
19:59 - 21/07/2017
Du học và những lúc khủng hoảng
Tôi viết bài này sau khi tắt điện thoại với bạn của tôi – cũng đang du học. Muốn rơi nước mắt với bạn vì hơn ai hết, tôi cảm nhận rõ những giây phút cô độc, bế tắc ấy kinh khủng thế nào.
Nước mắt như đã lập trình sẵn
Tôi từng có những ngày bưng mặt khóc lúc nửa đêm, mờ sáng một mình ở văn phòng, trên đường đi bộ về nhà giữa trời đông rét mướt, có khi khóc trước bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô, khóc không dừng được, ai hỏi tới là khóc. Lúc này đây, đang gõ những dòng chữ này cũng khóc. Nước mắt như được lập trình sẵn. Ký ức những lúc phải một mình chống chọi với bao nhiêu thứ ùa về. Chuyện học, chuyện gia đình, chuyện công việc. Mà tôi vẫn còn may mắn vì lần này đi học có nhiều bạn người Việt lẫn nước ngoài yêu thương, quan tâm, chia sẻ. Thế nhưng vì ai cũng có vấn đề của riêng họ nên không phải lúc nào tôi cũng than vãn được. Cũng không thể nói với người nhà ở Việt Nam, vì mọi người không thể giúp gì, chỉ khiến họ lo lắng hơn. Tôi may hơn là có khi kêu gào trên Facebook là có bạn gần, bạn xa an ủi, còn có khuynh hướng bộc lộ ra bên ngoài; có ý thức về hậu quả của việc ôm giữ stress và may mắn có nhiều người quan tâm mà còn có những lúc tưởng như muốn gục ngã.
Với các bạn có khuynh hướng ôm giữ các vấn đề cá nhân vào trong, không biết tôi đang stress ở mức nào, hay đang học ở những nơi ít bạn bè cùng tuổi, cùng hoàn cảnh, cùng tiếng nói thì họ khó khăn tới mức nào?
Mùa đông năm ngoái, đứa em đang vật lộn với việc học một ngôn ngữ mới ở một đất nước xa lạ. Áp lực học bổng, áp lực việc học, thời tiết khắc nghiệt, bạn bè toàn đứa ít tuổi hơn, chỉ giỏi trêu chọc, mỉa mai thay vì chia sẻ, không có bạn trai ở đó lẫn ở nhà, nó gần như phát điên. Tôi cũng đang căng thẳng với luận án, nhưng nghe nó nhắn: “Chị ơi, em thấy em sắp bị điên, nửa đêm mà em chỉ muốn lao ra giữa trời tuyết trắng”. Tôi vội vàng trả lời: “Em hãy nói chuyện với chị”. Giá mà ở gần thì tôi sẽ tới để ôm nó thật lâu, chỉ cần nghe và vỗ nhẹ lên vai nó để nó hiểu rằng: vẫn còn có ai đó đang bên cạnh. Nhưng ở quá xa nên chỉ có thể bảo rằng: “Chị hiểu em đang khó khăn tới mức nào. Chị hiểu cô đơn nó làm mình yếu đuối tới mức nào và chị hiểu mùa đông làm tâm trạng chúng ta thê thảm ra sao. Em có thể khóc, em có thể kể lể với chị mà không mắc cỡ. Nhưng hãy tin chị, mọi thứ đều sẽ ổn cả thôi. Sinh mạng thể chất lẫn tinh thần của em mới là điều quan trọng nhất. Em chỉ cần giữ nó! Sau này em sẽ thấy, mọi chuyện đều có cách giải quyết, chỉ là cách mang lại kết quả tốt nhất và cách mang lại kết quả ít tốt hơn”.
Sướng vậy mà còn than!
Ở xứ người, tôi chưa bao giờ là đối tượng được ưu tiên cả. Nhiều người chỉ thấy hình ảnh của tụi nó lúc tươi vui, check-in cảnh đẹp chỗ này chỗ nọ, thỉnh thoảng hội hè thì cho rằng tụi nó sung sướng. Nếu có mở miệng than là sẽ có người bảo: sướng vậy mà còn than! Thật ra chỉ riêng cảm giác sống ở nơi xa lạ, không có kết nối với cả môi trường tự nhiên lẫn con người xung quanh đã là một cảm xúc rất tệ, chỉ khi bạn tới sống ở nơi xa lạ mới thấu hiểu được.
Sense of belonging (cảm giác thuộc về cái gì đó) vốn dĩ là yếu tố cơ bản để người ta chiến thắng cô đơn. Không có cái đó, liệu họ có thể sống an yên? Có người lại trách: kỹ năng xã hội kém, không biết cách kết bạn! – Bạn bè hay người yêu phù hợp không phải cứ cố tìm là có. Kết bạn lung tung có khi chuốc thêm phiền toái. Chơi nhóm bạn Việt tới từ tứ xứ ở Việt Nam thì có khi cũng chả có bạn tử tế. Không may còn làm đề tài để đàm tiếu, đơm đặt. Chơi với bạn Tây thì chúng nó lịch sự, tôn trọng riêng tư nên không hỏi chuyện riêng (phần lớn thế, không phải tất cả). Ngôn ngữ cũng là rào cản. Ba tháng đầu tôi còn ghét tất cả bạn học vì họ nói quá nhanh, quá nhiều, tôi không thể hiểu. Tôi thấy tôi không thuộc về tập thể ấy. Cái cảm xúc không kết nối đó có thể lớn dần lên khiến người ta tự động ngắt mọi kết nối luôn, thu mình vào trong. Tới lúc đó thì mọi người cũng hiểu họ đang ở tình trạng nghiêm trọng thế nào rồi. Tôi mới chỉ ra một khó khăn mà ít ai nhận ra thôi. Mỗi bạn du học sinh còn có hàng ngàn khó khăn khác.
Tôi viết điều này như một lời tâm sự để mọi người hiểu rõ hơn những khó khăn tinh thần của các bạn du học sinh. Nếu bạn nhận được lời “kêu cứu” của các bạn ấy, hãy lắng nghe và dành cho họ một lời an ủi, động viên! Nỗi buồn và khó khăn thì không chừa một ai cả, bất kể bạn ở phương trời nào!
Nguyễn Thị Thu Huyền Du học sinh ở Anh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này