12:12 - 02/08/2016
Doanh nhân miền Tây tìm lối đi mới từ cọng rơm, gánh bùn
“10kg rơm ra 1kg nấm sạch, làm rơm sạch kết hợp bao bì, mẫu mã cho đẹp; ở khâu cuối, bã rơm còn làm được compost, bán giá nào cũng có lời”. Anh Thiện, nói: “Chuỗi giá trị cây lúa rất hấp dẫn mà lâu nay mình bỏ quên”.
“1kg xoài cát chu ở Đồng Tháp bán 17.000 đồng, 1 trái xoài ở Nhật Bản bán giá 77 USD. Nhìn xoài ở Việt Nam. Rồi nhìn xoài bán ở Nhật như bán kim cương!” TS Nguyễn Thanh Mỹ so sánh.
Ông tính toán tiếp: “Đồng Tháp gần 10.000 ha trồng xoài cát chu, mỗi năm cung cấp 40.000 tấn. Nếu bán qua Nhật chỉ cần giá tăng lên 50 cent thì sẽ thu về 20 triệu USD.
“Làm bằng cách nào?”, TS Mỹ, Tổng giám đốc công ty Rynan Agrifoods, đặt câu hỏi.
Sản xuất thông minh từ “nguồn sáng”
Theo ông không thể cái gì cũng trông cậy vào nhà nước vì nhà nước chỉ hỗ trợ về chính sách, không thể trông đợi vào các nhà khoa học, cũng không thể trông đợi vào người nông dân vì việc này chỉ có những nhà doanh nhân làm thật, đóng góp tâm lực vào chuỗi giá trị mới được”, TS Mỹ khẳng định.
Là người từng được công nhận nhiều bằng sáng chế tại Mỹ, Canada, TS Mỹ kể về những công nghệ mới: Đóng gói bao bì công nghệ khí cải tiến để không cần những chất phụ gia; Kể cả thịt đóng không khí cải tiến vẫn tươi ngon, tăng hạn sử dụng thực phẩm 4-5 lần, không cần chất phụ gia nào. Những cải tiến này đã có sẵn ở công ty Rynan Agrifoods.
Chúng ta quá chú trọng vào việc tăng chất lượng sản phẩm mà quên đi đóng gói bao bì cũng không được. Do bao bì người ta bán được giá cao, anh em đi nước ngoài ghé phi trường mua quà cho người thân không biết bên trong như thế nào, thấy sản phẩm nào bao bì đẹp thì mua.
Tại sao mình nghèo? Vì cách nghĩ, cách ứng dụng của mình? Trước đây điện thoại đều có bàn phím, nhưng từ khi Steve Jobs tạo ra bàn phím cảm ứng, ai cũng thấy lạ nhưng ngày nay nó là xu thế…
“Có những con người nghĩ khác và làm khác thì mới có công nghệ mới, lúc đó mới thay đổi được”, TS Mỹ nhấn mạnh: “Để thay đổi nền nông nghiệp như mong muốn thì mình phải suy nghĩ khác hơn, làm khác hơn, phải thông minh hơn”.
“Nếu mình làm gì mà trong đầu nghĩ sẽ giảm được bao nhiêu tấn khí nhà kính cho sản phẩm này thì tiền tự tới. Nó bắt mình phải động não, phải suy nghĩ cái mới hơn, cái khác hơn”, TS Mỹ cho rằng giảm khí nhà kính là cơ hội làm giàu không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn góp phần tạo ra xã hội, thế giới quanh ta tốt hơn, xanh hơn.
TS Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng giám đốc công ty Rynan Agrifoods nói: “Cơ hội luôn ở quanh, quan trọng là chúng ta có nhận ra và đón nhận nó hay không mà thôi”.
Cơ hội quanh ta
Mở đài nghe biến đổi khí hậu, đọc báo lúc nào cũng nói biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu là nguy cơ nhưng cũng là cơ hội rất lớn. Việt Nam ký thỏa ước biến đổi khí hậu tại Paris (COP 21) tháng 12/2015 và cam kết giảm 8% khí nhà kính vào năm 2030.
Mỗi năm, Việt Nam thải 246,8 triệu tấn CO2 (0,6% khí nhà kính/năm). Dự kiến đến năm 2030 là 338,6 triệu tấn, trong đó nông nghiệp chiếm khoảng 30%. Trong nông nghiệp, chăn nuôi gia súc thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất.
Thế giới có 1,7 tỷ con bò, mỗi ngày thải ra 3,7% khí nhà kính, còn hơn cả xe ô tô. Một số nghiên cứu từ trường ĐH Cần Thơ cho bò ăn vi khuẩn và Calcium Nitrate, ăn bắp, bột tỏi giảm được thải khí nhà kính. Phải tìm cách giảm khí nhà kính từ nông nghiệp bằng cách kiểm soát từng khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp (vật tư, canh tác, chế biến, phân phối, tiêu thụ…).
Mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 12 triệu tấn phân bón, 73% chứa đạm (sản xuất gần 10 triệu tấn, nhập hơn 2 triệu tấn phân bón). Nếu dùng phân bón thông minh sẽ giảm được 50% nhu cầu phân bón, nông dân mình sẽ giàu có hơn.
Theo TS Mỹ, sử dụng phân bón thông minh, tan chậm sẽ giúp tăng năng suất, giảm thời gian chăm sóc, giảm thất thoát đạm tới 60-70%. Phân bón thông minh cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng gắn chu kỳ sinh trưởng, phòng trừ được cỏ dại và diệt được cả ốc bươu vàng.
