15:12 - 20/09/2016
ĐBSCL sẽ được phân thành 4 tiểu vùng
ĐBSCL sẽ phân thành 4 tiểu vùng mà mỗi tiểu vùng chọn một vài sản phẩm chủ lực nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn cho xuất khẩu, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ba sản phẩm chính là lúa, trái cây và thủy sản. Mỗi tiểu vùng thống nhất lựa chọn sản phẩm chủ lực để thực hiện liên kết, và sau đó sẽ chọn 1-2 dự án đầu tư để phát triển những sản phẩm chủ lực này.
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn 7764 gửi các tỉnh ĐBSCL và theo kế hoạch, đến ngày 26/9, bốn tiểu vùng sẽ phải xong những đề xuất cây, con chủ lực để Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch thực hiện.
Theo công văn 7764, ĐBSCL sẽ có 4 tiểu vùng là tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm Đồng Tháp, Long An; tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu là Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang; tiểu vùng bán đảo Cà Mau gồm Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang; và tiểu vùng tứ giác Long Xuyên gồm An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang.
Đi kèm với đó là xây dựng thế thống cơ sở hạ tầng, thủy lợi phù hợp cho từng tiểu vùng trong việc chống xâm nhập hạn mặn, hạn hán khiến hàng chục héc ta lúa bị ảnh hưởng, cũng như phải phù hợp với nuôi trồng thủy sản, tránh trường hợp như lâu nay, nuôi trồng thủy sản phải dùng hệ thống thủy lợi của trồng trọt.
Trong những năm qua, hệ thống thủy lợi của ĐBSCL đã bộc lộ những hạn chế, đặc biệt là khi các tỉnh phát triển thế mạnh về nuôi trồng thủy sản.
Và một trong những lý do khiến ĐBSCL có dịch bệnh trên thủy sản bùng phát nhanh ít nhiều được ngành nông nghiệp chỉ ra là thiếu hệ thống thủy lợi phù hợp.
Đơn cử như vùng nuôi tôm công nghiệp ở Sóc Trăng bao năm qua vẫn sử dụng hệ thống thủy lợi cho canh tác lúa, vì thế, khi có dịch bệnh ở một vài ao nuôi đã nhanh chóng lan nhanh qua hàng chục ao nuôi khác chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo phía Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng, nếu sử hệ thống thủy lợi cho cây lúa, buộc người nuôi đưa nước vào ao nuôi và xả nước thải ra cùng một nơi nên một ao tôm nào có dịch bệnh sẽ nhanh chóng lan nhanh qua những ao khác.
Còn nếu có hệ thống thủy lợi cho thủy sản, sẽ có hai hệ thống chạy song song, một dùng lấy nước sạch, một dùng để thải nước thải sau khi nuôi sẽ tránh được điều này.
Nguồn vốn để thực hiện việc phân vùng trên, chủ yếu từ ngân sách trung ương, vốn ODA, còn lại là từ các dự án liên kết trong hợp tác công tư.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này