11:20 - 15/10/2017
Để đọc sách tự nhiên như hơi thở
Nguyễn Thị Thu Huyền, đơn giản là một cô giáo. Nhóm Sách và trẻ thơ được ra đời từ tháng 3/2015 theo lời mời của một thành viên của nhóm lúc mới thành lập và Thu Huyền làm trưởng nhóm, vì có nhiều kinh nghiệm. Huyền đã nhận lời với điều kiện nhóm phải mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng, chứ không phải chỉ hoạt động khi có điều kiện tài chính.
– Để hoạt động lâu dài, nhóm đã xác định mục tiêu thế nào?
– Chúng tôi đã chọn mục tiêu trang bị tủ sách cho các lớp học hoặc trường học, đi kèm với các chương trình giáo dục để khuyến khích trẻ đọc sách, yêu quý sách. Ngoài ra, nhóm cũng hướng đến việc cung cấp các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho trẻ, các chương trình phổ biến kiến thức giáo dục trẻ cho phụ huynh, giáo viên, trường học. Đối tượng thụ hưởng được ưu tiên là trẻ em vùng sâu vùng xa.
Sau khi thành lập nhóm thì tôi quay lại Anh để học tiếp chương trình tiến sĩ giáo dục học nên hoàn toàn quản lý và lãnh đạo nhóm từ xa. Tôi vạch ra chiến lược, quản lý chuyên môn, truyền thông về nhóm, bàn bạc các chương trình với các đối tác qua email/điện thoại, sau khi thống nhất thì đội ngũ ở Việt Nam sẽ thực hiện. Bạn Phạm Xuân Giang, phụ trách quản lý tài chính nhóm, các chương trình hoạt động tại Biên Hoà. Bạn Minh Tâm – phụ trách các chương trình hoạt động tại TP.HCM. Cả Giang và Tâm cùng phụ trách việc bán sách online để gây quỹ. Bạn Hoa Lê lo tìm các sản phẩm khác để bán gây quỹ. Tuy nhiên, sau sáu tháng đến một năm thì các thành viên này đều lần lượt bận việc cá nhân, không thể trực tiếp tham gia vào việc điều hành nhóm nữa nên chỉ còn mình tôi quán xuyến. Tôi đã quyết định thu hẹp hoạt động lại như ngưng bán sách online, ngưng các sân chơi cuối tuần tại Biên Hoà, chỉ duy trì chương trình hỗ trợ hàng tháng tại lớp tình thương Sơn Ca ở Biên Hoà (một bạn sinh viên cũ của tôi nay là giảng viên ĐH Đồng Nai phụ trách), định kỳ theo quý cho mái ấm Vinh Sơn 4 (Kon Tum). Thay vào đó, tôi phát triển chương trình giáo dục phòng chống bị xâm hại tình dục cho trẻ khắp các tỉnh, thành. Tôi soạn chương trình, giáo án hoặc chỉnh sửa giáo án của các báo cáo viên, tình nguyện viên, kết nối các nơi, gây quỹ cho nhóm qua FB cá nhân và fanpage của nhóm. Tôi rất biết ơn những ai đã đồng hành cùng nhóm qua những giai đoạn khó khăn, trong đó không ít là cựu sinh viên khoa Tâm lý – giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM.
– Là một nghiên cứu sinh về ngành giáo dục học ở Anh, bạn chắc cũng đã tham khảo nhiều mô hình “giáo dục từ sách” cho trẻ thơ. Bạn có thể chia sẻ một vài mô hình mà bạn biết của các nước châu Âu nói chung và nước Anh nói riêng?
– Thực ra việc đọc sách ở Anh, Mỹ, Úc hay các quốc gia châu Âu khác mà tôi biết là việc tự nhiên “như hơi thở”, từ trong nhà đến trường học hay ngoài đường. Việc đọc sách, giáo dục qua sách được tiến hành đều đặn qua nhiều hoạt động thuộc chương trình chính khoá lẫn ngoại khoá. Ví dụ, nhiều trường có câu lạc bộ đọc sách sau giờ học, trẻ tự nguyện đăng ký vào câu lạc bộ. Tại đây, trẻ tự chọn sách đọc hoặc có khi cùng đọc một quyển sách rồi thảo luận cùng nhau, đóng kịch, tìm hiểu về tác giả, viết cảm nhận, thuyết trình… Trong lớp học nào tại Anh hay Phần Lan mà tôi từng đến đều có để sẵn những quyển sách, truyện, trẻ tự do chọn đọc. Trẻ Phần Lan có hẳn giờ đọc sách cố định hàng tuần. Trẻ ở Anh, Úc đang học đọc thì giáo viên cho mượn mỗi ngày một, hai quyển, đưa cho phụ huynh, khuyến khích phụ huynh đọc cùng con, trả lời câu hỏi cuối sách để giúp con đọc tốt hơn. Tại lớp học mầm non ở nhiều nước đều có giờ giáo viên đọc sách cho trẻ, cầm sách lên, chỉ tay vào hình ảnh và đọc, trẻ lắng nghe và trả lời các câu hỏi của giáo viên… Ở Anh có rất nhiều thư viện công cộng mà đối tượng phục vụ chủ yếu có thể là trẻ em. Họ có phòng đọc riêng với các chỗ ngồi êm ái, dễ chịu, trang trí màu sắc để thu hút trẻ. Đi kèm theo đó là các hoạt động khuyến khích trẻ đọc. Mọi người đều tự do đăng ký làm thẻ để vào các thư viện này.
