10:44 - 07/09/2016
Doanh nghiệp nông nghiệp, kinh doanh đầu vào lãi khủng
Doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay khá nhiều nhưng chủ yếu hoạt động ở hai lĩnh vực kiếm lợi nhuận nhanh là cung cấp đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…) và đầu ra, tức tiêu thụ sản phẩm của nông dân.
Có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi khép kín, từ sản xuất con giống, sản xuất thương phẩm, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ để đa dạng hoá thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu.
Theo bà Trần Hải Yến, chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, trong ngành nông nghiệp, riêng lĩnh vực giống cây trồng và vật tư nông nghiệp hiện có bốn công ty niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE gồm: công ty CP vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC), công ty CP Giống cây trồng Trung ương (NSC), công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) và công ty Cổ phần nông dược H.A.I.
Năm 2014, hoạt động sản xuất kinh doanh chính của bốn doanh nghiệp này ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với năm 2013, trong đó, đáng chú ý nhất là TSC khi tỷ suất lãi gộp của doanh nghiệp này tăng vọt từ 9,75% của năm 2013 lên hơn 22% năm 2014.
Hoạt động của NSC và SSC cũng ổn định qua các năm với tỷ suất lãi gộp tăng đều và hiện đang ở mức 40% và 32%.
Xét về khả năng sinh lời, bà Hải Yến đánh giá chỉ số ROE (chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của TSC ở mức cao nhất với hơn 30%.
Không chỉ các doanh nghiệp vật tư đầu vào, hiện các đại gia trong ngành sản xuất thức ăn cũng đang gặt hái lợi nhuận ở mức 11 – 15%. Tiêu biểu là Dabaco (DBC) và công ty CP thức ăn chăn nuôi Việt Thắng.
Mặc dù sản phẩm đầu ra heo, gia cầm… luôn trồi sụt, nông dân mất nhiều hơn được nhưng thị trường thức ăn chăn nuôi luôn được đánh giá là mảnh đất còn nhiều tiềm năng.
Trong khi tỷ suất sinh lợi mảng thức ăn ở các nước cận kề Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc… ở mức rất thấp, dao động 3 – 5%; thì doanh nghiệp nội lẫn ngoại vẫn đang hưởng trên 10%, thậm chí là 20%.
Lợi nhuận kinh doanh thức ăn được ví không thua kém kinh doanh mặt hàng sữa. Đây là điều hoàn toàn bất hợp lý, không chỉ xảy ra ở ngành chăn nuôi mà ở hầu hết các ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Chi phí đầu vào luôn tỷ lệ nghịch với đầu ra, cả nông dân lẫn Nhà nước không hề kiểm soát được, điều này làm giảm đáng kể tính cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.
Bảo Ngọc
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này