Việt kiều đang định cư tại Pháp, về Phong Điền thăm dò khả năng hợp tác du lịch nghỉ dưỡng, để đưa khách từ châu Âu về đây trú đông. Họ chờ đợi chính sách mỏi mòn rồi rút lui có trật tự. Cơ hội bị đánh mất.
Cố gắng bền bỉ của Phong Điền trong nhiều năm liền duy trì Ngày hội du lịch sinh thái. Sáng 22.9, Phong Điền giới thiệu 42 điểm tham quan, trong đó có 28 điểm du lịch sinh thái đón khách tham gia ngày hội. Khoảng 716.000 lượt khách, trong đó có 78.000 lượt khách quốc tế, đã đến đây trong tám tháng qua, doanh thu 143,3 tỷ đồng, theo trung tâm Xúc tiến du lịch huyện Phong Điền.
Gần đây khi nói về tiềm năng du lịch và kêu gọi hợp tác đầu tư vào bốn dự án du lịch tại Cần Thơ với nhà đầu tư Nhật Bản, ông Hoài Nam nhấn mạnh dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng thích hợp với lợi thế ở Phong Điền.
Bếp núc tinh tế
Đối với du khách, lợi thế đặc biệt của Phong Điền là nhiều gia đình nấu ăn rất ngon, nhiều điểm đến biết cách sáng tạo món ăn đa dạng, phong phú từ nguyên liệu địa phương. Cách sống nhẹ nhàng, thân thiện, chân tình… Bà Nguyễn Phượng Loan, chủ nhà hàng Hạ Châu, khoe dâu Hạ Châu là đặc sản Phong Điền, nhiều du khách thấy trên mạng có món nấu với dâu và tới đây họ ngạc nhiên hơn với bánh canh gõ trên gáo dừa, dụng cụ thô mộc, nhưng có điều gì đó vui vui với họ.
Anh Trần Thiện Cảnh, vườn du lịch sinh thái Út Dzách, nổi tiếng với món bánh hỏi mặt võng và giỏi làm nhiều món ăn “có nếp, có tẻ’ với ý thức tạo nét riêng từ nguyên liệu sau gạo. Theo anh Cảnh, Phong Điền có nhiều gia đình biết cách gìn giữ giá trị lâu đời của ông bà để lại, tuy nhiên mỗi nhà có những tinh tế riêng biệt, phải ăn mới biết.
“Tôi đến Cần Thơ hai lần, nhưng chưa nghỉ lại đây lần nào”, chị Marie, du khách Pháp, nói. “Nếu được trải nghiệm, được hiểu nhiều về người dân địa phương, được nói chuyện, cùng ăn với họ chắc rất thú vị”.
Vẫn tự phát và thiếu liên kết
Theo các chuyên gia tổ chức tour, Phong Điền còn mang tính tự phát, thiếu hoạch định dài hạn, sản phẩm đang có dấu hiệu trùng lắp và các điểm đón khách thiếu liên kết.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Nghi, khoa Kinh tế và quản trị kinh doanh, đại học Cần Thơ, cho rằng Phong Điền cần đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ, tạo sự khác biệt hoá sản phẩm, những hình thức du lịch dành riêng, tạo dấu ấn sâu sắc trong tâm trí du khách, dứt khoát không chèo kéo, chặt chém du khách.
Ông Trần Thế Như Hiệp, viện Kinh tế – xã hội TP Cần Thơ, nói: “Có du khách nói với tôi rằng Phong Điền cần hiện đại nhưng không được phá vỡ không gian, cảnh quan tự nhiên”.
Ngày 23/9/2017, câu lạc bộ điểm vườn du lịch Phong Điền chính thức ra mắt gồm mười thành viên: Vũ Bình, Út Dzách, Vàm Xáng, Mỹ Khánh, Lung Cột Cầu, Giáo Dương, Chín Hồng, Mỹ Thơm, nhà nghỉ Hoàng Phú và Huỳnh Thôn. Ông Võ Thành Giúp, chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết đây là diễn đàn tập hợp ý kiến, đề xuất, kiến nghị chính sách giúp tháo gỡ khó khăn cho các thành viên và là đầu mối nối kết với các công ty du lịch lữ hành, giúp nhà vườn làm du lịch được học tập các nơi và tham gia các sự kiện, tạo đà lôi kéo cộng đồng tham gia chuỗi hoạt động du lịch, khôi phục các giá trị bản địa để du khách có điểm dừng chân đáng nhớ.
Những người Nhật đi đầu trong làn sóng đầu tư vào miền Tây, hiểu vai trò Cần Thơ, nói rằng họ không có nhiều tài nguyên, không có nhiều cảnh đẹp, lợi thế về du lịch như Cần Thơ.
“Du khách Nhật rất thiếu thông tin và hướng đi du lịch ở Cần Thơ trong tương lai”, ông Takahashi Ayumi, trưởng đại diện cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam, nói. “Tháng 11 tới đây, chúng tôi sẽ làm lễ hội văn hoá Việt – Nhật tại Cần Thơ, để quảng bá và tổ chức xúc tiến cho doanh nghiệp Nhật đến tìm hiểu cơ hội đầu tư”.
Các nhà vườn làm du lịch ở Phong Điền sẽ làm gì trước cơ hội này? Nhiều nhà vườn thú thiệt “tới đó tính chứ hỏi tui, tui biết hỏi ai?”.
Ngọc Bích – Nam Việt – Hà My
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này