
22:02 - 20/01/2020
Đọc sách: Sài Gòn Bún bò không bản quyền
Cuốn sách là một tuỳ bút ẩm thực của tác giả Ngữ Yên, xuất bản tháng 12/2019.
“Tựa cuốn sách là bài báo được viết ra vào thời gian thành phố Huế đăng ký chỉ dẫn địa lý và bản quyền cho tô bún mang tên “bún bò Huế”, tác giả giải thích.
Gọi Sài Gòn là thành phố của dân nhập cư, là một “Hợp chủng quốc Việt Nam” không sai. Bởi nếu nhìn qua, sẽ thấy Hà Nội cũng đông dân nhập cư, nhưng rất ít người miền Trung, miền Nam ra đó lập nghiệp, sinh sống. Nhưng giữa Sài Gòn, bạn có thể nghe được rất nhiều giọng khác nhau: Bắc có, Trung có, miền Tây có, Cao nguyên trung phần có, cả Chămpa lẫn Khmer cũng có, chưa kể là các quốc tịch người nước ngoài khác sống ở đây tập trung nhiều nhất ở quận 2, quận 7. Thế nên cái món gì đặc trưng của các miền vô đây cũng trở nên thành kiểu… Sài Gòn, cho vừa miệng ăn của đa tộc là vậy.
Tác giả Ngữ Yên khởi đầu các tập Người ăn rong từ năm 2005, khi ông còn là tổng thư ký toà soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị. Ông không chỉ là người làm báo đáng nể, mà còn là một cây bút viết về văn hoá ẩm thực độc đáo vì chính cái nghiệp của mình: “Tác giả không chủ trương làm báo là nói láo”, vì vậy, dù là viết về điều gì cũng phải truy tầm đầu đũa, có căn nguyên, có khoa học và có cả cảm xúc cá nhân lẫn cộng đồng, và ông viết thường xuyên trên mục Hương vị quê nhà – Ẩm thực dựa trên tinh thần đó.
Cho nên, Ngữ Yên viết ẩm thực vừa có cái cẩn trọng của người làm báo, vừa có ý thức đào sâu, tìm hiểu cội nguồn, trong đó có gìn giữ tầng tầng lớp lớp những trầm tích văn hoá, cả ký ức tình cảm và cả cách bảo vệ sức khoẻ, để còn tiếp tục sống chung với vạn vật quanh mình hài hoà, chứ không phải tận diệt như hiện nay.
Tập sách Sài Gòn – Bún bò không bản quyền bao gồm 73 bài viết ngắn gọn cho từng món ăn vùng miền tác giả trải nghiệm trên những chuyến đi, và cả tham khảo tài liệu về từng món ăn, chủ yếu là miền Trung và miền Tây. Người đọc có thể mở ra bất kỳ bài nào để đọc, hoặc coi mục lục trước chọn cho mình món ăn yêu thích, nơi mà mình muốn đến, hoặc đã qua, coi có bỏ sót gì không… tập sách là một kho kiến thức về ẩm thực phong phú, và giúp cho chúng ta làm nhiều chuyến “du hành” đến các vùng miền trong tưởng tượng đầy duy cảm và thú vị, dù chỉ có “ba ngày Tết”.
Diên Hải (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này