Hiệu quả của phân bón thông minh thử nghiệm tại Đồng Tháp, Trà Vinh gồm 04 nhà tham gia: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp, thừa nhận hiệu quả như mong muốn.
Công ty Rynan Agrifoods đang liên kết với doanh nghiệp Bùi Văn Ngọ xây dựng mô hình hợp tác xã với 300 ha trồng lúa: Công ty Bùi Văn Ngọ có hệ thống sấy, xay xát, kết hợp với công nghệ đóng gói khí cải tiến của Rynan Agrifoods, sẽ cho ra thành phẩm giảm nhiều khâu trung gian.
40% phế liệu từ lúa qua gạo sẽ được tận dụng để làm ra gỗ và sản phẩm có giá trị cao. HTX ứng dụng năng lượng mặt trời vào khâu chế biến, không có khí nhà kính. Phân phối, tiêu thụ: mua trực tiếp trên App, giảm bớt khâu trung gian, khỏi mất thời gian đi siêu thị vì đã có người giao hàng tận nơi.
Nhìn từ mọi góc khuất
“Cỏ May đem sản phẩm nấm rơm sạch tham gia Phiên chợ Xanh – Tử tế do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, giá bán 160.000 đồng/kg. Khách tham quan dùng thử, muốn mua nhưng hàng không đủ bán.
Một vị khách bực bội hỏi “Hổng đủ hàng vậy lên đây làm gì?”. “Hết bị rầy lại bị gọi điện thoại réo, mình phải năn nỉ hết lời để các cô, chú thông cảm”, anh Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc DNTN Cỏ May nói về ngày đầu chào bán sản phẩm sạch.
Trấu được dùng làm nguyên liệu làm sơn chống cháy, chống đạn… nâng cao giá trị gia tăng của trấu lên vài trăm ngàn lần chứ không phải vài chục lần, nghe như chuyện ở đâu nhưng đã có cô Hòe của sơn Kova làm rồi.
Anh Thiện nói: Trong quá trình thu hoạch lúa, lâu nay, rơm rạ bỏ ngoài đồng hoặc cho bò ăn hoặc đốt đồng; Một số nơi làm nấm rơm. Gần đây, Cỏ May nghiên cứu làm nấm rơm sạch, tinh dầu chiết xuất từ cám, không chỉ phục vụ nhu cầu thực phẩm mà cả nhu cầu làm đẹp….
“10kg rơm ra 1kg nấm sạch, làm rơm sạch kết hợp bao bì, mẫu mã cho đẹp; ở khâu cuối, bã rơm còn làm được compost, bán giá nào cũng có lời”. Anh Thiện, nói: “Chuỗi giá trị cây lúa rất hấp dẫn mà lâu nay mình bỏ quên”.
Đề tài bã rơm sau khi chất nấm, xơ dừa, phân trùn quế, tro trấu là tổ hợp phân vi sinh an toàn, thậm chí có thể xuất khẩu.
Lúa khi chế biến gạo ăn có 10-12% cám vàng, là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thay vì lấy cám gạo làm thức ăn chăn nuôi, thu về giá trị thấp, Cỏ May đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trích ly cám lấy tinh dầu, giá trị sử dụng cao hơn các loại dầu khác.
3 thế hệ công nghệ, gồm: 1/ Ép cơ của Ấn Độ và pha một ít trấu để ép ra cám gạo thô; 2/Trích ly bằng công nghệ dung môi là chuỗi phản ứng tách nhập để cho ra dầu cám gạo ; 3/ Đưa sóng siêu âm vào để tăng tỷ lệ, nhưng không phù hợp sản xuất dược phẩm. Ngoài ra, cám gạo còn có chất chống oxy hóa cực mạnh là Gamma Oryzanol, vitamin E, dùng trong dược mỹ phẩm.
“1 tấn cám nguyên béo giá trị tăng gấp 5 lần. Có đối tác đặt vấn đề ký thỏa thuận và hướng dẫn cho ra sản phẩm chuẩn mực và họ bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra như vậy”, anh Thiện phấn khởi, cho biết.
Tập thói quen điều nghiên, phát hiện vấn đề từ những góc khuất: Cá tra làm ra phi lê còn phụ phẩm gồm mỡ, da, máu nội tạng… là nguồn lợi mang giá trị gia tăng rất cao nếu đầu tư làm bột huyết sấy khô, hoặc nghiên cứu dược phẩm (chiết suất collagen, Omega 3), dầu ăn… Ngoài lúa, cá miền Tây, anh còn tìm cách làm ra hàng giá trị gia tăng như sen, sả…
“Chiết xuất tinh dầu sả rất đơn giản, bằng công nghệ hơi nước cũng lấy được. Một chai tinh dầu sả 10ml bán hơn 100.000 đồng, trong khi mình có rất nhiều mà bỏ quên, gấc cũng vậy, tiềm năng lớn lắm, gần gũi, nhưng chưa khai thác hết”, anh nói.
“Mai mốt sẽ có phân bón từ bùn đáy ao nuôi cá tra, nuôi tôm phối hợp phân chuồng làm phân bón”, anh Thiện cho biết đang bàn bạc, tìm thêm đối tác để thực hiện dự án tiềm năng này.
“Sản xuất ra loại phân mà chủ ao phải trả mình cho tiền, đó là cơ hội khai thác giá trị gia tăng trong nông nghiệp”, Thiện nói về cách phát triển phân vi sinh từ bùn đáy ao, cách xử lý ô nhiễm môi trường một cách nhẹ nhàng.
Ngọc Bích
Theo BSA.org.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này