
10:27 - 16/12/2018
Điểm sách: Claude Lévi-Strauss và Mặt khác của trăng
Mặt khác của trăng – khảo luận về Nhật Bản của tác giả Claude Lévi-Strauss lần đầu được dịch sang tiếng Việt với bản dịch của Nguyễn Duy Bình và ấn hành bởi nhà xuất bản Thế Giới tháng 12/2018.
“Mặt khác của trăng” là một khảo luận về văn hoá Nhật Bản của Lévi-Strauss. Cái tựa có thể là ông chỉ chơi chữ, thay vì nói một câu mà quá nhiều người đã nói và ngay cả người Nhật cũng tự coi họ là “Đất nước của thái dương”.
Vì vậy mà cha đẻ của nhân chủng học hiện đại đã rất khiêm tốn cho rằng, dù có biết và hiểu Nhật Bản đến đâu, ông vẫn là kẻ đứng bên ngoài và “vẫn ý thức được rằng mình chỉ có một sự hiểu biết hời hợt về đất nước” này. Nhưng càng khiêm tốn, ông càng tỏ ra là người làm việc rất nghiêm túc khi đi sâu vào nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật, kể cả nghề thủ công, để từ đó, ông hoàn tất những cuốn sách cũng như khảo luận về văn hoá nghệ thuật Nhật Bản với các nhìn mới mẻ, phong phú và sâu sắc một cách đáng kinh ngạc, đối với cả người Nhật hiện nay.
Thoạt đầu, Lévi-Strauss biết đến nước Nhật nhờ người cha, vốn là một hoạ sĩ và những món quà ông ấy để lại cho ông, đó là một hộp các tông chất đầy các bức tranh mộc bản của Nhật Bản mà mới năm, sáu tuổi, ông đã được cha cho một bức tranh khắc gỗ của Hiroshige: “Xúc cảm thẩm mỹ đầu tiên mà tôi cảm nhận được đã hoàn toàn làm thay đổi điều gì đó trong tôi… kể từ đó mỗi khi có thành tích học tập ở trường, tôi lại được tặng một bức tranh khác, và cứ như vậy trong nhiều năm liền”, ông viết.
Cái xúc cảm đó đã dẫn lối cho Lévi-Strauss đến năm 1977, tức là khoảng 50 năm sau ông mới đến nước Nhật.
Cũng giống như các cuốn sách về văn hoá và nhân học khác, ông bắt đầu bằng các huyền sử, các tập sách cổ xưa nhất của nước Nhật là Kojiki (Cổ sự ký) và Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ). Đó là hai cuốn sách mà: “Bằng thứ nghệ thuật vô song, đã liên kết tất cả những chủ đề lớn của thần thoại thế giới, và thần thoại ấy hoà tan một cách vô tình vào trong một lịch sử. Như vậy vấn đề căn bản được đặt ra về văn hoá Nhật Bản: làm sao lý giải việc nền văn hoá này, nằm ở điểm tận cùng của một lục địa rộng lớn, chỉ chiếm giữ nó ở một vị trí bên lề và đã trải qua nhiều thời kỳ dài bị cô lập, lại đồng thời có thể, trong những văn bản cổ nhất, cung cấp một sự tổng hợp tuyệt đối tinh tế về các yếu tố mà ta bắt gặp ở những nơi khác trong một trật tự tản mát?”, ông nhận định.
Những đoạn ông viết về âm nhạc, hội hoạ, kịch nghệ, ẩm thực và có cả một chương ngắn về “Âm thanh, màu sắc, hương vị, kết cấu” khiến cho ta có cảm giác tiếp tục một chuyến du hành khác đến nước Nhật, bằng văn hoá và ta đi trên chuyến tàu chở hồn cốt Nhật Bản.
Là một nhà khoa học, dù cho cảm xúc có đưa đi đến đâu, thì việc lý giải nó bằng những bằng chứng cụ thể vẫn phải rõ ràng, rành mạch. Lévi-Strauss thì khác, ông lồng giữa cảm xúc vào những dẫn chứng khoa học ấy. Ông kể chuyện về một tiếng chim, một buổi sáng ở làng chài, cũng như việc phát hiện ra từ cú pháp tiếng Nhật dẫn đến tư duy của người Nhật luôn đặt chủ thể ở cuối cùng, v.v. bằng một lối văn biền ngẫu chặt chẽmà linh hoạt, sinh động.
Có lẽ hiếm có một đất nước nào ở Phương Đông được nhiều nhà nghiên cứu châu Âu ngưỡng mộ như nước Nhật, trong đó, Lévi-Strauss xem việc mình nghiên cứu nước Nhật ở những chặng cuối đời là một vinh dự, ông viết: “Bởi chưng ngày nay văn hóa Nhật Bản đang cung cấp cho phương Đông tấm gương mẫu mực về sức khỏe xã hội, và cho phương Tây tấm gương mẫu mực về bảo vệ sức khỏe tinh thần; những nước này đến lượt mình lại là những người đi vay mượn, phải có bổn phận rút ra những bài học”.
Ngân Hà (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này