– Điều mà bạn mong muốn nhất ở những người, cụ thể ở đây là những em học sinh nhận được sự giúp đỡ, thụ hưởng tri thức là gì?
– Trong thời gian sắp tới, nhóm muốn nhân rộng mô hình tiết học “Đọc sách cùng em”, trong đó các thành viên của nhóm sẽ đến tổ chức hoạt động đố vui, thảo luận nhóm, làm việc cá nhân, trò chuyện cùng trẻ để giúp trẻ biết lợi ích của đọc sách, cách chọn sách tốt và cách đọc sách hiệu quả. Đối tượng thụ hưởng chính vẫn là học sinh tiểu học và có hoàn cảnh bất lợi.
Đó là các em biết được một người thầy vĩ đại có thể hỗ trợ các em trong suốt cuộc đời chính là Sách, và các em hiểu được rằng TỰ HỌC mới là yếu tố quyết định thành công của con người. Tôi xác định hành trình để đạt mục tiêu này là rất lâu dài.
– Trong quá trình nỗ lực hoạt động vừa qua, điều gì khiến cho bạn thất vọng?
– Có những thất vọng tại một giây phút nào đó khi chúng tôi rất nỗ lực để mang lại các chương trình giáo dục chất lượng và cần thiết cho trẻ nhưng các trường học, các cấp lãnh đạo thì thờ ơ. Tuy nhiên, tôi ít khi để các cảm xúc tiêu cực này tồn tại lâu vì với tôi, lợi ích của trẻ quan trọng hơn hết thảy. Những khó khăn phải lần lượt tháo gỡ để nhiều trẻ có cơ hội được tiếp cận với sách và các chương trình giáo dục hơn. Tôi thường là nhún nhường, kiên trì thuyết phục để các nơi đồng ý cho mình làm. Tôi cũng may mắn gặp nhiều hiệu trưởng, giáo viên cực kỳ tiến bộ và cởi mở, chính họ chủ động mời nhóm về làm các chương trình. Vì vậy, nói chung thì tôi không gặp nỗi thất vọng nào lớn cả. Sau mỗi chương trình, nhìn trẻ, tôi luôn thấy lòng tràn hạnh phúc.
– Với tư cách là thành viên sáng lập, một nhà giáo có chuyên môn cao, bạn có thể cho vài lời góp ý với các bạn trẻ hiện nay, đang rất háo hức cùng với tuổi trẻ của mình tạo ra những giá trị mới?
– Dù khát khao thế nào thì các bạn cũng nên tự hỏi mình những câu hỏi: Điều mình muốn làm có thực sự là vì lợi ích của cộng đồng (hay là để thoả mãn sự hiếu thắng tuổi trẻ)? Điều mình muốn làm lợi ích gì, cho ai? Có ai bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc mình làm không? – Nếu giữa lợi và hại, phần lợi thì ít, hại thì nhiều thì hãy chọn một ý tưởng khác, đừng bắt ai phải hy sinh cho việc làm của mình. Điều cuối cùng đó là hãy tự hỏi: lợi ích mà mình định mang lại cho người khác có thể kéo dài bao lâu? Nếu chỉ là lợi ích tức thời nhưng không liên quan đến sinh mệnh của họ thì cũng nên cân nhắc. Chẳng hạn, nếu bạn giúp đỡ một người bị bệnh hiểm nghèo, việc đó liên quan sinh mệnh một con người thì không cần đắn đo. Tuy nhiên, việc bạn tặng tiền cho người hành khất thì chỉ mang lại lợi ích tức thời cho họ mà không phải là giải pháp lâu dài, hãy tìm một cách khác.
Thực ra tôi có thay đổi một vài tính cách, quan điểm khi “sống lâu” hơn. Tuy nhiên, những giá trị và phẩm chất cốt lõi mà tôi luôn ý thức là phải gìn giữ thì được hình thành từ lúc tôi còn nhỏ. Đó là sự chính trực, lòng nhân ái, và sự cầu thị. Vì sự chính trực mà tôi có “‘va chạm” với một số người, nhưng tôi xem đó là điều đương nhiên. Ngay cả lòng nhân ái là thứ mà tôi cho rằng chẳng ai có thể nghi ngờ được, nhưng tôi vẫn có khi phải đối diện với sự nghi ngờ đó. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ đó là sự trả giá. Khi làm nhóm, tôi nghĩ tôi đang làm điều lợi ích cho chính tôi trước tiên. Tôi được hiện thực hoá đam mê, tâm huyết của mình, được trải nghiệm những giây phút vui vẻ, hạnh phúc cùng trẻ. Tôi thấy mình “ĐƯỢC” chứ không “MẤT” gì qua những hoạt động thiện nguyện này.
Ngân Hà thực hiện
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này